Sau đây là vài kỹ năng bán hàng nho nhỏ, Tony thấy trên truyền hình Hàn Quốc có dạy, nên nói lại các bạn nè1. Với hàng hóa, mình làm nhẹ tay, nâng niu, tâm huyết của người nông dân cả. Mình cứ tưởng tượng đấy là của mình trồng được, từ cái hạt giống, đến cây con, đến lúc trổ hoa kết trái, ngày nào cũng ngắm nhìn. Mình phải thương hàng hóa thì động tác sẽ điều chỉnh phù hợp.
2. Trong lúc không có khách, mình bỏ vô bao cân trước. Ví dụ nấm mèo người ta mua 1kg, 2kg là chủ yếu, mình cân trước cột dây thun để đó. Không làm gì thì cũng phải lau chùi dọn dẹp, dọn bớt rác để cuối giờ khỏi mệt. Đừng đứng xớ rớ, dượng thấy có mấy bạn nói ra phụ chứ đứng xớ rớ, trưởng nhóm kêu làm gì mới làm, gương mặt u u mê mê dại dại thế nào, trong muốn quánh quá.
3. Tiền thối cũng chuẩn bị sẵn, dự trù các phương án thối tiền. Ví dụ 1kg cà chua giá 12,000 đồng, khách nếu mua 2kg, họ sẽ đưa 25 ngàn hoặc 30 ngàn, nên tờ 1 ngàn và 6 ngàn phải dự trù sẵn. Ví dụ vậy…Đừng lúc đó rồi lúng túng gọi ầm ĩ lên.
4. Khách tới, mình chạy ra dắt xe cho họ lên lề. Mỉm cười chào anh chào chị, gương mặt toát lên vẻ thông minh lanh lợi cho dượng. Họ mua xong cúi đầu xuống hết và đồng thanh nói “cám ơn cô/chú/anh/chị đã ủng hộ nông sản Việt nam”, nói chân thành, không mắc cỡ. Dễ thương thì ai cũng yêu mến, muốn cái gì được cái đó. Muốn dễ thương thì phải nghĩ về người khác trước, mình sau. Nhường nhịn, bỏ qua, không sĩ diện nhảm nhí, không lên gân lên cốt, không ăn miếng trả miếng…để mình hơn. Khách mua nhiều mình nói để con chở về nhà cô/chú luôn cho. Lúc nào cũng dặn lòng, lúc nào cũng cười, cũng nhìn người khác bằng ánh mắt ấm áp. Mình thương người ta thì người ta thương lại. Xin lỗi cám ơn luôn miệng...Cười luôn miệng nhé. Mệt không được cáu. Cáu là hành vi kém văn minh của mấy cậu ấm cô chiêu.
P/S: Post lên để các bạn khác thấy hay thì học tập. Thấy xấu thì sửa. Bí mật của mọi thành công nằm ở trái tim, không phải ở cái đầu. Chúc các bạn ngày mai bán được nhiều hàng.

"Dear group Aoammuadong,Mình có một lô khoảng 35 cái áo khoác nỉ cho bé gái, 126 áo khoác cho teen. Hàng này là hàng mới của công ty, xin gửi tặng group aoammuadong để có thể thay mặt bọn mình đưa số hàng này lên cho các em ở vùng cao. Vì sự nhiệt tình của các bạn, chúng tôi ủng hộ và không yêu cầu nêu tên ở đâu cả. Hàng hiện tại ở Quận 2 TPHCM. Chúc chương trình của các bạn thành công!Love Tony more than i can say ! Ng.H"
Tony: Cám ơn chị H. Hàng này sẽ chuyển ra Hà Nội để 200 bạn tình nguyện viên ở đấy giặt tẩy để có mùi thiệt thơm trước khi đưa lên miền núi. Mình thật sự muốn tặng ít thôi nhưng là quần áo mới để các bạn có một niềm vui tuổi thơ “được mặc đồ mới”, ai trải qua tuổi thơ khốn khó sẽ thấy cảm giác này được nhớ mãi suốt đời như thế nào. Nên sẵn tiện cám ơn nhiều bạn có ý định tặng đồ cũ nhưng nhóm mình xin không nhận, các bạn có thể tặng cho nhiều nhóm thiện nguyện khác.
