Thursday, September 25, 2014

Bí mật của người giàu có

Bí mật của người giàu có

Nhiều bạn trẻ thấy người ta khởi nghiệp, cũng lật đật mở công ty, nhưng chỉ được 3 bữa. Vấn đề không phải là kinh nghiệm xử lý công việc, kiến thức chuyên môn, kiến thức quản trị hay tuổi tác, vấn đề là KỸ NĂNG LÀM CHỦ không có. Nên phải dẹp tiệm.

Muốn làm chủ, thứ nhất là phải có kỹ năng giao việc. Muốn có kỹ năng này, bản thân mình phải là người luôn chân luôn tay, luôn mắt luôn miệng, luôn tính tính toán toán TỪ BÉ. Còn có ai làm sẵn cho mình vô ăn thì thua. Tony tuyển một bạn từng học cấp 3 dân lập NK, thi ĐH 29 điểm. Nó nói tụi con học vì thành tích của trường, nên ban đêm thầy cô kèm truy bài đến 11h. Bài toán vừa đưa ra, ông thầy đưa ngay công thức ráp vô giải. Đề văn này chưa suy nghĩ dàn ý là đã cô giáo cung cấp ngay 1 bài văn mẫu y chang. Nên tụi con mất khả năng tìm kiếm và tổng hợp thông tin. Việc ngồi lục lọi trong thư viện, search trên google, đọc hầm bà lằng…để có thông tin mình cần LÀ KỸ NĂNG buộc phải có của người giỏi giang thật sự. Nên hằng này nó lên công ty, chờ ai giao việc thì làm, không thì ngồi đấy, cứ mỗi 5 phút ngáp 1 cái. Thấy kỹ năng ngáp tốt quá, phòng nhân sự bèn bố trí nó ngồi ở chỗ cửa ra vào. Từ đó, tuyệt đối không còn con ruồi nào bay được vào bên trong công ty nữa.

Tony quen với 4 đại lý bán phân ở 1 huyện ở miền Tây. Bốn đại lý này từng là người giúp việc, hồi đó gọi là “ở đợ” cho ông Thoàn, một người giàu có trong làng. Ông Thoàn có hàng ngàn công đất, hàng trăm chiếc ghe hàng xáo, mấy nhà máy xay gạo, quán xá trên chợ, rồi vịt nuôi thả đồng, trại nuôi gà, nuôi heo, có nhà ở Sài Gòn Cần Thơ...và người ăn kẻ ở trong nhà lên tới hàng trăm. Cứ nhậu là 4 anh này kể chuyện “hồi xưa” với lòng biết ơn ông Thoàn vô hạn. Mấy ảnh nói, chính nhờ ở nhà ông Thoàn 10 năm mà tụi anh mới có ngày hôm nay. Sáng nào cũng vậy, cứ đâu 4-5h là ông Thoàn ngủ dậy, ngồi trên cái ván (cái phản) bằng gỗ mun, sai gia nhân làm việc. Đố đứa nào mà rảnh tay rảnh chân với ổng. Hồi đó thì tụi này hận cha hận mẹ sao lại gửi mình vô đây làm công trừ nợ, căm ghét ông Thoàn vô cùng vì bắt làm nhiều quá. Nhưng giờ nghĩ lại, thấy số mình may mắn. Mấy ảnh hỏi Tony chứ có phải đó là bí mật của người giàu có không? Vì sáng sáng, thấy ông Thoàn cứ nhấp ngụm trà vô, rồi kêu anh A làm gà, anh B ra đắp đất, chị C trồng rau, anh C chẻ củi, chị D lau nhà, chị E kiểm kho, chị F múc nước, anh G vô ruộng thăm lúa, anh H thu nợ...Tony nói đúng rồi, khả năng “giao việc” là năng lực đặc biệt chỉ dành cho người rất giỏi, không phải cái đầu nào cũng nghĩ được việc cho người khác làm đâu. Càng nghĩ việc cho đông người làm thì càng tài năng. Đó là bí mật đầu tiên của người giàu có.

