Saturday, September 6, 2014

Chuyện ở Thượng Hải

Chuyện ở Thượng Hải

Thượng Hải - đô thị phồn vinh bậc nhất của phương Đông với hàng vạn tòa nhà cao tầng cỡ tòa 68 tầng ở Sài Gòn. Hầu hết các con đường đều là 2 tầng, ai muốn đi nhanh thì lên trên trả tiền phí, ai muốn miễn phí thì chạy ở tầng dưới. Hệ thống đường sá tốt đến độ, nếu bạn lái xe hơi, cứ gõ địa chỉ số nhà, tên đường, quận thì tự động GPS trên xe sẽ hướng dẫn bạn lái đến trước cửa. 300 mét nữa rẽ trái, đi thẳng,…và cứ tự động tuân theo hướng dẫn của cái GPS này mà đi, không cần phải nhớ đường nhớ sá chi cho mệt.

Lúc xây dựng đường trên cao, ý kiến của dân chúng cũng lắm. Họ nói sẽ phá vỡ cảnh quan, nhưng thật ra ở thành phố thương mại như Thượng Hải, có cảnh quan gì đâu mà phá vỡ. Vài tòa nhà cũ, họ rào lại thành 1 khu để tham quan, còn lại đập mới và xây hết thành những chung cư 50-60 tầng, những tòa nhà văn phòng 70-80 tầng, cá biệt có mấy tòa như Jinmao Tower 88 tầng, IFC (int’l financial center) còn cao hơn, có tòa gì mới xây cả trăm tầng.

Khu phố Tây là khu cổ, mang dấu ấn kiến trúc Anh, còn khu phố Đông là khu mới như Thủ Thiêm vậy. Hồi xưa bờ sông Hoàng Phố cũng thấp như bến Bạch Đằng, nhưng sau này, người ta quyết định xây thành nơi dạo chơi của dân chúng, nên họ xây rất cao, thêm 2 tầng nữa, tầng dưới bán cà phê cà pháo, tầng trên cùng kiểu sân thượng là nơi dạo chơi, nhìn xuống sông ở dưới rất đẹp. Nhạc mở vang vang bài Bến Thượng Hải với ca từ nghe dễ thương “loạn bánh, loạn lầu, màn lây thâu thấu…”. Nối 2 bờ là hàng chục đường hầm vượt sông, và hệ thống điện ngầm được xem là lớn nhất thế giới, giao nhau ở khu trung tâm kiểu đường Nguyễn Huệ, gọi là Lộ Nam Kinh (Nanjing Lu), hay quảng trường Nhân dân (People Square).

Ở Thượng Hải có 1 cây cầu rất độc đáo, tên là gì Tony quên. Cầu cao vô cùng, xe chạy trên đó nhìn xuống các con thuyền dưới sông Hoàng Phố như những con kiến, vì phải có độ tĩnh không lớn để mọi tàu bè có thể qua lại. Nhưng nếu xây cao như vậy, người ta sẽ phải làm đường dẫn mấy km rất bất tiện. Thế là 1 chú kỹ sư nghĩ ra chạy theo hình xoắn ốc ở 2 bên trụ cầu, thế là giải quyết được bài toán hóc búa tranh cãi mấy năm.

Thượng Hải có giá nhà mắc nhất Trung Quốc, một chung cư bình thường ở khu trung tâm phố Đông có giá khoảng 4000 USD/m2, nên người dân chủ yếu là thuê nhà. Nhưng bù lại, lương ở đây cũng cao nhất, vì đấy là thành phố quốc tế nhất của đại lục, là nơi đặt trụ sở của hầu hết các tập đoàn đa quốc gia để quản lý thị trường Trung Quốc. Nhân tài khắp nơi đổ về, không những giỏi mà còn phải đẹp. Nên vô mấy cao ốc, nhân viên các văn phòng bước ra, mình nhìn cứ tưởng người mẫu diễn viên, trai gái gì cũng cao ngất, trắng hồng, ăn vận soang trạng, nói tiếng Anh chứ hẻm có nói tiếng Việt.