Vì chị nói vậy nên nhóm không dám đưa tiền (vì quan niệm của nhóm là tự kinh doanh, tự kiếm tiền, tự làm tình nguyện) nên nhóm Tình Nguyện sẽ gửi lại chị vài kg cà chua ăn lấy thảo và 1 cuốn sách của Tony có số Seris 00001 (mong chị đừng đem bán đấu giá khiến Tony lại nước mắt lăn dài trên gương mặt thanh tú). Đây là cuốn đầu tiên nhà xuất bản gửi tặng tác giả và mình xin tặng lại bạn, chứ hẻm biết lấy gì tri ân nữa. Chào chị. Tony

“Dượng,Con qua đây mới thấy thấm và hiểu những bài viết của dượng. Có những chuyện con thấy rất kì lạ nhưng xảy ra hàng ngày ở Anh. Người ra trước khi xuống xe bus thì quay đầu "thank you" ông lái xe (con ban đầu ngạc nhiên vì mình trả tiền để đi mắc gì phải cám ơn). Hoặc mua hàng trong siêu thị khi tính tiền xong mình phải thank you bà thu ngân ?!? Con thấy ai cũng thank-you hết nên con mới bắt chước, lần đầu thấy lạ miệng nhưng rồi quen dần. Con đi ngáo ngơ đụng phải người ta thì người ta ngay lập tức quay lại sorry con dù con mới là người có lỗi. Nhân viên trong trường con học thì ai cũng lịch sự dù con từng hỏi rất nhiều câu hỏi.
Con mới biết là gần như tất cả hàng hóa mua ở Anh đều có thể trả để lấy tiền lại trong một tháng. Cậu con mua cái lò nướng bị hư, bỏ trong thùng mang đến trả thậm chí người ta không thèm mở thùng ra kiểm tra. Cậu nói muốn đổi lấy cái mới thì siêu thị nói ở đây tụi tao không đổi cái mới, chỉ trả tiền lại cho mày rồi mày tự đi mua cái mới =)). Làm ăn đàng hoàng kinh khủng luôn dượng.
Hôm qua con đi khám bác sĩ, dịch vụ y tế ở Anh là được miễn phí hoàn toàn kể cả cho du học sinh trên 6 tháng (chỉ phải trả tiền thuốc tượng trưng 8 bảng / 1 loại thuốc). Con rất bất ngờ là dù dịch vụ có thể xem như dịch vụ công nhưng nhân viên lịch sự vô cùng, con nghe tiếng Anh chưa rõ thì y tá vẫn vui cười và nói rất chậm rãi để con thấy dễ chịu, bác sĩ cũng rất lịch thiệp, con vừa bước vô phòng là cười và bắt tay như gặp đối tác...
Nhưng con cũng ngại vì nhiều lúc người ta nhìn mặt con và nghĩ là sinh viên Trung Quốc. Sinh viên Trung Quốc trường con mang tiếng lắm dượng,dù giàu có nhưng đi đâu cũng phá nát toilet, mang đồ ăn uống vào phòng học dù đã treo biển cấm, ăn xong là xách đít đi bỏ lại bịch ny-lông hay ly cà phê, nói chuyện nơi công cộng như quán cà phê với âm lượng rất to, rồi móc cứt mũi, khạc nhổ, nhai kẹo cao su nhả xuống đất, đi xe bus tranh giành lên trước hoặc xuống trước, chen ngang lúc người ta xếp hàng, góp ý thì họ trơ mặt ra cứ như không phải họ. Văn hóa gì lạ quá dượng ơi. Giờ con nhìn họ, thấy khó chịu vô cùng. Cứ một toán sinh viên Trung Quốc tới chỗ nào rời đi là chỗ đó như bãi chiến trường vậy. Nên vô nhà hàng, có khách Trung Quốc tới ăn mà kiểu khách đoàn, là Tây nó bỏ đi hết, nó cũng không phàn nàn chỉ trích gì mà nó bỏ đi tìm chỗ khác thôi…
Nhớ dượng nên con viết vài dòng cho vui, chúc dượng luôn khỏe”.
