Friday, October 10, 2014

Công thức nấu ăn: Tuot De Tony

Công thức nấu ăn: Tuot De Tony

Cà chua là loại quả được sử dụng nhiều nhất trong chế biến thức ăn, dù Tây, Tàu, Âu, Á…Nguồn gốc từ Peru, Nam Mỹ, sau đó cà chua theo chân người Tây Ban Nha đến Việt Nam rất muộn khoảng thế kỷ 17-18. Như vậy, thời vua Lý vua Trần, dù là vua chứ cũng chưa có ăn được cà chua mà giỏi lắm là cà pháo, canh mùng tơi rau dền chứ hẻm có cà rốt súp lơ gì cả.

Cà chua là “nhà máy dinh dưỡng” với mọi loại vitamin và khoáng chất, trừ cà chua xanh chúng ta không nên dùng vì họ cà nói chung đều có chất solanin, có thể gây ngộ độc, chất này sẽ biến mất hoàn toàn khi cà chín tức chuyển sang màu. Ăn cà chua chín rất rất tốt cho sức khỏe, nếu là cà chua sạch thì nên ăn sống, xay sinh tố húp. Tony lúc ở châu Âu, suốt ngày ăn đồ Tây, chả có rau rác gì, thế là bị apple fertilize (táo bón). Cái qua phòng bạn người Ý chơi, thấy nó ăn nên bắt chước, ngày nào cũng ăn vài quả, nên tiêu hóa rẹt rẹt, da dẻ đẹp tươi trắng hồng như Ụ pa Hàn Quốc. Người Ý khôn lắm, họ biết cà chua là sản phẩm làm đẹp người nên món ăn nào họ cũng ăn rất nhiều cà chua, đó là bí quyết của vẻ đẹp của trai thanh gái tú thành Rome. Người Ý đẹp nhất châu Âu vì họ sử dụng cà chua gấp 3 lần các dân tộc khác. Người Hồng Công, dù cũng gốc Hoa, nhưng đẹp và khỏe mạnh gấp chục lần người đại lục vì họ tiêu dùng cà chua kinh khủng.

Hôm nay mình học chế biến món tương ớt để chấm thịt, cá khô, mực khô, mì gói…:

Cà chua: 1kg, gọt vỏ, bỏ ruột và hạt. Ớt: 2-4 lạng tùy người thích ăn cay hay không. Xẻ rãnh, bỏ ruột/hạt, không cần gọt vỏ. Ai gọt vỏ quả ớt được thì cứ gọt. Tỏi: 1 lạng, lột sạch (tỏi đã ngâm giấm sẽ ngon hơn tỏi tươi). Dấm, muối: 1 muỗng canh. Đường 2 lạng. Rượu đế (trắng): 2 muỗng canh.

Đem cà chua và ớt, tỏi luộc với 1 lít nước, cứ bỏ vô 1 ít rồi vớt ra, bỏ cái sau vô, đừng bỏ vô luộc cùng 1 lúc nước không đủ ngập. Luộc khoảng 2 phút là được. Sau đó bỏ TOÀN BỘ nguyên liệu trên kể cả nước luộc vào máy xay sinh tố, xay cho mịn. Sau đó bỏ vào nồi, bắc lên bếp, mở lửa nhỏ từ từ và đảo kẻo bị cháy khét. Khi nó sôi lục bục thì là OK, mọi vi khuẩn trong đó đã chết, mình sẽ tắt bếp, để nguội. Vì có rượu/giấm/tỏi/ớt gây ức chế vi khuẩn mốc meo nên có thể bảo quản được 3 tháng không cần tủ lạnh.