Điều ấn tượng nhất của Tony với Thượng Hải lại là giáo dục. Đây là thành phố có chất lượng giáo dục tốt nhất Trung Quốc. Học sinh được dạy theo phong cách tự tin của học sinh Mỹ, lại có sự cần cù và khuyến khích của người Nhật. Trường Harvard của Tony cũng có chi nhánh ở đây, dạy các chương trình đào tạo kiểu tại chức. Có những quán cà phê rất hay gọi là English Lunch Cafe. Thay vì nghỉ trưa thông thường, các bạn có thể đăng ký một lớp tiếng Anh ở các quán cà phê này. Lớp bắt đầu từ 12h15 đến 13h15. Học viên sẽ được phát bánh mì, nước ngọt hay món ăn trưa gì đó đơn giản, vừa ăn vừa thực tập với thầy giáo. Lớp nào cũng đông nghẹt người học, vì dạy toàn là những thứ cụ thể để có thể làm việc, đủ mọi trình độ. Nên các bạn trẻ làm các công việc chân tay trong các tòa nhà như tài xế, mở cửa khách sạn, lau dọn,…đang làm cho sếp Tàu lương 3000 tệ/tháng chứ đâu 6 tháng sau thì chuyển qua làm cho sếp Tây, lương 1000 USD/tháng ngay. Còn 1 bạn trẻ tên Xia trong công ty đối tác của Tony, năm ngoái Tony sang thấy đang pha trà rót nước, hỏi tiếng Anh “what’s yr name” nghe không hiểu chỉ cười trừ, vậy mà bữa nay qua, sếp nó nói đang thay đồ đi Mỹ. Nó ăn trưa mà cũng tranh thủ học tiếng Anh dưới mấy quán cà phê nên giờ phải bố trí công việc khác, và bữa nay dắt đoàn khách hàng đi New York tham dự hội chợ. Các bạn trẻ ở Thượng Hải làm việc ầm ầm, vừa đi vừa chạy, nhưng ai cũng tranh thủ học tiếng Anh buổi trưa ở mấy English Lunch Cafe. Làm lụng vất cả cả năm, để dành tiền, dành phép, book vé máy bay cả năm trước nên giá vé rẻ xình, cùng nhau sang châu Âu ngắm mùa thu, đi Hawai tắm biển, qua Việt Nam tham quan Tony....cho đã con mắt.

Ai chịu học chịu làm mà cuộc đời chẳng phong lưu sung sướng…



Friday, September 5, 2014

Dặn dò các bạn phòng nhân sự

Dặn dò các bạn phòng nhân sự

Đợt tuyển dụng tới đây, lưu ý ứng viên phải thuộc cộng đồng văn hóa đọc. Văn hoá đọc ở đây là đọc sách chuyên môn, sách văn học, tin tức kinh tế xã hội...chứ không phải truyện tranh nhảm nhí hay mấy cái trang tin tức tụt quần cởi áo trên mạng.

Ở nước ngoài họ đào tạo sinh viên, bắt đọc 2-3 cuốn 1 tuần. Phải đọc rất nhanh, để sau này đi làm, giấy tờ công văn, đọc nhoay nhoáy để phúc đáp lại. Thể loại thấy chữ nhiều nhức mắt, thì thôi gửi nó cái “thank-you letter”. Nó đánh vần 1 công văn xong mất hết cả ngày, lọ mọ 1 ngày nữa mới trả lời lại được, thì năng suất lao động sẽ rất kém. 1 ngày ở công sở, hằng hà sa số thư từ email của đối tác, công văn của ban ngành, rồi tài liệu chuyên môn, cơ hội kinh doanh qua thông tin trên mạng…Thông tin sẽ đến ùn ùn, phải xử lý thật nhanh.