Thư của bạn Nguyên, du học sinh mới qua 2 tháng.

"Dượng, con chép lên đây một cái "share" trong friend list của con nè, sau bài học bổng do độc giả trao tặngA: Share cho bạn nào quan tâm, cơ hội du học đâyB: Tao đăng ký rồi, đi châu Âu chơi sướng nhỉ. Mơ ước của tao.A: Ông Tony nói mình có đạo đức là được thôi nhỉ. Mày gửi thư cho ổng chưa, nói gì trong đó
B: Thì tao nói tao văn minh, hào sảng, đạo đức, ổng giới thiệu tao đi sẽ không hối tiếc...
A: Thư mày gửi sao, gửi tao coi để tao bắt chước viết thư cho ổng. Sẵn xin luôn cuốn sách...
B: Ò, chút nữa đi.
Sau khi bài tình nguyện đi vùng núi trao áo ấm, A lại tiếp tục share
A: Dạo nài bị cuồng ông Tony òy.
B: Vụ j nữa đó. Tuyển tình nguyện lên vùng núi cao mà tự túc mọi chi phí, có thằng điên nó đi
A: Tao cũng nghĩ vậy, ông này nhiều lúc lý tưởng hoá mọi thứ. Có ai đi làm việc không công bao giờ, lại còn tình thương với từ thiện. Trẻ em vùng cao nó lạnh thì kệ nó chứ. Ông này làm chuyện bao đồng, dư thời gian lắm. Nói chung tao thấy là người ngu mày ạ. Thêm cái vụ nhờ hãng hàng không trợ giá vận chuyển nông sản ra Hà Nội, càng ngày ổng càng ảo tưởng...
B: Chắc ổng nói cho vui thôi chứ như vụ cà chua, tao không tin ai đứng bán mà không công. Nhiều lúc ổng chia tiền mà không nói mình, hay mình đăng ký thử không, coi thế nào. Cũng tò mò mặt mũi ổng quá.
A: Hôm bữa bà cô tao đi mua hồng, cũng chỉ đến để coi mặt ổng mà không có, nên bà cô tao mua có 2kg, vì đến hổng lẽ đi tay không về. Chứ ủng hộ nông dân gì mày, chuyện mình mình lo không hết.
B: Ừa, đúng là bọn người này rảnh thiệt. Coi cái thư xin học bổng đi, tao mới email cho mày đấy. Tao bịa tao còn giỏi hơn thằng Quân. Biết đâu ông duyệt cho tao với mày đi đợt này nhỉ.
A: he he"

Sau khi post thông tin về nhóm Gánh Rau sau khi học xong đã bỏ về và để lại “chiến trường” để Tony bị người ta mắng vốn, các bạn đã rất hối hận. Nhiều bạn trẻ cứ có thói quen đến nơi nào đó sử dụng xong, để lại chai nước suối, rác, khăn giấy... Hiện tượng này diễn ra ở các quán cà phê như Coffee Bean hay Starbucks, hay Mc Donald, và nhân viên các quán này từng phàn nàn với Tony là nhiều người ăn xong đứng lên, dù thùng rác bên cạnh cái chỗ lúc này họ vừa lấy tương ớt. Nhiều ông cha bà mẹ vô tư không dạy con phải dọn cái này trước khi về. Ở nhiều gia đình, cha cái ipad, mẹ cái Iphone, con cái laptop, vô tư nằm trên sa-lon và ăn quýt ăn nho ném xuống sàn, người giúp việc có nhiệm vụ phải dọn dẹp, vì trả tiền là phải làm. Nhiều bạn sinh viên ĐH vô tư bỏ hết những gì họ mang theo vào hộc bàn, và đó là nhiệm vụ của các lao công, vì họ đã trả tiền học phí. Với thái độ đó, thì có 100 bằng ĐH cũng không làm được gì.