Nếu bạn nào làm đóng chai bán thì thêm 2 muỗng cà phê citric acid (axit chanh) hoặc 1gram (1/2 thìa nhỏ loại natri benzoate) để bảo quản được khoảng 1 năm trong chai đóng kín. Có thể thêm ½ muỗng cà phê màu thực phẩm ăn được ký hiệu là Yellow Sunset hay Ponceau 4R (hàng Ấn Độ) để giữ màu bền, đẹp và lâu. Hiện chỉ có mấy nhãn hàng tương ớt trên thị trường thôi, mình vẫn chen chân được. Làm nhãn hàng “Tuot de Tony” đi (tuot là tương ớt, chứ hẻm phải “tuột”, tui chỉ đường cho làm ăn mắc mớ gì đòi tuột tui?)

Bữa nay, có 1 bạn khởi nghiệp trồng cà chua ở Đà Lạt nhưng sản lượng nhiều quá, không ai mua phải đổ cho bò ăn. Bò thì không có nhu cầu làm đẹp, thấy uổng quá nên CLB con dượng ở Tp HCM đem về bán kiếm tiền gây quỹ Hành Bổng.

Bạn trồng ở Đà Lạt này nói cà chua con trồng là cà chua sạch. Mua nhớ bắt nó quéo tay thề nghen, hiền dịu kiểu chị Tấm ấy. “Cà mày không sạch, tao vạch mặt ra”. Còn bạn nào mua để bán lại thì cũng bắt chước cái Tấm mà rao như vầy “Con cà con kẹt, không mua cà chụy, chụy khoét mắt cho”.



3 nỗi buồn của bạn L

3 nỗi buồn của bạn L

"Thưa dượng, con tên là L, hiện con ở tại TP Hội An - tỉnh Quảng Nam. Sau khi tốt nghiệp ĐH con quyết định tham gia chăn nuôi, nên có xin với má con là con sẽ lập trang trại nuôi chim bồ câu, cuối cùng má cũng đồng ý vay mượn tiền cho con làm vì đam mê con trẻ và biết đâu gia đình có thêm nguồn thu nhập.

Con hì hục làm, con xây 1 cái trại, làm 50 cái lồng sắt, mỗi lồng con nhốt 1 cặp, con mua 50 cặp bồ câu giống, làm ngót nghét rứa mà hết hai chục triệu lun á dượng(đối với nhà con thì đó là số tiền rất lớn). Rồi 1 ngày, chú bồ câu non đầu tiên nở, con mừng rớt nước mắt. Con PR mọi kiểu để người ta biết nhà con bán chim bồ câu ra ràng, bồ câu giống. Ban đầu con chưa có việc làm nên chỉ ở nhà mọi việc chăm chim hay vệ sinh chuồng trại....là con làm hết và làm rất kỹ (vì con đã nghiên cứu kỹ những thông tin và kỹ thuật liên quan tới nuôi chim bồ câu). Tuy nhiên chim đẻ thưa thớt nên số tiền con thu được từ việc bán chim ra ràng chỉ đủ mua thức ăn lại cho trang trại chim, con có liên hệ với trang trại bán bồ câu giống cho con nhưng họ nói không mua chim giống, còn chim ra ràng thì họ mua lại bằng ½ số tiền thị trường, con thấy nản và buồn quá chừng. Má kêu thôi mi đem gởi chỗ bán giống bồ câu bữa trước để lỡ họ bán được thì họ trả bớt cho mình ít vốn bù lỗ cũng được, còn không thì đem ra đồng thả cho hén (bồ câu) bay đi chứ lấy gì mà nuôi hén (hắn, tức mấy con chim, tiếng địa phương).....rồi con buồn tập 2.

Giờ con chẳng biết phải làm răng, bữa ni bồ câu ăn không no nên hén hông đẻ nữa, giờ con có cả 1 bầy chim giống mà ....chẳng ai mua...con buồn tập 3...”

=>Xét thấy đây là 1 bài học lớn cho các bạn trẻ “tập tành” vô làm ăn, Admin xin phép Tony đăng thư này lên để các bạn đọc và rút KN, cùng nhau bàn giải pháp qua comment (bài đăng sẽ xóa vào ngày mai, các bạn tự do thảo luận). Bạn nào ở khu vực Hội An hay Đà Nẵng giúp giùm L, chứ để L cứ đi “làm răng” miết thì chỉ có nha sĩ ở đấy giàu có.