Muốn giao việc, phải có óc quan sát, phải biết sắp xếp công việc theo khả năng của từng người. Nên mấy ảnh nói em nói đúng quá Tony, ai ở đợ cho ông Thoàn sau này cũng làm chủ hết. Tụi anh ban đầu cũng làm mướn làm công thôi, nhưng chăm chỉ và có đầu óc nên tích lũy được ít tiền. Sau đó mới mạnh dạn mở ra làm, nhỏ trước, lớn sau. Mỗi lần nghe mấy đứa đòi khởi nghiệp mà hỏi “vốn đâu”, thấy mắc cười dễ sợ. Các bạn nghe đứa nào nói vậy thì đừng có đưa tiền cho nó. Nó đốt hết ngay. Có ông tỷ phú nào trên thế giới mà đẻ ra là có 1 đống tiền đưa sẵn? Toàn tích cóp 9 xu đổi lấy 1 hào cả. Rồi “tiền đẻ ra tiền”, có 2 hào, 5 hào rồi 1 tỷ đô la.

Mấy ảnh nói ở cái huyện này, ngoài tụi anh bán phân bán thuốc, mấy ông chủ cây xăng, chủ xưởng gỗ, chủ xưởng sản xuất vỏ lãi (tàu ghe), chủ đại lý xi măng sắt thép…đều là người làm công của ông Thoàn ngày xưa cả. Còn mấy đứa em tui, lúc đó ở với ba mẹ, bây giờ vẫn cứ nông dân nghèo. Vì nói cái gì tụi nó cũng ngại làm. Sáng ngủ dậy là không biết mình phải làm gì ngày hôm nay. NGHĨ KHÔNG RA VIỆC CHO MÌNH THÌ LÀM CHỦ GÌ ĐƯỢC.

Lúc ông Thoàn già yếu, ông vẫn chỉ đạo công việc nên nhà cũng còn khá giả, nhưng khi ổng mất đi thì mọi thứ cũng chấm hết. Cái dở của ông Thoàn là, dù chỉ đạo và sai việc các người làm rất tốt, nhưng lại không cho con cái ông động chân động tay vào việc gì. Gia tài chia xong, mấy đứa con quản lý không nổi vì không nghĩ ra việc cho người khác làm, rồi người làm bỏ đi hết. Mấy đứa con phải bán vàng, rồi bán đất, bán cơ sở làm ăn…thậm chí lấy đổ cổ trong nhà ra bán. “Nhà từ đường” là cái cuối cùng tụi nó bán để chia nhau ăn. Hết của, các con của ông Thoàn không kiếm sống được vì vừa dở vừa lười. Mấy anh gia nhân cũ, giờ đã có cơ ngơi làm ăn ngon lành, thấy vậy mới nhận mấy đứa con đứa cháu ông Thoàn vô làm bốc vác, coi kho, giao hàng, lau nhà lau cửa, bế em…Mấy ảnh nói vì tình nghĩa mới nhận vô chứ năng suất làm việc tụi nó chỉ bằng ½ người khác.
(còn tiếp)



Monday, September 22, 2014

Những quả táo Yên Đài

Những quả táo Yên Đài

Tony hay đến thành phố Yên Đài (Yantai, đọc là Den-Thải) nhiều lần trong năm để mua nguyên liệu phân bón. Nói hàng Trung Quốc xấu thì không hẳn, vì ở TQ có nhà máy cấp tỉnh, nhà máy cấp huyện, cấp xã cấp thôn. Loại cấp tỉnh thì xuất qua Mỹ Nhật Châu Âu, cấp huyện thì thường dùng trong nước, loại cấp xã cấp thôn thì xuất qua mấy thị trường ham rẻ như Cam Túc, Thanh Hải, các nước Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh…Một cái quần jean ở Quảng Châu giá 200 USD thì cũng có, giá 2 USD thì cũng có. Nếu mình sống ở châu Âu hay Mỹ, mở hàng hóa ra thấy Made in China thì cũng đừng có ngại, vì để vô được các quốc gia này, mọi hàng hóa đã phải có sự kiểm nghiệm gắt gao. Thường các công ty đa quốc gia sẽ cử người đến Trung Quốc giám sát từ đầu đến cuối, tận dụng nguyên liệu có sẵn và nhân công rẻ của quốc gia này, nhưng họ phải kiểm soát chất lượng.