Tony đã phạt các bạn bằng cách ngưng đào tạo, vì đơn giản người ta không cho mượn chỗ nữa. Sau khi post lên trong 24h, đã có 11/15 bạn xin lỗi, 4 bạn không post lên xin lỗi ví lý do “từ từ cũng được”. Tony đã loại 4 bạn này vì xin lỗi cần phải thực hiện ngay lập tức, vì có những việc không bao giờ có cơ hội để nói 1 lời xin lỗi. Nên các bạn trẻ nên lấy làm bài học nhé, sai phải nhận ngay và xin lỗi ngay. Có câu là making any mistake was Ok. But never repeat the same mistake again. Chữ AGAIN ở đây là không thừa. Lỗi lầm thì có thể chấp nhận, nhưng không chấp nhận nếu bạn lập lại lỗi lầm đó. Vì nếu lập lại, hoặc là bạn bất cẩn, hoặc là cố ý. Lần thứ 3 thì nên tuyệt giao với người đó, nên mới có chữ again trên đây.
Việc đào tạo sẽ được tiếp tục, nhưng bây giờ các bạn sẽ phải tự bỏ tiền ra thuê hội trường và các chi phí khác (Tony đã bao cấp cái này, kể cả mượn cho hội trường, mời giáo viên và cho quỹ để mua nước uống bánh kẹo đồ dùng học tập, dắt các bạn đi uống cà phê hạng sang để coi cách người ta marketing). Nhưng Tony đã sai, cái gì miễn phí đều bị đánh giá thấp, nên các bạn sẽ phải tự bỏ tiền ra, các bạn sẽ trân quý hơn.
Việc đào tạo với các chuyên gia vẫn được tiếp tục. Riêng phần Tony thì sẽ đào tạo các bạn đạo đức và cách cư xử, chứ không đào tạo chuyên môn. Mọi chuyên môn kiến thức cao vời cách mấy, mà cư xử kém văn minh, đều không làm việc được. IQ chỉ là cánh cửa mở cho mình bước vô, EQ và attitude mới quyết định. Sẽ còn nhiều bài học khác để sàng lọc các bạn. Mọi bạn đã bị loại đều có cơ hội tham dự các đợt đào tạo sau.
Cũng có bạn trách Tony việc này sao lại post lên, hãy để kiểu “trong nhà bảo nhau”. Đây là một tư tưởng cổ kính của nhóm người sĩ diện cao. Tony post cái này lên TnBS cũng để bạn trẻ khác rút kinh nghiệm. Hôm nay sĩ diện, kiểu “đóng cửa dạy bảo nhau”, ngay mai ra đời người ta cười cho thì cả nhà đều xấu. Sĩ diện là nguồn gốc của nói dối và kìm hãm sự phát triển. Làm việc với Tony, mọi cái chưa được đều được đem mổ xẻ trên bàn cho người khác xem và cùng nhau sửa, chứ không có chuyện đóng cửa phòng thì thầm trong đó. Rồi hôm sau người khác lại tiếp tục mắc sai lầm, rồi lại đóng cửa phòng thì thầm...Chi cho mệt vậy. Giá trị của mình đâu có giảm khi mình sai. Sai là bình thường, còn sĩ diện mà giấu sai mới giảm giá trị.
Nhóm sẽ phải bỏ tiền ra để được đào tạo. Rượu mừng mình không uống, thì phải uống rượu phạt. Đời là như vậy.