Festival Kiến Trúc Thế giới năm 2014

Festival Kiến Trúc Thế giới năm 2014 vừa khép lại với chiến thắng từ Việt Nam, với kiến trúc ngôi nhà ở ngoại vi Tp HCM mang tên The Chapel

https://www.worldarchitecturefestival.com/

Ngoài giải thưởng này cho a21studio, còn có các giải thưởng phụ cũng cho Việt Nam nữa. Có những tài năng để tên đất nước được xướng lên trên vũ đài quốc tế, một kết quả xứng đáng của bao ngày rèn luyện miệt mài.

Các bạn trẻ kiến trúc hãy sống, làm việc, học tập say mê nhé. Mình nắm các nguyên tắc cơ bản của kiến trúc, các đặc thù cơ bản của khí hậu Việt Nam, tính thực tế và hiệu quả sử dụng…và cứ thế sáng tạo thành công trình chưa từng có. Tư duy mạnh lên, thoát khỏi lối suy nghĩ của “nhà ống 5x20 và cái xe máy để trong phòng khách”, think out of the box, out of cái tư duy ngoằn ngoèo “ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi vẫn ở đó”.

“Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”. Sáng tạo các bạn nhé, sáng tạo là nguồn gốc của mọi của cải chứ không phải học giỏi, học thuộc làu làu tiên đề định lý của mấy ông Đác Uyn, Men-đơ-lơ-ep hay Niu-tơn gì đấy cách đây mấy trăm năm và ghi lại y chang, được thủ khoa 30/30 điểm, được xã hội khen giỏi quá giỏi quá và giờ vác đơn đi xin việc. Cho tôi xin, cho tôi xin...có ai nghĩ ra việc gì đi, cho tôi xin...



Tuesday, October 7, 2014

Ở quê kì, ngày tháng năm…

To: Near and far readers ( tức độc giả gần xa)

Nóa chung là công việc rồi hạc hành cũng ceng thẻng, nên Tony có giái trí (giải trí) bằng cách viết những dòng nho nhỏ xinh xinh trên mạng. Đầu tiên là yahoo blog, sau đó, thèng ku em ép dùng fb, ép mãi mới qua. Qua đâu được 1 năm thì viết luôn bên này vì bên yahoo đóng cửa. Sau đó, thì cũng thèng này, nói thôi em lập page cho anh vì quan niệm lạc quan tích cực của anh sẽ truyền cảm hứng sống cho mọi người. Nhiều đứa định tự tử vì tình hay vì tiền, nhờ đọc bài của anh mà vươn lên thành tổng giám mục, ý lộn tổng giám đốc hay sang Mỹ làm tiến sĩ đại học La Salle, ra Văn Miếu làm giáo sư cả… Xã hội thật tốt đẹp biết bao. Dân trí nước ta được nâng cao biết bao, chẻng mấy chốc mà có đường sét cưu tóc (đường sắt cao tốc). Nên mình nghĩ, nếu thật sự như nó nói thì cũng gáng mà viết héng. Nó thành lập luôn page cho mình chứ mình có biết chi mô mà vô internet. Lập luôn 2 page mới ghê. Nó nói anh Tony chơi sỉ luôn anh, đừng chơi lẻ.

