Saturday, October 4, 2014

Nghe nhạc cùng Tony

Nghe nhạc cùng Tony

Các bạn trẻ có biết bài hát "Đi qua vùng cỏ non" không? Đây là bài hát mà Tony thích nhất khi còn trẻ. Bài hát đã thật sự hun đúc tinh thần vì người khác và rộng mở trong suy nghĩ của mình. Vì "những dòng sông đã lâu nếu không ra được biển rộng", thì chỉ quẩn quanh "vách núi như gương không người soi".

Hình ảnh "người đứng gác đêm, thầm lặng mà đẹp lắm" là một chi tiết xúc động. Những hy sinh vì người khác không phải ai cũng thấu hiểu, nhưng bạn cứ tin đi, nếu bạn sống bằng cả trái tim, thì vẫn có người đồng cảm, yêu thương.

Hãy bỏ "những nghĩ suy một mình" vì khi thăm vườn trẻ, với tiếng cười giòn vang của một thế hệ người Việt tiếp nối đầy sức sống, "ta sẽ nghe đời vui hơn". Sự thấu hiểu những "được mất riêng của mình" sẽ làm bạn biết mở lòng ra mà "đi thăm người mới quen" dù biết "một lần chưa thể nào nói hết".

Cũng như bao nhiêu câu chuyện của Tony, mặc dù "đã viết xong mà lòng vẫn còn muốn, nói thêm"...



Thursday, October 2, 2014

Em ơi đừng Suỹ nữa

Em ơi đừng Suỹ nữa

Hôm qua Tony đi ăn tiệc có gặp 1 anh kia, giám đốc 1 cty hẳn hoi, người Nghệ An nhưng vào Lâm Hà, Lâm Đồng sống từ cấp 1, sau đó ra Hà Nội hạc ĐH nông nghiệp. Vùng anh sống toàn người Bắc nên anh nói giọng Bắc. Thế có người hỏi quê đâu, ảnh nói ngay là quê anh ở Hà Nội, nhà anh ở phố Hàng Bông. Chẳng may cho anh là trong bàn, có 1 anh cũng ở Hàng Bông, anh này truy vấn đến cùng, thế cấp 1 trường gì, cấp 2 trường gì, cấp 3 trường gì, rồi quen biết với ai. Lỡ nói cấp 1 chuyên Hoàn Kiếm, cấp 2 Chu Văn An, cấp 3 Hà Nội Amsterdam...nhưng thầy cô nào cũng hẻm biết, bạn bè nào cũng không có, thậm chí hạc năm nào đến năm nào cũng không rõ nên anh chống chế rất vất vả. Gương mặt đỏ bừng, tay chân lóng ngóng suýt làm đổ ly bia. Ngồi cả buổi ăn không được vì lo suy nghĩ sáng tác lý lịch cá nhân.

Tony mới nói đỡ liền. Nói dạo này người bị Alzheimer nhiều lắm, trí nhớ sa sút, như Tony đây, mặc dù sinh ra và lớn lên ở Paris nhưng giờ quên hết tiếng Pháp rồi còn đâu.

Anh ấy nghe xong, nói ừa, anh bị Alzheimer nặng. Cám ơn Tony, bữa nào anh về quê anh mang xuống cho em ít cà phê, cà phê trồng ở Hàng Bông ngon lắm...

Này các bạn trẻ, mấy người thuộc văn hoá cũ hay sĩ diện, vì họ chẳng có gì trong tâm hồn nên lúc nào cũng sợ khinh khi. Nên phải "làm mặt làm mày" tức trang điểm, đeo mặt nạ vô. Thế hệ mình khác. "Có sao nói vậy người ơi" cho nó dễ thương.

Lỡ có gặp mấy đứa hay kể ngày xưa mình hạc giỏi, cha ông mình danh gia vọng tộc thế này thế kia,...thì mình biết ngay là đứa nhảm nhí. Vì người thực sự như vậy không ai kể, cốt cách quý phái, sự thông thái giỏi giang tự phát tiết ra ngoài, không cần khai. Nếu thấy họ cứ nói miết thì mình có thể nói "tao nể quá khứ gia đình mày rồi, vui lòng quay về thực tại, mày đang đọc sách gì, mày có giúp đỡ ai không". Mình lái chủ đề qua lòng nhân ái, sự văn minh, tính trung thực, hảo sảng, nghĩa tình. Có thì tham gia vô nói, không có thì gắp miếng thịt kêu nó nhai đi.