Tuyển sales cũng vậy. Cũng phải là bạn có văn hóa đọc. Biết chữ thì phải đọc chớ. Đọc sẽ làm cho người ta có 1 đẳng cấp hơn hẳn. Trong bàn nhậu, tiếp chuyện với khách, nhân viên bán hàng nào đọc nhiều thì cái gì cũng biết, góp chuyện đẩy cao trào lên, nhậu thấy vui. Ví dụ người ta bàn về truyện Tam Quốc, mình có đọc qua nên tham gia được, còn cũng có người miệng câm như hến kêu uống thì uống thôi chứ chẳng biết Nguỵ Diên là ai. May ra nói về mấy nhân vật trong truyện Kim Dung họ còn biết sơ sơ vì có coi phim, vì mấy truyện này có dựng thành phim. Vì có nhiều người chỉ thích coi phim chứ lười không chịu đọc, dù biết chữ. Phim ảnh nói chung không thể bằng sách trong việc bồi dưỡng óc thẩm mỹ cho chúng ta được. Vì làm biếng đọc nên ngôn ngữ nói cũng sẽ không có trơn tru. Đám này tiếp xúc khách hàng, họ chán vì kiến thức ít ỏi, 1 hồi không biết nói gì bèn nói lại cái cũ. Cái gì cũng không biết nên khách sẽ chê ngu. Gặp nhau 3 lần cũng mỗi chuyện đấy kể hoài.

Biết chữ mà không đọc thì đầu óc đơn giản. Đầu óc đơn giản thì sẽ làm lao động giản đơn. Xã hội chia 2 nhóm, lao động trí óc và lao động phổ thông. Lao động trí óc là có văn hóa đọc để tiếp nhận kiến thức không ngừng, nhóm này sau này làm chỉ huy, làm chủ. Do điều kiện không được đi học ngày nào nên không biết chữ đã đành, không trách họ, còn đám biết chữ nhưng lười đọc thì thẳng tay loại. Nó biết chữ mà làm biếng đọc, thì chuyên môn sẽ rất kém, vì tài liệu chuyên môn đâu có dựng thành phim hay clip cho mấy đứa nó coi được.

Mình cứ kiểm tra năng lực hết rồi mới tuyển, kể cả người quen gửi gắm vào, nhận hết, cho thi, thi đạt thì vô làm, không thì thôi. Trong vòng 30 phút phải đọc xong các bài thi, và trả lời tóm tắt ý chính. Bạn nào không quen mà đọc chậm, thì cho rớt, chứ vô làm việc kém, mọi người làm xong 10 việc nó mới xong 1 việc. Dù nó nói chỉ cần ăn lương 1/10 thì mình cũng không nhận, ngồi chật chỗ.

Dù ứng viên tốt nghiệp thạc sĩ tiến sĩ mà đọc chậm quá, mình có thể bố trí vô nhóm lao động phổ thông ở dưới xưởng. Không chịu nhìn chữ thì cho nhìn máy móc và sản phẩm, bưng bê khuân vác. Không chịu nữa thì gia nhập đội quân thất nghiệp ngoài kia, về cho cha mẹ nó nuôi tiếp.

Chứ tuyệt đối không cho thể loại lười đọc làm văn phòng hay chỉ huy nhé. Tốt nghiệp đại học mà tranh làm công nhân với các bạn do điều kiện mà không được đến trường ngày nào, tranh việc với các bạn không biết chữ thì ác quá...



Xe buýt số 35

Xe buýt số 35

Hôm bữa có một ông khách người Hà Lan đến văn phòng Phượng Tím làm việc, xong ổng ra sân bay về nước. Tony nói thôi để tao đưa mày đi, hãng tao có xe hơi. Ổng phẩy tay nói khỏi, tao đón xe buýt số 35 đến chợ Bến Thành rồi đón số 152 lên sân bay. Tony nói ối trời, tao sống ở đây 20 năm mà thú thật không biết xe buýt thế nào. Thói quen đi xe máy ăn sâu vào tiềm thức, quen từ phòng khách phóng ra đường và từ đường phóng vào phòng khách. Làm biếng đi bộ nữa, nên lưng cứ gù gù, kiểu ngồi cầm tay lái xe máy cả ngày, không thẳng thớn lên được.