Xong ké nó bắt mình ép like cái trang vừa lập ra. Tức trang Tony Buổi Sáng. Còn trang kia thôi dẹp, mệt quá. Tiêu chí ban đầu là cạnh tranh với các tờ báo có chữ Morning trên thế giới. Nó kêu anh ép mọi người like đi anh. Mình ra tay liền. Đệ tử học trò, đứa nào không like mình quánh đập không thương tiếc. Bứt tóc móc mắt. Chặn đường lột áo. Lên gối giựt cùi chỏ. Quánh ôi thôi lên bờ xuống ruộng. Mình vốn đào tạo chuyên ngành Bạo Lực hạc đường. Tụi nó sợ quá like hết trơn. Còn mấy người lớn tuổi hơn thì năn nỉ. Khóc quá trời nói chú ơi, cô ơi like giùm con, con lạy cô chú. Một số đối tượng hẻm biết facebook mình cũng lập ra rồi bắt like như anh Tư xe ôm, chị Bảy vịt lộn, cô Năm hủ tíu, cô Ba nước mía… Chòm xóm với nhau mà, mình mở cái gì ra họ ủng hộ liền. Một số đối tượng khác thì dọa ép nghỉ chơi, sáng unfriend để dọa, thấy nó ignore thì chiều add friend lại năn nỉ…Mình trở thành hoàng tử Lai. Nói chung đủ các chiêu trò thì cũng chỉ được 50 cái like…



Sau đó tiếng lành đồn xa, thấy viết dễ thương nên like quá trời. Mình thôi hổng ép like nữa. Like tiếng Anh là thích, tự nhiên ép mày hãy thích tao đi. Ai thích thì vào bấm Like Page, thế là nó tự động nhảy lên Wall của mình khi có bài mới. Vậy đi.

Nhưng giờ nghĩ lại bắt mọi người Like quá trời làm chi ta? Mình đâu có nhu cầu quảng cáo hay bán trang này cho ai đâu, vì mình giàu quá rồi. Mình cũng đâu có nhu cầu nổi tiếng, vì fan hâm mộ riêng về nhoan séc và trí tệ của mình đã gạt không hết xuống giường rồi.Vậy ép lai để làm gì?

Thôi thì 1 ngày đẹp trời, mình sẽ đùng đùng đóng cửa trang Tony Buổi Sáng trong sự hụt hẫng ghê gớm của độc giả. Rồi mình sẽ thành lập trang Tony Buổi Trưa, lại bắt ép Like …Và cứ thế cho đến Tony buổi Xế, Tony ban chiều, nhưng đâu tới Tony Giữa Khuya thì Facebook đóng cửa giống như Yahoo Blog vậy.

Thôi thì đọc vui được lúc nào, hay lúc đó. “Cuộc đời đó, có bao lâu, mà hững hờ. Em nói dzậy, đúng hông chị Bảy?

Kính thư,

Em Tèo

Chuyện Tony bị đại gia xài xuể

Năm 2007,có một chú Ả Rập sang nghiên cứu thị trường, Tony làm cò hướng dẫn. Tony ăn vận soang trạng (tức sang trọng) ra sân bay TSN đón, chú ấy nói tao theo đạo Hồi nên mày phải lưu ý nhé. Anh tài xế bảo thôi mình dắt đi ăn cá hồi đi cho nó hợp vần. Anh tài xế là người Phan Thiết nên phát âm cứ lộn giữa ôi và oai. Ví dụ “Anh ấy là người nước ngồi, và anh ấy thích ăn cá hoài”.
Tony phải book phòng KS có mũi tên trên trần để chú ấy hàng ngày hướng về thánh địa Mecca cầu nguyện, rồi đàm đạo về văn hóa Hồi Giáo, về các Caliph và sự khác nhau giữa 2 dòng Sunny – Shiai, về mái vòm các thánh đường ở Thổ, Tây Ban Nha, về bộ kinh Coran nổi tiếng, về nàng Sheherazade với 1001 đêm nhưng chủ yếu cũng xoáy vào các truyện nổi tiếng mà nàng kể như cuộc phiêu lưu của Sinbad, của Alibaba vào 40 tên cướp, Alađin và cây đèn thần… cứ mấy chuyện khác không nhớ nổi chi tiết để thảo luận. Những đóng góp của thế giới Hồi giáo như các con số trong toán học, mỹ thuật, thơ ca,… cũng được Tony nịnh hết biết. Tự hào dân tộc lên cao ngút trời, chú ấy hài lòng lắm, bảo là tao đi mấy nước khác, bọn nó chẳng biết gì về thế giới Hồi giáo tụi tao ngoài khủng bố. Tụi Việt Nam mày được giáo dục tốt như vậy, tao ưng bụng à nha. Sau đó cho Tony 1 vé đi xem triển lãm du thuyền ở Dubai mà Tony đâu có lấy, đói phải tắm gội cho sạch, rách phải dùng nước hoa cho thơm.
Để xác nhận là khách hài lòng, đi chung xe hơi, cứ khoảng 30 phút Tony lại quay sang đập vào tay chú ấy và hỏi “ông có hài lòng không”, chú ấy nói “yes”, cứ đúng 30 phút sau Tony lại đập cái bốp vào tay chú ấy và hỏi “hài lòng hay không hài lòng”, đâu chừng chục lần thì chú ấy sợ quá bảo là “tao hài lòng lắm, xin đừng hỏi nữa”.


