Saturday, August 1, 2015

Hôm nay mẹ lên nương

Các bạn trẻ Hà Nội hoặc Thái Nguyên từ nay có một sự lựa chọn mới trong di chuyển giữa hai thành phố, đó là tàu hoả.
Đường sắt Việt Nam vừa mở 2 chuyến tàu khách nối giữa hai thành phố, có chuyến sáng sớm và chuyến chiều. Bạn có thể đi từ ga Long Biên lúc 8h15 sáng để đến Thái Nguyên chơi, sáng hôm sau về lại chuyến QT2 có mặt lại ở Hà Nội lúc 7h45 để đi làm. Hoặc thong thả hơn thì về chuyến QT4 lúc 2h chiều. Chỉ gần 2h là chúng ta xong cuộc hành trình. Cha mẹ ở Hà Nội hay Thái Nguyên có con nhỏ cũng nên dắt chúng nó đi để có trải nghiệm xe lửa. Đó sẽ là những kỷ niệm không thể quên trong ký ức bọn trẻ.
Thái Nguyên là thành phố trung du Bắc Bộ, từng là 3 thành phố lớn của miền Bắc được người Pháp quy hoạch từ rất sớm. Chỉ cách Hà Nội 80km nhưng cảnh sắc ở đây hoàn toàn khác. Qua cửa sổ tàu hoả, chúng ta sẽ nhìn thấy những đồi chè xanh ngắt, những cánh đồng và những ngôi làng trung du điển hình. Hình ảnh những em bé đi học dưới những cây cọ y chang sách tập đọc lớp 2 vẽ hồi xưa, minh hoạ cho bài thơ Đi Học
"Hôm nay mẹ lên nương
một mình em tới lớp
chim đùa reo trong lá
cá dưới khe thì thầm
......
hương rừng thơm đồi vắng
nước suối trong thầm thì
cọ xoè ô che nắng
râm mát đường em đi..."
Bạn không cần tưởng tượng nữa. Hãy gõ vetau.com.vn, chọn ga đi, ga đến và lên đường. Tuổi trẻ cần đi nhiều, đi nhiều ở mức bạn có thể đi. Đừng đi xe máy nguy hiểm, hãy đi tàu để tự enjoy khung cảnh qua ô cửa sổ, với lý cà phê mát lạnh trên tay, bạn sẽ thấy không thể có sự thú, vị hơn thế. Mình mạnh dạn tạo cuộc đời thú và vị. Cũng có mấy đứa chẳng đi đâu, cứ quanh quẩn ở nhà, chơi mấy trò rất thú và rất dị.
Bạn bè rủ không đi thì đi một mình. Đi một mình có cái thú vị riêng là sẽ dành thời gian cho mình, sẽ nhìn phong cảnh nhiều hơn là nói chuyện với bạn bè. Nhiều nhóm đi chơi chứ chủ yếu thời gian là trò chuyện, đánh bài, chụp hình....sẽ không có thời gian lắng với thiên nhiên. Chưa kể là mình thích cái góc đó, cái chỗ đó nhưng tụi bạn thì không, nên mình không thể dừng lại enjoy cho đã mắt được. Tuy nhiên, có bầu bạn bên cạnh thì vẫn vui hơn. Mình có thể tự tìm bạn, làm quen với người lạ trên cung đường mình đi.
Giả bộ hôm nay mẹ lên nương đi, tự mình đi học xem sao.
Thái Nguyên vẫy gọi...