Cái nói, thôi để tao đi với mày cho biết. Tuyến xe buýt số 35 là tuyến vòng quanh quận 1, xe mới sạch sẽ, máy lạnh mát rượi như xe buýt bên Singapore. Nói mới nhớ, lần đầu đi Singapore năm 2000, cũng bày đặt chảnh chọe đi taxi, mới có 2 ngày đã quất mấy trăm đô. Mà đón taxi ở nước phát triển rất mệt, nó không được phép thấy khách vẫy là tấp vào đón như ở ta. Thường 1 con đường sẽ có bố trí 1 chỗ đón taxi, xếp hàng, ai đến trước thì ưu tiên đi trước. Cái này bên mình phải áp dụng, đầu tiên mọi người không quen sẽ phản đối, nhưng đó là văn minh, không thể khác được. Sau 2 ngày hoang phí, ngày thứ 3, túi tiền buộc Tony phải nghiên cứu hệ thống xe buýt và tàu điện ngầm của họ để đi. Xe số mấy, tới đâu nối tuyến…là điều bắt buộc mỗi cư dân đô thị phải biết khi sống ở thành phố lớn. Như ở Seoul hay Tokyo, đi xe riêng cũng được, nhưng tiền đậu xe rất mắc. Cứ đậu xe ở dưới mấy cao ốc, 5 USD/h thì thôi, chỉ có nhóm nhà cực giàu mới đi, còn lại đi xe buýt hay tàu điện ráo trọi.

Cái bữa đó lên xe số 35, nó vòng quanh hết các điểm nổi tiếng ở quận 1, rồi lên tới chợ Bến Thành thì xuống, nối tuyến 152 đến sân bay. Thế là mất 45 phút, mất 10,000 đồng đã đến sân bay, sạch sẽ, văn minh, an toàn, không sợ mưa sợ nắng, ngồi trên đó đọc sách, nghe nhạc, thiệt là thích thú. Vừa đeo tai nghe, coi iphone không sợ bị giật.

Sau bữa đó, Tony đi đâu cũng lấy xe buýt đi. Đặc biệt tuyến 35, cứ từ Vp Tony ở Nguyễn Huệ, đi ăn trưa ở dưới Nguyễn Văn Cừ hay lên Hai Bà Trưng uống cà phê, Tony đều đi xe buýt cả. Chủ nhật cũng vậy, dắt theo 5 đứa cháu thiếu nhi, cho nó đi vòng quanh, xuống Chợ Bến Thành, ghé dinh Độc Lập, ghé Vincom ăn trưa, ghé Sở Thú…rồi về. Chi phí chả có bao nhiêu mà lại An toàn, sạch sẽ. Xe chạy từ 5h30 sáng đến 8h tối, nên cũng thoải mái.

Lúc ngồi trên xe có kể với anh bạn Hà Lan về thói quen đi xe máy ở Việt Nam, ảnh nói có một câu mà Tony nhớ miết. Ảnh nói là cái gì bất tiện cho từng cá nhân, người ta sẽ phản đối. Nhưng luật lệ phải quyết liệt, miễn là luật lệ ấy tốt cho cộng đồng. Người ta sẽ lấy n lý do đưa ra, nhưng tao có thể khẳng định, nếu muốn đi từ A đến B, người ta sẽ tìm cách đi cho được. Vượt núi băng sông, không có đường người ta còn tự tạo ra con đường để đi nữa là. Huống hồ mình đang ở thành phố.

Nếu bạn đang làm việc ở quận 1, bạn thử dùng xe buýt số 35 một lần đi. Bạn sẽ thấy 1 gương mặt thanh tú đang ngồi nghe nhạc phía sau xe, that’s me, Tony.