Trở lại Yên Đài, đây là thành phố nhỏ trực thuộc tỉnh Sơn Đông, có thắng cảnh Bồng Lai Các, nơi lưu giữ thơ văn của nhiều thi sĩ như Tô Đông Pha. Đứng ở Bồng Lai Các, mình sẽ nhìn thấy giữa biển có một vạch màu, chia làm 2 phần. Phần màu vàng là biển Hoàng Hải và phần màu xanh là biển Bột Hải. Vào ngày có sương mù, mình còn có cơ hội nhìn thấy ở ngoài khơi có những tòa nhà, có xe cộ chạy, người ta giải thích là hiện tượng quang học gì đó mà nó phản chiếu 1 thành phố trong đất liền ra ngoài như chiếu phim ấy. Trình độ Hán Ngữ của Tony chỉ có vậy nên không hiểu rõ lắm.

Ở Yên Đài, táo được trồng mênh mông bạt ngàn nên được gọi là thủ đô táo của Trung Quốc. Có nhiều giống khác nhau nhưng phổ biến nhất là giống táo hồng trông như táo giả, nhìn đẹp nhưng ăn bở không ngon. Nông dân dùng kích thích sinh trưởng nên cây lớn nhanh như thổi, hoa chi chít từ gốc đến ngọn, có cây rụng lá hết trơn mà trĩu cành hàng ngàn quả. Chính vì không thuận tự nhiên mà cây táo ở Yên Đài có tuổi thọ khá ngắn, khai thác đâu 10 năm là phải đốn bỏ. Táo không trồng được ở khí hậu nhiệt đới vì nó cần độ lạnh và tuyết vào mùa đông. Nên ai nói táo Đà Lạt hay táo Sapa gì đó thì không đúng, ở Sapa chỉ có táo mèo hoặc chỉ là trồng thí nghiệm, không thành nông sản bán ngoài chợ được.

Trái cây muốn bảo quản phải dùng hóa chất bảo quản hoặc phương pháp lạnh sâu nhanh, như xử lý dứa (thơm) hay chuối, họ chỉnh đúng nhiệt độ chính xác 6.5 độ C trong mấy phút, rồi chuyển qua nhiệt độ bao nhiêu đó trong mấy phút, trụng vô sáp trong mấy phút… Táo ở Mỹ, châu Âu cũng vậy, họ xử lý bằng nước có vitamin C (ascorbic acid) và bảo quản cả năm trong kho lạnh, vì thu hoạch theo mùa trong khi siêu thị thì lúc nào cũng có.

Ở Yên Đài, ngoài việc bọc quả táo bằng túi giấy có tẩm thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ xử lý sau thu hoạch là cả 1 vấn đề về an toàn thực phẩm. Có lần Tony tham quan 1 xưởng đóng gói táo ở đây. Vừa bước vào xưởng, Tony nhìn thấy mấy bồn chứa to như cái nhà, táo sau khi rửa sạch, sẽ được đổ vào bồn, ngâm khoảng 30 phút rồi theo băng chuyền đến khu vực quạt sấy khô. Nhân công sẽ dùng cái miếng xốp bọc từng quả, bỏ vào thùng. Trong cái bồn ngâm đó, ôi thôi hầm bà lằng các loại hóa chất, rồi có cả hương táo nhân tạo nữa. Nên táo ngâm vào đó xong, thơm nồng nặc…mùi táo.

Tony trò chuyện với anh Trung, chủ xưởng. Ảnh nói táo đưa vô siêu thị Bắc Kinh, Thượng Hải thì là loại khác, quy trình khác, đóng gói trong nhà máy khác. Còn cái này của tụi tao bán ở các tỉnh phía nam, từ đây đến đó cả mấy nghìn dặm, khí hậu dưới đấy lại nóng ẩm, dễ hỏng lắm. Tony kể có lần nhà tao có mua 1 quả táo, xong để quên, 1 năm sau bổ ra thì thấy bên trong đã thối còn bên ngoài vẫn tươi nguyên. Ảnh cười ha hả, nói với kiểu xử lý như vầy, bên ngoài đã nhựa hóa, thì có con vi khuẩn nào xâm nhập được vào đâu mà gây thối. Có thối thì thối từ bên trong do trong ruột chưa nhựa hóa kịp. Thì cũng như mày mua táo nhựa thôi.