Sĩ diện là văn hoá châu Á, văn minh phương Tây không có nên chữ "sĩ diện" không có trong từ điển tiếng Anh. Bên Trung Quốc thể loại sĩ diện nhiều lắm, đặc biệt là thế hệ cũ, nên bọn trẻ Trung Quốc bây giờ mỗi lẫn nghe mấy người cứ lặp đi lặp lại chuyện quá khứ là họ nói câu "ru guo ni bu chu sheng, mei you ren shuo ni shi ya ba- phiên âm: rủ cụa nì bủ chu sâng, mảy dầu rỉnh sua nị sư dạ ba", nghĩa là " dù bạn không nói tiếng nào, cũng không có ai nói bạn bị câm".

Hôm bữa qua đó ăn tiệc, Tony nghe tụi nó nói câu này miết mà thuộc lòng luôn.



Tuesday, September 30, 2014

Một lá thư Ai Len

Một lá thư Ai Len

"Chào anh Tony, xin lỗi gọi anh vì tôi nghĩ anh cũng trạc tuổi tôi. Tôi đang làm nghiên cứu sinh ở Ai Len cũng được 2 năm rồi. Trước đây tôi học thạc sĩ ở Anh, sau đó về VN giảng dạy ở 1 đại học, rồi sau đó gần đây tôi chọn Ai Len để làm tiến sĩ. Cuộc sống chồng con của tôi ở Việt Nam cũng ổn định, tôi chỉ mong học xong nhanh rồi quay về.

Thú thật, tôi đọc page TnBS vì nó vui, ban đầu tôi nghĩ anh định câu view để quảng cáo cái gì đó, chứ bỗng dưng bỏ công bỏ sức ra viết chia sẻ như vậy, tôi thật không hiểu nổi. Nhưng sau khi theo dõi page hơn 1 năm, tôi vẫn không thấy anh quảng cáo sản phẩm dịch vụ gì, anh cũng không ra mặt để kiếm tiền từ sự nổi tiếng, nên tôi cũng có ý nể anh đôi chút. Nhưng tôi nghĩ rồi anh cũng sẽ bán page này cho một nhãn hàng nào đó khi nhiều view. Tôi không tin trên đời này ai đó cho không ai cái gì.

Hôm nay tôi đọc bài của anh nói về các bạn người Trung Quốc ở ĐH Queen Belfast, tôi thấy đúng. Trường tôi 2 năm nay đều có suất học bổng toàn phần cho sinh viên ngoại quốc, nhưng tôi chẳng giới thiệu cho ai ở Việt Nam. Một phần vì tôi lười, tôi thấy tốn thời gian thông báo lên diễn đàn này diễn đàn kia mà chẳng lợi ích gì cho mình. Nhưng nhiều lúc tôi cũng cảm thấy cô đơn (cả trường tôi chỉ có mình tôi người Việt học ở cấp này), nhưng thông báo cơ hội này cho người dưng nước lã ở Việt Nam, tôi thấy cứ tiêng tiếc thế nào ấy. Tôi chỉ giới thiệu cho con ruột tôi những cơ hội như vầy như cháu còn nhỏ quá, còn cháu họ tôi cũng có đứa đủ điều kiện nhưng trong thâm tâm mình, tôi sợ bọn nó được rồi gia đình nó hơn gia đình tôi, lỡ sau này con tôi không có cơ hội đi du học thì sao. Tôi vẫn bé nhỏ và tiểu nông như anh từng phê phán, nhưng thật sự tôi không thoát ra được. Cha mẹ chúng nó (anh chị chồng tôi) cứ hỏi tôi việc tìm học bổng cho các cháu sang đây nhưng tôi trả lời qua loa, rồi viện cớ bận quá mà từ chối. Tôi không muốn mình phải có trách nhiệm chăm lo chúng nữa. Đèn nhà ai nấy sáng, mình chỉ nên lo cho cá nhân mình, gia đình mình chứ hơi sức đâu lo cho người khác. Từ bé, tôi đã được cha mẹ tôi dạy dỗ như vậy. Tôi cũng sẵn sàng quay cóp để có điểm số cao hơn, có văn bằng đẹp hơn, dù tôi học không tệ.

Việc tôi xin học bổng sang đây thế nào, tôi cũng giấu nhẹm, ai hỏi thì tôi nói là tự túc. Sâu thẳm trong lòng mình, tôi không có khả năng chia sẻ. Các con của thì sao tôi cũng được, còn con cái người ta tôi thấy không ưa, không vỗ về nựng nịu chúng nó được. Tôi như con kiến, cần mẫn lấy bên ngoài tha về cái tổ bé nhỏ của mình, bất chấp mọi thứ. Tôi nghĩ ai cũng có một tổ ấm phải vun vén, và phải hơn người khác bằng mọi giá.