Thursday, September 4, 2014

Bầy sâm cầm nhỏ

Bầy sâm cầm nhỏ

Chắc ai cũng từng nghe bài "Nhớ Mùa Thu Hà Nội" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong bài hát có hình ảnh Hồ Tây nên thơ sóng vỗ bờ xao xác, cây cơm nguội vàng, gió heo may lành lạnh. Và "bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời" là 1 hình ảnh vô cùng đẹp.

Cầm là họ chim lông vũ. Gia cầm tức họ gà vịt nuôi tại nhà. Thủy cầm là các loại 2 chân có thể bơi dưới nước như vịt, le le, ngỗng, ngan, thiên nga. Sâm cầm sống ở bán đảo Triều Tiên, tức Bắc Hàn và Hàn Quốc, giống con vịt nước nhưng lông đen tuyền, mỏ trắng. Nó ăn nhân sâm mọc tự nhiên trên núi nên người ta gọi là Sâm Cầm. Người Hàn ăn sâm nhiều nên da dẻ hồng hào, đẹp trai đẹp gái. Sâm ở Hàn quốc có hai loại, một là loại cao cấp, trồng trong điều kiện khắc nghiệt để thu được sâm có tinh chất cao, dùng để chế biến dược phẩm, mỹ phẩm, rất đắt tiền. Hai là loại trồng như rau, vài ba tháng là thu hoạch, dùng hàng ngày. Lúc Tony ở Seoul, sáng nào cũng ghé bà bán cháo trong hẻm gần nhà trọ, đâu khoảng 7000 won 1 tô, có nửa con gà và mấy củ sâm. Ăn đâu 1 tháng thì trời ơi, da trắng như bông bưởi. Đẹp trai quá nên đi đâu ai cũng ngoái nhìn, suýt mấy lần bị trục xuất, nên Tony ra đường phải quẹt nhọ nồi cho xấu bớt. Ăn nói, thay vì lưu loát dí dỏm thông tuệ như mọi khi, Tony cũng nỗ lực nói vấp lên vấp xuống để bớt sự thu hút. Đẹp và giỏi, đôi khi cũng là rào cản lớn để “hòa nhập mà không hòa tan”.

Quay lại chuyện con sâm cầm, nói lan man quá. Túm lại là Tony và con Sâm Cầm đó giống nhau ở chỗ là đều ăn sâm Triều Tiên. Con kia bay được còn Tony hẻm bay được. Vì ăn sâm nên con này rất khỏe, bay cả ngàn dặm không cần nghỉ mệt. Thịt da của nó, kể cả lông mao lông vũ, đều dùng làm thuốc ( lưu ý tuyệt đối không được so sánh vụ lông mao lông vũ giữa con Sâm Cầm và Tony).

Mùa đông ở Hàn Quốc bắt đầu từ đầu tháng 12 và kéo dài đến hết tháng 3. Lúc này, trời lạnh lẽo, âm cả chục độ, tuyết hay băng giá trắng xóa, phủ hết
trên các đồi núi. Hết sâm để ăn, sâm cầm nên bèn bay về phương nam tránh rét. Bay đi trú đông cũng là tập tục của các loài chim xứ lạnh.

Ở bắc bán cầu là mùa đông thì ở nam bán cầu như Úc, New Zealand lại là mùa ấm do trái đất nghiêng 23.5 độ. Chết, lan man qua môn địa lý rồi, mày giỏi quá Tony à, cái chi cũng biết, thôi thôi tập trung miêu tả môn sinh vật đi. Đàn sâm cầm bay theo hình chữ V, con đầu đàn bay trước, một bầy vỗ cánh theo sau, để hạn chế lực cản của không khí, bay chung với ngỗng trời và nhiều loại chim khác nữa. Bay qua các tỉnh Trung Quốc như Hắc Long Giang, Liêu Ninh, xuống Bắc Kinh, Hà Bắc, Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Tây rồi đến Việt Nam. Đàn sâm cầm quyết định chuyển tải ( transit) ở Hồ Tây giống sân bay trung chuyển, vì đã được 1/2 đoạn đường rồi.