"Hà Nội mùa này vắng những cơn mưaCái rét đầu đông, giật mình bật khócHoa sữa thôi rơi những chiều tan họcCổ Ngư xưa, lặng lẽ dấu chân buồn"...
Đó là những câu thơ nguyên tác nhưng ít người biết của bài hát "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa". Có một chi tiết trong bài thơ trên khiến Tony day dứt mãi, chính là hình ảnh "giật mình bật khóc" trong cái rét đầu đông. Từng sống ở Hàn Quốc hay Boston với cái lạnh âm cả chục độ, nhưng thật sự cái rét phương Bắc nước Việt mới là thử thách. Và lúc sống ở Hà Nội, thời đó nhà Tony chưa có máy điều hoà, có những đêm mùa đông giật mình và không sao ngủ lại được, vì cái rét cắt da ấy.
Nhưng cái rét ở Hà Nội thì chẳng là gì nếu so với cái rét ở các vùng núi phía Bắc. Những cơn gió mang cái lạnh thấu xương đến những ngôi nhà cheo leo trên núi. Và Tony tận mắt chứng kiến những buổi sáng ở những ngôi trường cấp một nơi bản xa, những thầy giáo, cô giáo đứng giảng bài, mặt tím tái vì lạnh. Dưới kia, hàng chục học sinh nhỏ xíu, đi chân đất, áo không đủ ấm, da mặt cháy đỏ, tay run rẩy cầm bút. Duy chỉ có ánh mắt ham học vẫn bừng sáng cả núi rừng. Và Tony hiểu, để giữ chân những người thầy, người cô vĩ đại này ở lại với các thôn bản xa xôi này, chính là những ánh mắt học trò tha thiết ấy.
Tony nhớ hồi cấp 2, lúc còn học ở trường Lương Thế Vinh, trong một đêm văn nghệ, cô Phương dạy tiếng Anh hát bài gì không rõ tựa, chỉ nhớ câu " ánh mắt học trò, là áo ấm mùa đông". Trời thì lạnh, ánh lửa trại bập bùng, giọng cô tha thiết. Tony lúc đó học lớp 6, 7 gì đó, nhỏ thó ngồi nhìn lên sân khấu, và nghĩ đến những thôn bản xa xôi, đến những người bạn đồng lứa với mình.
Và một mùa đông lại về. Những thầy cô nơi biên cương vẫn chống chọi với cái rét bằng ánh mắt học trò. Những đứa trẻ nơi rẻo cao lại nửa đêm "giật mình bật khóc"...
Đều là người Việt mình...

“Chào Tony, mình định cư ở Thụy Điển. Chồng mình dạy trong một trường ĐH gần nhà còn mình lo mấy cái hostel (nhà nghỉ) của riêng vợ chồng mình. Gần đây, page TnBS là trang mà vợ chồng mình thích đọc và rất quý mến Tony. Hiện có 1 cái hostel còn dư 2 phòng trên tầng áp mái, nếu con dượng nào đó muốn sang học thì mình cho ở đấy. Mình hứa sẽ tài trợ hoàn toàn tiền ăn uống luôn, chỉ có sinh hoạt phí thì các bạn tự làm thêm mà có tiền đi du lịch châu Âu vào các kỳ nghỉ. Chồng mình có thể xin để các bạn vô học trong trường và giáo dục ở Bắc Âu được miễn hoàn toàn học phí, hoặc chỉ lấy tượng trưng 1-2000 Euro cho 1 năm học, mình cho luôn cũng được. Nhưng dượng phải cam kết về đạo đức của 2 con dượng đấy. Ngoài đạo đức, nếp ăn ở, sự sạch sẽ văn minh, sự chân tình là phải có. Vì ở hostel luôn có khách người nước ngoài cũng ở, các bạn cư xử kém văn minh sẽ làm mất mặt mình”.