Tủ sách, tủ rượu và tủ lạnh

Năm ngoái có một bạn mua cuốn sách Cà Phê cùng Tony về, ngồi đánh máy lại mất mấy ngày, làm ebook rao bán. Bán mãi không được, hoá ra các bài đều có trên fb, bạn tưởng như sách khác. Bạn gửi mail cho Tony, mail đầu nói sao anh ngu thế, đăng hết lên mạng thì in sách ai mua? Mấy ngày sau, nhận thức thay đổi, lại gửi mail xin lỗi nói em đọc xong, thấy xấu hổ quá, từ nay xin chừa, thôi không khôn nữa.
Hôm đứng trong cửa hàng photocopy trước cổng trường 1 ĐH lớn, Tony thấy các bạn nói nhau "một đứa mua sách của thầy thôi, đem ra photocopy cho cả nhóm, tiết kiệm cả 8 nghìn đồng/cuốn". Tony nhìn thấy thấy chữ nhoè nhoẹt nhưng mặc kệ, lãi 8000 đồng tức 40 cents vẫn làm. Rồi lại thấy một số bạn vô photocopy thành những tờ be bé nhằm quay bài, trí tuệ mắt mũi chân tay huy động để đối phó với giám thị. Năng lực không có nên mọi giá phải có tấm bằng để có thể sinh sống được. Nhìn gương mặt cả chục đứa khôn quắt queo trên con đường trở thành trí thức, thấy ớn quá chừng.
Các bạn trẻ tập thói quen hào sảng bằng cách mua sách giấy có bản quyền, không "khôn vặt tiểu nông", tìm cách bẻ khoá lấy ebook ra đọc. Cái gì miễn phí là bu lại, giành giật thì mình tránh xa. Họ không khả năng kiếm tiền mới bu vô chỗ miễn phí ấy. Mình muốn sở hữu cái gì thì bỏ tiền ra, của cho là của nợ. Có năng lực là tự làm. Tự học. Tự lập. Tự kiến lập sự nghiệp và nhân cách.
Đừng lấy không của người khác, trừ khi mình là thiếu nhi, người già, người tàn tật. Tư tưởng "yêu thích miễn phí, nếu không miễn phí thì âm thầm ăn cắp" làm mình nhỏ bé tiểu nông mãi. Mình mua bản gốc như là một cách tri ân trí tuệ công sức của tác giả. Không photo giáo trình nữa, công thầy cô biên soạn, công nhà in và đơn vị phát hành. Mua còn để lưu trữ mai sau, tạo thành tủ sách của gia đình. Con cái lớn lên, qua nhà bạn bè chơi, về hỏi ủa sao ba mẹ không đọc sách, nhà mình không có tủ sách mà chỉ có tủ rượu và tủ lạnh? Sao nhà mình chỉ chú trọng ăn và uống? Sao nhà mình chỉ có phòng ăn, phòng ngủ mà không có phòng đọc sách.
A home library, tại sao không?

Thursday, July 30, 2015

Cách đuổi kiến, rắn lục đuôi đỏ, ốc sên, các côn trùng ra khỏi nhà

Có nhiều bạn khởi nghiệp làm nông nghiệp và các bạn nói rất đau đầu vì kiến cứ tha hết hạt giống của các bạn đang gieo, mà trị gì cũng không hết. Thêm ốc sên nữa. Hai đối tượng này khó trị lắm nhé các bạn, các bạn phun thuốc hóa học không hiệu quả đâu.
Tony thì mặc dù là kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và phân bón nhưng chỉ khuyến khích sử dụng thuốc sinh học hàng Ấn Độ (trên nhãn có ghi xuất xứ Ấn Độ). Hàng Trung Quốc mang tiếng thuốc sinh học nhưng họ hay thêm chất ẩn này chất ẩn kia vào để tăng hiệu lực, mình không biết là gì, nên tốt nhất là không xài, đặc biệt là các bạn sản xuất nông sản để xuất khẩu. Nông sản rất dễ tồn dư lượng…dẫn đến bị trả hàng về rất tốn tiền và danh tiếng. Nếu các bạn buộc phải sử dụng thì tuyệt đối tuân thủ thời gian cách ly tức chỉ số PHI ghi trên nhãn thuốc.
Có một cách rất dễ làm để các bạn đuổi kiến hay ốc sên ra khỏi vườn là vỏ trứng. Trứng gà hay trứng vịt, các bạn dùng xong thì phơi thật khô, rồi giã mịn (xay trong cối xay tiêu là tốt nhất, càng mịn càng tốt), sau đó rải đều trên bề mặt đất trồng, hoặc gốc cây thì sẽ hạn chế kiến đỏ bu lên (kiến đỏ thì phá cây, kiến vàng thì bảo vệ cây, kiến vàng thì chỉ ở trên cao nên không phản ứng với vỏ trứng). Các bạn có thể rải vô góc nhà, quanh tường nhà bếp, phòng khách để kiến không vào nhà.
Còn bạn hỏi cách đuổi rắn lục đuôi đỏ, nhất là nhà gần sông, gần công viên, bụi rậm, ở nông thôn…Các bạn nên mua bột tỏi, hàng công nghiệp có bán ở các chợ lớn, về rải trên đất quanh nhà. Rắn kỵ mùi tỏi sẽ không đến.
Các bạn cũng có thể trồng họ hành, tỏi, nén, hẹ…cũng khiến rắn tránh xa. Nên vùi vài củ hành, tỏi, gốc hẹ..vào nơi có đất ẩm, hoặc trồng trên chậu thấp cũng được.
Chúc các bạn làm vườn vui vẻ!!!