Cả ngàn năm nay, nó cứ thế mà đi. Một lộ trình. Xuống Hồ Tây tắm táp, uống sương đọng trên những búp sen, ăn thêm mấy thảo dược mọc ven hồ, rồi tiếp tục cất cánh về phương Nam, bay qua miền Trung, qua Sài Gòn, Cà Mau, Singapore, Indo rồi tới Úc, New Zealand. Hết mùa đông, đàn sâm cầm lại bay theo chiều ngược lại.

Các đời vua Việt Nam biết con này bổ dưỡng, nên yêu cầu quan chức trấn Tây Hồ bắt dâng vua. Tuy nhiên, chỉ được bắt vài cặp/năm. Ai bắt nhiều hơn sẽ bị chém. Coi như thu lệ phí trung chuyển. Sau khi súng săn và đại gia ra đời, sâm cầm vừa sà xuống Hồ Tây thì bị giăng lưới, súng săn...nã vào đầu nên ngơ ngác, con đầu đàn vừa bay vừa đếm, nói ủa sao xuống thì 100 mà bay lên chỉ còn vài con vậy? Bọn chúng sao biết được, ở đất nước này, có cái gọi là đại gia làm kinh tế giỏi. Có tiền mà không có nền tảng văn hóa, nên thú nuôi như chó mèo, thú hoang như rắn rùa chim chóc đều nuốt hết vào mồm. Máu con nào cũng mát với hủ tục tiết canh hết sức man rợ.

Có lần Tony nhậu với 1 đại gia ngân hàng kia ở Hà Nội, giàu có lắm nên chỉ ăn động vật hoang dã. Con gì cũng phải mổ bụng trước mặt để ông ấy nuốt quả tim còn đang đập thình thịch, thích thú thấy hình ảnh con vật quằn quại nhỏ hết máu của mình vào ly rượu, từ từ nhắm mắt ngoẹo đầu, trút hơi thở cuối cùng trước ánh mắt hau háu của ông. Có khi, máu tươi còn vương trên râu, vài giọt đỏ hồng trên ngực áo sơ mi trắng. Ông nói, nếu không uống máu tươi mấy con này, ông không thể giao cấu được với cả chục cô bồ. Quần thể quần xã sinh học trong tự nhiên bị mất cân bằng chỉ để phục vụ nhu cầu tình dục của vài người có tiền có của như ông. Rồi có 1 đại gia buôn gỗ giàu có nọ ở Bình Dương mà Tony quen, cũng chỉ đạo các đàn em từ Lào và Cambuchia, cứ bắt được hổ Đông Dương thì giết chết con mẹ, đem hết con con về cho ổng nuôi. Ông xây 1 cái hầm lớn, nhốt toàn bộ hổ con dưới đó, ngày 3 cữ cho ăn cháo cám như chăn nuôi lợn. Tăng trọng đúng 1 tạ rưỡi là xẻ thịt nấu cao. Rồi có 3 đại gia là đồng chủ sở hữu 1 công ty nông nghiệp lớn ở miền Tây, chẳng ăn gì ngoài óc khỉ vì nghe đồn sẽ trường thọ như mấy hoàng đế Trung Hoa. Cột tay cột chân con khỉ đứng dưới bàn ăn có khoét lỗ ở giữa, vạt đầu rồi vắt chanh vào, rắc muối vào, cứ mỗi thìa múc vào não con khỉ và đưa vào mồm, nó kêu éc éc và 3 đại gia ấy cụng ly khí thế.

Nhìn các ông ấy đem thú hoang về sở hữu riêng của mình hay vặt lông ăn thịt uống máu tươi cho bổ, Tony cứ ngỡ mình đang trở về thuở hồng hoang mông muội của loài người, khi chúng ta chưa biết mặc quần áo và chưa phát minh ra lửa.