=>Cứ vài ngày Tony lại nhận 1 cái email như thế này. Nhưng chưa thấy bạn nào đạt chuẩn để gửi đi du học dạng này cả. Vì mình ra ngoài, cầm hộ chiếu trên tay, là hình ảnh của cả dân tộc. Người nước ngoài có biết ai là ai, cứ hay kết luận “tụi Trung Quốc ồn ào quá” hay “tụi Ấn Độ ở dơ quá” trong khi họ gặp chỉ là 1-2 đại diện trong ngôi nhà của họ. Thường người ta cảm tính như vậy, nên các bạn trẻ nếu muốn Tony gửi đi đào tạo, các bạn phải sống khác hơn. Sống văn minh từ những cái nhỏ nhặt nhất. Người đầu tiên mà Tony gửi sẽ là bạn Quân trong “Chuyện thằng Quân”, các bạn có thể đọc lại để biết vì sao như vậy. Bạn nào giống Quân thì có thể gửi thư ứng cử cho Tony nhé. Hiện có các suất đi du học ở Anh, Úc, New Zealand, Hà Lan, Đức, Mỹ, Pháp, Ý, đều do độc giả tài trợ hoàn toàn, và chỉ dành cho con dượng dưới thư bảo lãnh của Tony.

Tony tìm miết mới tuyển được 1 bạn tên T, định cho làm trưởng chi nhánh hãng Phượng Tím ở tỉnh H. Ở tỉnh H, Tony có người quen nên định thuê nhà của hai bác ấy làm văn phòng. Sáng qua, Tony kêu bạn T em rảnh chạy qua coi khảo sát mặt bằng. T nói dạ vâng. Rồi tới 5h chiều, Tony gọi lại hỏi đi chưa em ơi. T nói là 9h tối mới đi, lúc đó mới có đầy đủ 2 bác chủ nhà. Tony bảo đi sớm đi, hôm nay chủ nhà có ở nhà, anh vừa gọi cho họ xong. T bảo vâng em đi ngay. Dặn dò xong, Tony mới điện thoại nói 2 bác chủ nhà chờ nhé, người của tụi cháu chút nữa tới coi.
Sáng nay gọi lại hỏi tình hình thì T bảo là tối qua đi việc riêng về trễ nên quên, anh cho số ĐT chủ nhà em gọi xin lỗi cho, người cho thuê nhà ấy mà. Tony không chấp nhận lối suy nghĩ và cách làm này. Đã hẹn với ai thì phải thực hiện. Không thực hiện thì phải gọi điện lại báo cho người ta. Cái cảm giác chờ đợi ngóng trông nó kinh khủng lắm. Hai bác chủ nhà nói, từ lúc cháu gọi, hai bác đợi đến khuya, 11h đêm mới dám tắt đèn cổng, mà không dám gọi điện lại cho cháu sợ phiền, nghĩ là người của cháu đang trên đường đến.
Nhiều người cứ tự cho mình là hơn trong các quan hệ. Ví dụ với ứng viên đến phỏng vấn xin việc, với người bán hàng, người cho thuê nhà (nhiều bạn quan niệm mình là chiếu trên, người kia là chiếu dưới, mình bỏ tiền ra nên muốn gì cũng được, người ta cần mình mà). Suy nghĩ này không văn minh, các bạn trẻ phải từ bỏ lối suy nghĩ tầm thường này.
Thử hẹn ngày đi thi, đi phỏng vấn xin việc, đi xin visa nước ngoài…các bạn có quên được không. Chắc chắn là không, vì lợi ích của mình, ngu gì quên. Còn hẹn hò với ai mà quên không đi, là mình có ý coi thường việc đó/người đó. Hoặc do mình không biết sắp xếp công việc, không ghi chép vào sổ, không biết làm gì trước làm gì sau, cuối cùng quên cái này quên cái kia.
Cả 2 đều không thể chấp nhận. Cái đầu là thái độ, với thái độ ấy, không ai ưa nên làm gì cũng thất bại. Cái sau là cách làm, việc lười ghi chép và không có phương pháp như vậy, không thể thành công.