Tony bắt đầu choáng váng nhẹ. Anh Trung nhìn Tony một hồi rồi nói, Tony à, mày đẹp trai nhìn y chang nhân vật Vạn Kiếm Nhất trong truyện Tru Tiên, đừng có chết sớm uổng lắm, nên nghe tao dặn nè. Nếu mày mua táo mà phơi nắng phơi sương cả tháng không hỏng, mùi hương nồng nàn thì nhớ gọt bỏ sâu khoảng 1cm từ vỏ. Còn mua ở siêu thị loại bảo quản lạnh thì cứ an tâm. Tao làm cái này chứ cũng không có ăn, nông dân cũng vậy, họ trồng riêng cái nào để ăn cái nào để bán. Tao nghĩ ở nước mày cũng vậy mà.

Tony nghe xong, mặt mũi như "da trời ai nhuộm mà xanh ngắt". Anh Trung hỏi mày bị càn-mao ư (càn-mao là cảm mạo). Cái Tony nói ừa, chắc tao bị thẩu thẩng (thẩu thẩng là nhức đầu) hay quay thung gì đó (quay thung là đau bụng). Anh Trung rú lên, Tony ơi, mày bị càn-mao mà nhìn cũng đẹp. Rồi anh cho công nhân viên nghỉ giải lao để tham quan Tony, anh nói, đúng là đất phương nam, kỳ địa sinh kỳ nhân, nó bị càn-mao mà vẫn ngời ngời thanh tú.



Sunday, September 21, 2014

Nước mắm, dầu tràm và phân Phượng Tím...

Nước mắm, dầu tràm và phân Phượng Tím...
(Viết cho nhóm sản xuất thuộc CLB con dượng)

Có một bạn “con dượng” dự thi mứt thanh long, bữa gặp ở Villa De Tony, dượng đặt tên ngoại quốc là Harrod, rồi động viên nên về quê sản xuất mứt trái cây. Bạn về, tách riêng ½ diện tích nhà để làm xưởng, liên hệ với vùng nguyên liệu, thiết kế bao bì nhãn hiệu, tìm kiếm chỗ mua máy móc xong xuôi. Cái hôm bữa, dượng đang ngồi ăn trong nhà thì thấy con Lu xoắn đít vẫy đuôi, bèn sai gia nhân ra coi ai cứ thụt thò ngoài biệt thự 12 tỷ của mình vậy. Thì ra là cậu Harrod. Thấy nó đen thui, ốm nhách, đứng thở hổn hển trình bày, nói con nghĩ nát óc rồi mà vướng phải 2 vấn đề là VỐN và MÁY MÓC, dượng nói thôi vô uống nước rồi đi về đi. Bữa nào rảnh, dượng lên page chỉ cho, chỉ sỉ chứ không chỉ lẻ mắc công quá.

Về máy móc, nếu MUA NGUYÊN DÀN MÁY chỉ để làm mẫu chào hàng, thì rất rủi ro, vì chưa chắc mẫu đó được thị trường chấp nhận. Mình có liên hệ các đại học như BK, Tôn Đức Thắng, Cần Thơ hoặc bất cứ trường nào gần nhất mà có khoa CÔNG NGHỆ THỰC PHẨM. Phòng thí nghiệm ở đó đều có tủ sấy, tủ đông, tủ hấp, trích ly, cân đo đong đếm hút chân không, hóa chất bảo quản hay cái gì cũng có…chỉ là không sản xuất quy mô lớn được thôi. Mình cứ gõ cửa. Tìm kiếm hỏi miết cũng ra à.

Hoặc một giải pháp nữa là nhờ các công ty trong ngành, cái này phải làm quen với bộ phận sản xuất các nhà máy, thuyết phục người ta. Cứ gõ cửa đi. Làm ăn là không ngại. Ngại, tự ái, mắc cỡ, sĩ diện, háo danh, hoang phí tiền…đều không có trong từ điển của giới làm ăn chân chính.

Kể nghe, năm 2001, dượng xuất khẩu dầu tràm. Dầu chiết xuất từ cây tràm, dùng cho phụ nữ mới sinh rất tốt, bên Nhật đặt hàng nhưng VN mình sản xuất thủ công còn tạp chất. Cái dượng mới liên hệ công ty dược phẩm gì trên đường Cách Mạng Tháng Tám quên tên rồi, nó đồng ý giúp dượng làm ở quy mô phòng thí nghiệm 10 lít. Rồi nó có bảng phân tích COA (certificate of analysis) luôn, có giấy này mới gửi DHL được. Khách hàng thấy OK nên qua đặt hàng khí thế, sau này tụi Nhật đem máy móc rồi qua sản xuất luôn dưới Long An, họ mời dượng về làm giám đốc nhưng dượng mắc đi Mỹ học nên đâu có nhận lời được. Dượng từ chối làm tụi nó khóc quá trời (khóc bằng tiếng Nhật).