Monday, July 27, 2015

Chuyện ở Ceylon

Tony đến thủ đô Colombo của Sri lanka vào một ngày nắng đẹp. Đảo quốc nhỏ, đẹp bình yên như hình bản đồ là một giọt nước trên Ấn Độ Dương.
Đường bay từ Việt Nam đi Sri Lanka có thể qua ngõ Băng Cốc, Singapore hay Kuala Lumpur, Air Asia hay Thai Airways có giá khá mềm. Visa xin rất dễ, có thể xin ở đại sứ quán hay vào visa online Sri Lanka để nộp tiền qua thẻ tín dụng, nhận được approval letter và mình in ra, đến sân bay Colombo cho hải quan họ đóng dấu vô, gọi là visa on arrival hay landing visa cũng được. Chỉ mất vài tiếng là chúng ta đặt chân đến vùng đất đẹp lạ đẹp kỳ này
Sri Lanka trước đây gọi là xứ Tích Lan, hay Ceylon. Ngoài thủ đô Colombo, chúng ta nên đi xem người Srilanka câu cá, gọi là stilt fishing. Họ đóng mấy cây cọc tuốt ngoài biển, rồi ngồi vắt vẻo trên đó câu. Tony cũng được bạn đưa tới thành phố Matara để trèo lên ngồi, cười như Liên Xô được mùa để chụp hình, nhưng không câu được con cá nào. Vì chóng mặt quá, thấy sóng biển cứ đánh vô bờ, mình có cảm giác là càng trôi ra biển nên một lúc là khóc lóc vang dội, đòi bạn bế xuống.
Chúng ta còn có thể lên thăm cao nguyên, vùng trồng chè nổi tiếng ở đây. Với độ cao trung bình 1800m so với Đà Lạt là 1500m, cao nguyên của Sri Lanka có khí hậu lạnh hơn, ban đêm nhiệt độ xuống dưới 12-15 độ, ban ngày cao nhất 23 độ C. Con đường lên thành phố này uốn lượn qua mấy đồi chè bạt ngàn. Ông vua trà thế giới, ngài Thomas Lipton, với việc lấy tên của mình gắn với thương hiệu trà Lipton nổi tiếng, cũng từng đến đây là lập đồn điền, sản xuất trà đen, tra vàng, trà xanh...cung cấp cho toàn bộ hoàng gia Anh và các hoàng gia châu Âu khác. Tony mò mẫm tìm hiểu trà Dilmah, vì đây là thương hiệu lớn của Srilanka, hy vọng là hướng dẫn các bạn trẻ ở các vùng trà Việt Nam như Thái Nguyên, Bảo Lộc...học hỏi bắt chước mà sau này vươn ra tầm thế giới. Nên mới ngồi ê mông mấy tiếng bay qua. Uống thôi là uống, sáng trà tối trà nên hẻm ngủ nghê gì được. Hỏi thăm phỏng vấn năn nỉ đủ cả, cuối cùng cũng giật được bí kíp mang về. Đang tìm kiếm bạn trẻ VN nào đam mê đến mức sống chết với ngành trà để trao lại chứ Tony chỉ yêu thích phân bón. (Nói giỡn chứ Tony qua đó bán phân bán thuốc, tháng nào cũng cả chục container mấy loại phân bón và thuốc trừ bọ trĩ hại trà. Vì mấy dòng phân thuốc này là thuốc sinh học chiết xuất từ hạt quả na nên không độc, đạt Global GAP nên họ mới xài. Nông dân trồng trà Việt Nam thì chê, nói hiệu lực diệt chậm quá, họ muốn thuốc gì xịt cái sâu bọ chết liền mà Tony thì hẻm có loại có tính độc cao ấy nên trong nước bán hẻm được nhiều, trừ một số nông trường trà buộc phải mua để không có dư lượng mới xuất khẩu được. Khổ quá, Tony phải lăn lê sang tận xứ người bán).
Người sáng lập trà Dilmah là ông Merill Fernando. Sinh năm 1930, lúc 20 tuổi, Fernando xác định sứ mạng cuộc đời mình là ngành trà. Nên ông cống hiến hết sức lực để ngày đêm nghiên cứu nó, theo khẩu vị của các nước nhập khẩu. Ông đi lang thang khắp nơi để xem người ta chế biến, uống trà ra sao, giống trà gì...từ đó ông về Sri Lanka trồng cho đúng, sản xuất cho đúng gu của người ta. Ròng rã gần 40 năm, tức năm 1988, ông lập hãng trà Dilmah, lấy chữ đầu tên của 2 thằng con trai, thằng Dilhan và thằng Malik.
(thui bùn ngủ òi, sáng mai nếu dậy sớm mà hẻm đau lưng sẽ kể tiếp).


Popular Posts

Blog Archive

Powered by Blogger.