Anh nói đúng, các đồng nghiệp người Trung Quốc của tôi thì khác. Năm ngoái khi nghe tin trường có 5 suất học bổng toàn phần, anh bạn tôi tên Zhang bay về nước để giới thiệu sinh viên ( anh ấy đang dạy ở ĐH Hạ Môn), dù tiền máy bay là phải bỏ tiền túi ra. Sau đó 5 suất học bổng đó đều thuộc về sinh viên trường anh. Tôi thấy họ hay gặp gỡ nhau ăn uống và hay tụ tập trong 1 góc sân trường chỉ nhau học tập.

Tôi rất tiếc đến giờ này tôi vẫn chưa thay đổi quan niệm của mình nên tôi xin phép anh tôi không nói tôi tên gì và đang học ở đâu. Sang năm, trường tôi lại có suất, hy vọng lúc đó tôi sẽ có thể rộng lượng hơn mà chia sẻ cho các bạn."...

Tony trích đăng bức thư này sau khi xin phép chị ấy. Và lòng rất buồn.





P/s: Người Trung Quốc hay lắm, hồi đó Tony đến cái vùng Belfast ở Bắc Ai-len, ông thầy trong trường ĐH Queen kể cách đây 20 năm, sinh viên Trung Quốc chỉ có vài đứa. Nhưng sau đó vì có mấy đứa học giỏi ở lại trường, làm giảng viên, cứ có suất học bổng nào là giới thiệu gà nhà, chính tay họ sửa bài luận giúp họ đạt học bổng nên học bổng rơi vào tay SV Trung Quốc hết. Họ qua đâu 1 thời gian thì người Hoa đang sinh sống dưới London cũng dạt về, mở quán xá, nhà hàng, nhờ tụi SV này làm thêm, tạo thành 1 cộng đồng khá thành công. Lứa sinh viên này về nước là giới thiệu lứa sinh viên khác qua, tinh thần đoàn kết của họ thật hay. Mình cũng cố gắng bắt chước cái hay cái đẹp này của cộng đồng người Hoa nhé. Cám ơn các bạn.

Monday, September 29, 2014

Chuyện Tony bị ốm

Chuyện Tony bị ốm

Tony mấy nay bị bịnh nặng quá nên đi khám. Tony chỉ khám ở mấy bệnh viện quốc tế. Bệnh cũng phải có tên ngoại, chứ thuần Việt là Tony không hài lòng. Hẻm lẽ Tony mà bị tiêu chảy hay đái tháo đường? Lần nào khám xong cũngnăn nỉ bác sĩ ghi giùm vô hồ sơ cho em bữa thì bị Gout, bữa thì bị Alzheimer, bữa thì Parkinson.... Có truyền máu cũng đòi máu tây, máu ta hẻm chịu.

Nằm viện, bạn bè lên thăm, đứa nào mang ổi cam chanh quýt hay sữa đều cũng đều từ chối. Phải kiwi, lê-ki-ma, cherry hay yogurt (da-ua) may ra mới ăn. Súp chỉ ăn cà rốt, súp lơ, khoai tây và hành tây. Thậm chí uống dừa cũng chỉ uống dừa Xiêm.

Bữa nay khám xong, ông bác sĩ già người Pháp nói cậu chỉ bị cảm cúm thôi, không có bệnh quốc tế. Tony giận dữ đòi boycott (tẩy chay). Ổng suy nghĩ mãi rồi ghi vào hồ sơ chẩn đoán là seasonal flu (cúm mùa).

Thôi vậy cũng được. Ít nghe ai bị



Sunday, September 28, 2014

Hướng dẫn chế biến thức ăn từ quả sung, sung de Tony

Hướng dẫn chế biến thức ăn từ quả sung, sung de Tony

Quả sung là một tạo hoá ban cho con người ở các nước nhiệt đới. Trong lá sung có cả đạm (rất hiếm hoi thực vật có chứa đạm ngoài họ đậu) nên bạn sẽ thấy có vài nốt sần trên lá. Đây cũng là quả chứa kali và canxi rất lớn, nên mình ăn sung thì khỏi ăn tôm cua cũng được. Nên mới có câu "há miệng nằm chờ sung rụng", vì ăn sung rồi thì khỏi cần ăn mấy cái khác.