Lúc hãng Phượng Tím mới ra đời, dượng cũng đi gia công. Dượng lên các phòng thí nghiệm các nhà máy nhờ nó làm cả chục mẫu…rồi mang đi hội chợ chào hàng. Khách chọn 1 mẫu rồi yêu cầu sửa đổi theo đúng ý thích của thị trường họ. Mình về làm tới làm lui cả chục lần họ mới OK, rồi mới đặt đơn hàng thử nghiệm gọi là trial order, chỉ có 1-2 container thôi, mình nào dám đầu tư máy móc. Trong khi các nhà máy có chạy hết công suất đâu, mình đem công thức, bao bì của mình tới, kêu họ sản xuất cho mình lúc họ rảnh rỗi. Họ cũng phải trả lương công nhân bao nhiêu đó/tháng, nên có việc làm thêm cho anh em, họ còn mừng. Sau này khi đơn hàng lớn rồi, thì mới tự lập xưởng sản xuất, gia công mãi như thế không chủ động được, vì mình chỉ là con nuôi, họ phải ưu tiên con đẻ của họ.

Về mặt bằng sản xuất, đầu tiên thì tự quy mô ở nhà, cái máy nhỏ nhỏ đóng gói, hơ lửa dán keo lại cũng được. Hồi năm 2 ĐH, dượng về Cửa Bé, đi 1 vòng coi nhà nào có nước mắm ngon, lên chi cục đo lường chất lượng Khánh Hòa đăng ký nhãn hiệu “nước mắm Tony Cocky” xong, đem vô Sài Gòn bán. Dượng mò lên nhà máy Ngọc Nghĩa trên khu CN Tân Bình mua chai, nó có bán lẻ. Cứ cuối tuần, ngoài Nha Trang gửi vô cho dượng 10 can 200 lít, dượng sớt ra chai, dán nhãn rồi đi bán cho các cửa hàng tạp hóa khu vực phường 13 Bình Thạnh. Người ta góp ý là chai nước mắm phải cái màng phủ trên cái nắp, nếu không, nhìn không an toàn. Hồi đó làm gì có internet mà tìm kiếm. Dượng mò xuống Chợ Lớn mất mấy ngày mới tìm ra cơ sở sản xuất MÀNG CO, lao vô tìm hiểu. Người ta chỉ mình dùng cái mấy sấy tóc, trùm màng co vào đầu chai và sấy 1 cái là nó ôm cái nắp chai ngay.

Dượng bán cũng được lắm, cứ buổi nào lên trường thì thôi, bữa nào ở nhà là đi giao nước mắm, rồi 5h chiều là thay đồ lên thư viện học đến 8h đêm mới về. Mấy năm ăn học cũng nhờ cái nước mắm này và nhiều business khác nữa nên sống cũng phong lưu, tốt nghiệp vẫn loại giỏi như ai. Ngày chuẩn bị ra trường, dượng tặng cái business nước mắm cho thằng Tú, một đứa ở cùng nhà trọ, dân Bà Rịa, vì thấy nó tử tế đàng hoàng trung thực. Dượng hướng dẫn nó cách sản xuất xong, dắt nó đi 1 vòng thăm khách hàng, nói các cô các chú ơi, con học xong rồi, con chuẩn bị vô tòa nhà cao ốc làm rồi, thằng em này thế con, có gì cô chú giúp đỡ nó nhen. Thằng Tú cũng làm y chang dượng vậy, nhưng nguồn nước mắm là từ dưới Lộc An Bà Rịa chứ hẻm phải nước mắm Nha Trang. Khi nó ra trường nó lại chuyển cho 1 đứa khác làm.

Dượng ham lao động nên rất ghét cái bài hát gì mà mấy đứa sinh viên hay ê a “ bạn tôi, sáng nhịn ăn, lên giảng đường”. Mắc mớ gì phải nhịn, cứ phở bò phở gà quất tới cho dượng. Đừng lấy tiền của mẹ của cha, nhục lắm. Tự làm thêm đi...