Đưa ra Hà Nội để họp tìm mối, gặp 1 đại gia. Chú định lập nhà máy và liên doanh với vài công ty VN, biết tin, đại gia vui mừng ra sân bay đón ngay. Trên đường về thì không về thẳng khách sạn mà ghé 1 gara “tiện đường lấy thêm 1 con xe”. Vừa mệt vừa đói nên khi đại gia hỏi “mày thấy tao lấy con xe này nom được không” thì Tony chỉ nói “ok đó anh” làm đại gia giận. Vừa xuống máy bay bị jetlag nên Tony không nịnh được nhiều.
Xem thêm bài về jetlag:
Lúc đi ăn, đại gia rủ đi Lệ Mật ăn rắn, thấy Tony ậm ừ nên đại gia tức mình mua may quay cuồng, làm động tác miêu tả cảnh hành quyết con rắn sống để nuốt tim vào bụng, uống máu con rắn… rồi lột da chiên giòn, bẻ xương vào mồm nhai rau ráu…cho ông kia xem, ra chiều muốn rủ đi lắm lắm. Chú Ả rập hỏi ủa ông ấy miêu tả cái gì mà ngộ nghĩnh vậy, Tony bèn dịch đấy là điệu múa chào mừng khách phương xa, tập tục ở đây nó thế. Thấy không được, đại gia rủ đi ăn cóc, nhái, chó, mèo, chuột, gà rừng, nhím, bồ câu, đại bàng, khỉ, vượn, hươu cao cổ, ngựa vằn, hà mã…gì Tony cũng giả vờ hỏi ý thằng kia rồi từ chối hết. Hết chuyện hay sao mà đi ăn động vật hoang dã và thú nuôi, có phải là thực phẩm được chăn nuôi đại trà đâu. Đại gia trong Nam thì con gì cũng bắt đem về nhà nuôi để khoe, còn đại gia đất Bắc thì con gì cũng phải thịt. Thuyết phục không được, đại gia giận lắm, lầm bầm ngon thế mà bọn dở hơi này không ăn, nghi Tony kém ngoại ngữ, bảo thế thì thôi ăn ở khách sạn Daewoo vậy.
Đại gia đích thân cầm lái, vượt tất cả đèn đỏ và hềnh hệch cười ” mày nói với ông ấy là tao quen hết với công an giao thông ở đây” làm chú Ả Rập xanh mặt vì sợ tai nạn.