Sung có thể chế biến nhiều món ăn ngon. Đặc biệt tác dụng phòng chống táo bón và chất chống oxi hoá của nó có thể sánh ngang với mọi loại thực phẩm chức năng đắt tiền nhất. Lưu ý là thực phẩm chức năng, hay thuốc bổ, chỉ có tác dụng tâm lý. Hầu hết vi khoáng và vitamin trong cơ thể con ngừoi được tiếp nhận từ nguồn gốc tự nhiên, các vitamin tổng hợp, vi khoáng trích ly gì đó...đều bị thải hồi qua đường bài tiết. Hồi đó Tony không biết, cứ mua mấy hộp daily for man uống miết, thấy uống viên màu gì thì nước tiểu có màu đó. Sau này mới biết cơ thể mình thải loại hết trơn. Phí tiền.

Các bạn tích cực ăn hoa quả rau xanh để có sức khoẻ tốt. Nhà có không gian nên trồng vài cây sung (trong chậu cũng được) để ăn dần. Tony giới thiệu các bạn một vài món từ sung

1. Kho cá:

Cá: 1/2kg, cắt khúc hoặc cá bé thì làm sạch Sung: 20 quả, bổ đôi ra. Cá và sung sẽ được ướp với 1 muỗng canh nước mắm, 1/2 muỗng canh xì dầu, 1 muỗng canh đường..tổi thiểu 30 phút. Sau đó đun sôi, khi sôi bỏ thêm 3 muỗng canh nước lã vào, đậy vung kho lửa thấp nhất khoảng 30 phút. Nếu có nghệ mật ong (vò viên bán sẵn trong siêu thị) thì nên mua sử dụng thay thế chất tạo màu bằng đường không tốt. Bỏ 2 viên nghệ mật ong này vào nồi cá kho lúc ướp để có màu đẹp. Sau khi chín, rắc tiêu trên bề mặt hoặc bạn nào quen mì chính bột nêm thì có thể bỏ vào, nhớ chỉ vài ba hột mì chính thôi nhé, ăn nhiều bị mỏi cổ ráng chịu.

2. Gỏi sung cá khô hay mực khô

Sung chẻ làm bốn, ngâm nước muối hoà với giấm (giấm vải Kim Ngân càng tốt) sao mình nếm thấy chua chua mặn mặn vừa miệng là được. Sau đó bỏ vào ngăn đá tủ lạnh trong 31 phút. Hoặc bỏ đá vào ngâm, để sung giòn.

Hành tây phải bỏ vào ngăn đá tủ lạnh đúng 9 phút sẽ không bị hăng khi lột và cắt. Hành tây xắt khoanh tròn, ngâm vào dấm + đường cho vị chua chua ngọt ngọt là được, ngâm khoảng 31 phút luôn.

Cá hay mực khô nướng lên, xé sợi, đếm đúng 30 sợi thì không xé nữa mà bốc lủm luôn cho hao bớt đi, nấu ăn phải ăn bớt mới là đứa dễ thương. Nên nấu xong nói nhường mọi người chứ thực ra là mình "nêm nếm" dưới bếp lòi họng rồi.

Bỏ cá khô đã xé vào cái tô lớn, vớt sung và hành tây ra, trộn đều lên. Xắt nhỏ rau răm hoặc rau thơm nào cũng được lên, trộn đều. Ăn thử coi ngon hem, nếu ngon quá thì ăn hết luôn khỏi dọn ra cho khách.

3. Mứt sung: Chỉ làm sung chín. Bổ đôi, trộn đường với tỷ lệ 1kg sung 2 kg đường. Bỏ tủ lạnh đúng 12h 15 phút, sau đó bỏ vào nồi, rim lửa nhỏ đến khi nào đặc lại thì vắt chút nước cốt chanh vào. Tây thích ăn mứt này lắm, bạn nào muốn lấy chồng Tây phải thành thạo món này.

4. Nấu chè sung: tương tự nấu chè thông thường, bổ đôi quả sung và bỏ vào nước đường nấu, thêm đậu xanh và nước cốt dừa nữa.

5. Nấu canh sung: nấu với thịt nạc giống như nấu quả sấu

Chúc các bạn cho 1 ngày chủ nhật thiệt sung, thiệt sướng. Không có quả sung thì lấy quả vả cũng được. " Lòng vả như lòng sung", quả nào cũng ăn ngon, bổ dưỡng.



Popular Posts

Blog Archive

Powered by Blogger.