Nên Tony tạm thời không mở chi nhánh ở tỉnh H nữa. Và cũng đã nói T xin việc khác.

Sau đợt bán hàng cà chua ở Hà Nội, có thể rút ra là việc đem nông sản Đà Lạt ra bán ở đất Bắc rất khó. Ở miền Bắc, ngoại trừ 4 tháng mùa đông với rau vụ đông rất ngon, 8 tháng còn lại phụ thuộc nhiều vào nông sản Trung Quốc. Ví dụ như cà chua, nhiều bà con nói sao cà chua Đà Lạt giống của Trung Quốc quá, lại to hơn và không đỏ đẹp bằng. Giống cà chua bản địa của mình hình dẹp, có khía trên cuống…chỉ trồng được 1 vụ thôi, còn cà chua trồng công nghiệp (Trung Quốc, Đà Lạt, Thái Lan…) hình dạng cao, là giống lai F1, F2, đều nguồn từ các công ty cung cấp hạt giống, trồng được quanh năm ở nơi có nhiệt độ dưới 25 độ C (giống lai là giống chỉ ăn, không lấy hạt để trồng được vì phải mua hạt giống của công ty bán giống). Công ty giống này cung cấp giống cho khắp nơi trên thế giới, nên trồng quy mô công nghiệp thì buộc phải trồng giống này. Bắp cải, su hào, cà rốt, súp lơ, cà chua,…hàng nông sản trồng đại trà này ở VN, Thái, Indo, Ấn Độ…đều giống nhau hết về chủng, chỉ có ĐK canh tác khác nhau thì có thể to hơn, dài hơn hoặc vị khác nhau một chút.
Đất ở Đà Lạt là đất bazan tốt hơn ở Vân Nam, nên quả thường to hơn, và kích cỡ màu sắc không đều nhau. Cà Rốt, Khoai Tây, Hành Tây, Củ Dền, Ớt Chuông…đều như vậy hết. Và bà con Đà Lạt không có thuốc giữ quả chín lâu như nông dân ở Vân Nam, nên cà chua chín đỏ nhanh và rục rất nhanh. Chưa kể 1500km vận chuyển từ Đà Lạt ra so với 300km từ biên giới Việt Trung, thì tỷ lệ quả hỏng là cao hơn nhiều. Dù giá bán bằng nhau do không lấy lãi nhưng do các lý do về ngoại quan, nên việc tiêu thụ trở nên rất khó khăn.
Team tình nguyện làm thử và dự kiến bán vào mỗi sáng chủ nhật, tuy nhiên tốc độ tiêu thụ chậm quá, nên team sẽ xem xét lại. Vì làm tình nguyện, làm không công thì được, nhưng phải bỏ tiền túi ra để vứt nông sản đã bị hỏng thì team không làm được, vì các bạn tình nguyện đều là sinh viên, các nhân viên trẻ không có nhiều tiền. Lần thử nghiệm này để rút KN, bạn nào có ý định kinh doanh nông sản Đà Lạt ở miền Bắc, các bạn nên tính các yếu tố này nhé. Tính kỹ tỷ lệ hư hỏng do vận chuyển và chỉ lấy đúng theo số lượng đã đặt trước, không nên tồn trữ. Team tình nguyện chỉ có thể lấy hàng từ Đà Lạt ra theo nhu cầu đặt trước của một số gia đình cần rau an toàn của CLB con dượng. Các bạn có thể liên hệ với email tinhnguyen.tnbs@gmail.com để lại số ĐT để đặt trước và chúng tôi chỉ giao đúng số lượng bà con đặt vào sáng chủ nhật hàng tuần cho ai đặt trước thứ 4. Và cũng không có thời gian ship tận nhà nên bà con đặt rồi thì phải đến lấy trong ngày chủ nhật.
Team Tình Nguyện TnBS, Hà Nội.