“ lần sau ông có sang, tao đích thân đánh con Mẹc S500 ra sân bay đón, chứ con này chán rồi”, Tony vội vàng làm thầy thông y chang. Chú Ả Rập ” Thanks”. Đại gia” Mày có dịch là Mẹc không đấy, sao tao không nghe”. Tony vội bào chữa ” Mơ Si Đì (Mercedes)”. Ông Ả Rập vẫn hờ hững: ” Thanks”. Đại gia buồn xo, chép miệng ” mày nói thế nào mà ông ấy chả phản ứng gì, Mẹc Sơ Đét chứ phải chuyện chơi”. Lúc sắp về, đại gia giả lả ” hỏi giùm tao bên ấy ông ấy đi con gì đi”. Chú Ả Rập nói con lạc đà. Sau này Tony mới hiểu con gì là con xe, nên mới dịch đúng, chú Ả rập nói tao không rõ lắm, có mấy chục chiếc cho công ty và cho gia đình ( chú ấy có 3 vợ).-“mà sao cứ suốt ngày hỏi phương tiện giao thông vậy, bộ hết chuyện gì để hỏi rồi hả?-chú Ả Rập phản ứng gay gắt sau khi cứ xoay quanh đề tài automobile. Đại gia tròn xoe mắt khi nghe ông này không quan tâm đến ô tô, mắng “lại kém ngoại ngữ, lần sau mày khỏi ra, tao nhờ thư ký tốt nghiệp ngoại giao, nó sẽ dịch hết ý tao. Xe ô tô ai chẳng quan tâm, có tiền phải mua siêu xe chứ. Mày toàn cắt ý, éo biết thì nói éo biết”. Tony rưng rức khóc. Thương cái phận làm cò hay bị đại gia sỉ nhục, tức bị xài xể kiểu người miền Nam hay nói.
Và đúng là xã hội ta quan tâm đến xe cộ thật. Nhớ hồi phổ thông, 1 lần cả lớp đạp xe sang nhà bạn Tuyết Tuyết chơi. Nhà Tuyết Tuyết thuộc loại khá giả, một cái ngoài lộ, 1 cái trong vườn. Cả lớp gửi xe đạp ở nhà ngoài và đi bộ trong vườn chơi. Chỉ khoảng vài ba trăm mét, đang đi thì tiếng xe máy gầm rú vang hồi từ phía sau. Cậu bạn ấy đi đâu về, ông chạy đến trước mặt đoàn học trò và dừng lại, kêu rất to ” Lê Trần Thị Hồng Hoa Tuyết Tuyết, lên Đờ Rim cậu chở về con”. Tuyết Tuyết phụng phịu ” thôi để con đi bộ chung với các bạn”. Cậu ấy quát ” Tao bảo mày lên Đờ Rim là lên Đờ Rim ngay có nghe không? Đờ Rim cơ mà, đâu phải chuyện chơi !”Tuyết Tuyết đành leo lên xe đi trước. Vừa leo lên thì ông cậu rồ ga thật mạnh phóng đi làm con nhỏ suýt té ra đằng sau theo định luật quán tính 3 của Niu Tơn FAB= -FBA. Khói xăng kéo dài thành vệt, mùi xăng thơm ngát suốt cả con đường làng..