Weather Forecast

Weather Forecast

Tony coi hay nghe dự báo thời tiết trên tivi, trên đài nhưng thấy hẻm hay. Trừ bữa nào có bão thì có vẽ đồ thị hoàn lưu ...cho khoa học 1 chút, các bữa khác chỉ có 1 thông tin giống nhau là trời nắng gián đoạn, có nhiều mây, có mưa và giông vài nơi. Có bữa đổi lại là có mưa rào và giông rải rác. Nông dân canh thời tiết để xuống giống, xịt thuốc, phơi lúa. Đang phơi lúa thì mưa, hốt vô không kịp bị ướt, nẩy mầm sạch trơn, ngồi khóc. Trách gì được, nó nói có mưa vài nơi mà, chứ có nói hoàn toàn không mưa đâu. Nguyên 1 vùng Nam Bộ mà nói như thế thì chả biết “rác” nó “rải” chỗ nào.

Rồi nhiệt độ nữa, chẳng hạn nước ta khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo nên mùa hè như thế này, nói thấp nhất 20 độ, cao nhất 40 độ thì dãn hết biên độ cho phép, địa lý lớp 6 dạy rồi, khỏi dự báo cũng biết.

Còn thời tiết biển thì “tầm nhìn xa trên 10km”. Còn bữa nào có áp thấp hay bão thì “tầm nhìn xa sẽ giảm 2-4km trong mưa, gió đông bắc cấp 5, cấp 6, biển động”. Gần tâm bão thì biển động dữ dội. Nghe riết rồi quen, giờ Tony cũng tự làm được 1 bản tin dự báo thời tiết. Theo Tony, nếu dự báo không có gì mới, cứ nói là " chúng tôi dự báo thời tiết ngày mai y chang ngày hôm nay", khỏi tốn thời gian lên sóng.

Không thì phải sáng tạo, cạnh tranh với Tony đi nhé. Tony sẽ đi mua bản đồ các vùng và bẻ 1 cây ăng ten tivi, tối nào cũng đứng chỉ chỏ như giáo viên dạy sinh vật, rồi quay phin tung lên youtube. Bản tin nào cũng giống nhau nên MC nào hấp dẫn hơn thì coi. Bữa Tony bận áo ấm quấn khăn, co ro bên cốc chè xanh ở 1 góc phố Hà Nội, chân trái gác qua chân phải, nhét 1 tay vào giữa 2 đùi, hít hà kêu rét quá rét quá nếu dự báo trời rét (Tony nằm trong nhóm thanh niên trai tráng ở đô thị Việt Nam, chả thể dục thể thao, cứ ra vô nhà ống mấy mét vuông như gà công nghiệp). Bữa bận quần bơi hình tam giác màu hồng phấn phấn khích nhảy múa nếu dự báo có mưa, hay triều cường, thế nào cũng ngập đường phố, bơi cho đã. Thậm chí bữa không bận gì, chỉ ló cái mặt nếu dự báo có nhật thực tàn phần, nude bảo vệ môi trường luôn.

Rồi bắt khán giả nhắn tin đố bạn ngày mai thời tiết thế nào, có bao nhiêu người có đáp án giống bạn. Quất 15,000 đồng/tin nhắn. Trúng thưởng 1 cái Iphone chỉ có 10 triệu chứ mấy, trong khi 1 đêm tiền thu về từ tin nhắn cả tỷ bạc. Phải thêm vụ cờ bạc này vào để lấy hết tiền của các "nam ngây nữ ngô" chắt chiu tằn tiện, ăn hẻm dám ăn, mặc hẻm dám mặc, có nhiêu tiền nạp card để nhắn tin cho mấy game show nhảm nhí. Trên tivi dạo này cờ bạc hơi nhiều, cái gì cũng nhắn tin và trúng thưởng, gọi văn vẻ là “ tương tác với khán giả”. Tội nghiệp mấy đứa ngây ngô cứ coi và nhắn tin miết.

Í cha cha, bữa nay lại nghe “ trời nắng gián đoạn và mưa rào rải rác”. Mặc gì đây ta?



Popular Posts

Blog Archive

Powered by Blogger.