Một lá thư Phan Thiết…

Một lá thư Phan Thiết…

“Tôi sinh ra và lớn lên ở Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Khi tốt nghiệp lớp 9, gia đình khó khăn quá nên tôi bỏ học, vô Sài Gòn học may. Sau 4 tuần, tôi đi thi tay nghề tại công ty giầy dép Bitis, tôi đậu, tự đi thuê nhà trọ rồi bắt đầu cuộc sống công nhân. Nhà trọ thì xa mà có hôm phải tan ca lúc 10h đêm. Hàng tháng tôi lãnh lương khoảng khoảng 500,000 đ, trừ tiền nhà và tiền ăn, còn lại tôi sắm vàng gửi về phụ giúp cha mẹ.

Khi ấy tôi tròn 16 tuổi, công việc bên chiếc máy may cứ thế cuốn tôi vào, những đêm tôi ngủ gà gật bị kim đâm chảy máu. Tôi nhìn các bạn trang lứa mặc áo dài trắng đạp xe trên phố, tôi ước mình cũng được như vậy. Mơ ước lớn nhất lúc đó là sau này tôi được ngồi trong văn phòng máy lạnh, một ước mơ nhỏ bé nhưng thật xa vời.

Sau khi chị gái lập gia đình, anh rể đã giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều về vật chất. Vì ham học, tôi kiên quyết về quê tiếp tục học lên lớp 10. Tôi trở lại Sài Gòn để học đại học tại chức, vì không thi đỗ đại học chính quy. Tôi xin việc phục vụ buffet hoặc bán hàng, tiếp thị trên phố ngoài giờ học để tích lũy kinh nghiệm.

Tốt nghiệp, tôi bắt đầu với vị trí “giúp việc” cho các phòng ban, trực điện thoại, photocopy, quét dọn, pha cafe cho khách, mua đồ ăn trưa cho mọi người…ở một công ty Hàn Quốc. Sau đó công ty mở rộng thêm lĩnh vực may mặc, ông chủ xây dựng một nhà máy lớn ở Củ Chi, trong lúc đang xây dựng, đơn hàng được đưa đi các nhà máy khác gia công. Tôi được ông giao công việc mới, cân đối nguyên phụ liệu, cùng theo dõi tiến độ, xử lý, làm việc trực tiếp với các nhà máy cho đến khi hàng được xuất đi, có nhiều lúc chúng tôi trở về nhà 4, 5h sáng.

Khi nhà máy hoàn thành, không còn đưa hàng gia công nữa, tôi hằng ngày đi xe đưa đón xuống Củ Chi phụ trách nhân sự khoảng 1200 công nhân. Cũng tại đó, tôi gặp người yêu đầu tiên và cũng là chồng tôi sau này.

Ngoài công việc trong công ty, tôi còn để dành tiền mua đất, xây nhà rồi bán lại kiếm lời. Tôi công tác trong ngành may 5 năm nữa thì lấy chồng. Sau khi sinh em bé, tôi nghỉ việc và tự kinh doanh đồ dùng trẻ sơ sinh của nước ngoài. Lúc đầu công việc khá thuận lợi, tuy nhiên tỷ giá tiền Việt và USD cứ thay đổi liên tục. Lúc đó tôi nghĩ mình phải làm một cái gì đó để thu ngoại tệ thay vì phải thanh toán ngoại tệ cho nước khác.

Thế là tôi quay về quê, lúc này bạn bè tôi đã lên SG học và ở lại khá nhiều, một số bạn vẫn sống ở quê và đa phần đều có cuộc sống khá giả từ cây thanh long. Tôi thấy Thanh long xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch qua TQ là chủ yếu. Tôi thấy mình không nên chọn con đường này, tôi muốn tìm cho mình hướng đi mới.

Rồi tôi liên lạc với Sở KHCN và được họ cho biết có 1 nhóm kỹ sư bên ngoài thực hiện đề tài nước ép Thanh Long trước đó 3 năm, nghiên cứu xong thì không có đơn vị nào ứng dụng nên cất trong tủ, cần họ giới thiệu cho. Mọi việc được tiến hành rất nhanh, tôi ký hợp đồng thuê đất trong KCN, thuê thiết kế nhà xưởng, mời đơn vị tư vấn ngành thực phẩm… Tuy nhiên một vấn đề lớn đã xảy ra, nhóm nghiên cứu đã tìm cách thoái thác không chuyển giao kỹ thuật ở phút thứ 89, dù các anh ở Sở cố gắng thuyết phục họ. Tôi lại không phải người được đào tạo ngành chế biến thực phẩm, không hình dung được một cái nồi nấu là gì huống chi cả một dây chuyền thiết bị. Mấy tháng trời, ở Sài Gòn chỗ nào có triển lãm là có mặt tôi, chỗ nào có cung cấp thiết bị, gần xa gì tôi cũng mò tới. Nơi nào cung cấp phụ gia thực phẩm là tôi gọi như bạo động. Song song đó tôi viết dự án theo mẫu, may nhờ có một người em đã phụ giúp tôi hoàn thiện dự án để xin tài trợ chương trình sản xuất thử nghiệm. Ngày tôi ra hội đồng thuyết trình dự án, nhà máy đã sắp hoàn thành phần xây dựng cơ bản. Hội đồng thấy sự quyết tâm (và cả liều lĩnh ) của tôi nên đa số đều bỏ phiếu ủng hộ thông qua. Tôi đạt số điểm rất cao và xin được số tiền kỷ lục cho một dự án tại tỉnh Bình Thuận.

Tôi đi đi lại lại giữa SG – Phan Thiết như con thoi để hối thúc tiến độ, những đêm thức trắng để nghiền ngẫm quyển tài liệu dày ngàn trang. Sau khi nhà máy hoàn thiện, các thiết bị được đưa về từ từ, tôi nhìn những thiết bị đó như nhìn những cỗ phi thuyền từ hành tinh nào xuất hiện. Rồi những nhân viên đầu tiên của tôi có mặt. Một bạn chuyên trách về thực phẩm về hỗ trợ tôi.

Từ đây là chuỗi những thử thách của tôi bắt đầu. Tôi vật lộn trong nhà máy, việc rửa sạch, chần, tách hạt quay, khuấy trong nồi…tôi và anh em lao vào nghiên cứu vận hành, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có hôm bị các ống hơi nóng phỏng người. Và bao nhiêu nỗi cực khác mà chỉ có người làm sản xuất nói ra mới hiểu.

Rồi vấn đề về nhân sự cũng làm tôi đau đầu nhưng nhờ quyết tâm của mọi người nên từ từ mọi thứ đều trở nên tốt đẹp hơn. Thành phẩm có cái mới để 7 ngày đã nhiễm vi sinh căng phồng, có cái vỡ tung, cái nổ bôm bốp…Mấy tháng trời chúng tôi vật lộn với hàng trăm sự cố, tìm cách khắc phục, thêm cái này, bớt cái kia, bỏ cái nọ, thay mới cái nớ… cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thiện được công thức, ra được sản phẩm hoàn hảo. Tôi mang sản phẩm đặt lên bàn vị lãnh đạo sở KHCN, tôi thấy trong mắt ông có một sự vui mừng không giấu được. Đứa em đã âm thầm sát cánh bên tôi, tôi thấy niềm vui trong mắt nó lấp lánh. Đến nay dường như công thức chế biến đã 100% thay đổi so với công thức nghiên cứu ban đầu.

Đến lúc đưa sản phẩm ra thị trường, đó là khoảng thời gian có thể nói là vắt kiệt sức lực, tinh thần, tài chính của tôi và của gia đình. Tôi phải đối mặt với vô vàn khó khăn để duy trì công việc. Có những lúc tôi muốn buông tay, rồi tôi lại bừng tỉnh, không cho phép mình gục ngã. Vì bên cạnh tôi bây giờ có gia đình và những người đã âm thầm ủng hộ. Và hơn hết, sau lưng tôi là hàng ngàn ánh mắt hồn hậu của nông dân trồng thanh long ở xứ cát nóng này. Tôi sinh ra ở đây và tôi sẽ phải trả nợ quê hương bằng tất cả sức lực và trí tuệ của mình. Rồi hàng ngàn nhà máy sẽ mọc lên trên đất Việt. Những nhà máy chế biến vải ở Bắc Giang, những nhà máy nước bưởi thanh trà ở Huế, những nhà máy sô-cô-la ở Tây Nguyên, những nhà máy thủy sản ở Tây Nam Bộ…Nếu có lời nhắn nhủ, nếu bạn có chút tài năng và ý chí, bạn hãy khởi nghiệp sản xuất cho quê hương bạn. Cứ gõ đi, cửa sẽ mở.

Tôi chỉ là người con gái bé nhỏ, xuất phát điểm từ một cô công dân dệt may ở quê nghèo, tôi đã làm được một nhà máy lớn và góp phần giúp nông sản quê hương tôi không bị thương lái Trung Quốc ép giá. Tôi đã làm được, thì các bạn ơi, tại sao các bạn lại không?”



Popular Posts

Blog Archive

Powered by Blogger.