Trở lại chuyện con sâm cầm. Bị săn bắn kinh khủng quá, chết gần hết thì cũng khôn ra. Đàn sâm cầm bữa nay quyết định transit ở một địa điểm mới ở Lai Châu. Tony biết, mà hổng nói. Sợ tuyệt chủng.

Chiều nay lòng buồn, Tony bèn thay đồ đi Hồ Tây vãn cảnh. Vẫn còn đó những con sóng lao xao vỗ bờ tím ngắt. Vẫn còn đó chùa Trấn Quốc uy nghi tháp cổ mặc trầm. Vẫn còn đó đường Thanh Niên và bến Cổ Ngư dìu dặt nam thanh nữ tú.

Nhưng không còn nữa, ‘bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời”



Wednesday, September 3, 2014

Chuyện cái vali

Chuyện cái vali

Hồi đó công ty mới mở, tuyển được 2 đứa nhân viên, 1 đứa làm 1 bán thời gian, đứa kia là sinh viên thực tập. Vì công ty nhỏ nên mình làm sếp cũng chạy chiếc wave alpha màu đỏ chói chang, có lần đi nhậu về cầu Thị Nghè té trầy xước hết. Đâu có tiền nên rào tấm ván ép thành cái phòng cho Tony ở trọ phía sau, công ty làm phía trước, có máy lạnh nhưng hẻm dám bật, nóng thấy bà.

Một buổi sáng, thằng bán thời gian vào làm và nghe điện thoại. Đầu dây bên kia muốn gặp Tony để bàn thảo 1 cái hợp đồng, nó nói " dạ chút chị gọi lại chứ Tony đang ngủ nướng giờ chưa dậy". Trời ơi, mình nằm trong phòng mà muốn ra dzộng nó 1 cái quá, vì đang mặc quần đùi và chưa quánh răng rửa mặt chứ không thì toi mày rồi nha con. Sau đó thì mình dặn là bữa sau ai gọi, thì phải "good morning, may I help you" trước, sau đó nói khéo là Tony đi ra ngoài, vui lòng để lại tin nhắn. Bữa sau ông già ( trong miền nam, gọi ba là ông già là cách gọi thân thương) dưới quê lên thăm, ở bến xe miền Đông, gọi điện ra đón. Tony cũng đang ngủ. Nó nghe điện thoại cũng nói khéo là " Good morning, what can I do for you sir? A, Mr Tony hả? Yes yes no no ... ". Nói xong ông già ú ớ sợ hãi cúp máy liền vì nghĩ gọi nhầm vào đại sứ quán Mỹ (trước 75 ông có biết tiếng Anh chút chút).

Ông lấy giấy ra, cẩn thận bấm số gọi lại, nói " bác muốn gặp thằng Tèo, nó lên Sài Gòn thành Tony đó, bác muốn gặp nó nói chuyện chút. Nó đang đâu, bác là..." Chưa kịp nói thì bị nó mắng sa sả " yêu cầu anh tôn trọng nội quy công ty chúng tôi, anh hãy để lại tin nhắn, chứ anh đừng nên hỏi về việc Tony đang làm gì nhé. Tony không cho nói đâu. Anh thông cảm". Nói rồi nó cúp máy và ghi vào sổ note "ngày ...tháng...một khách hàng nam gọi, yêu cầu gặp Tony, còn nói xúc phạm Tony là thằng Tèo nữa, mà lúc đó Tony đang ngủ nướng nên em kiên quyết không cho gặp và đã nói khéo với khách hàng là Tony đi vắng". Cuối tuần đọc cái weekly report của nó mà muốn quánh cho nó chết tươi.

2. Một buổi sáng nọ, khi ánh bình mình vừa ló dạng, và những tia nắng đầu tiên của 1 ngày mới xỏ xiên vào căn phòng Tony đang ngủ làm anh ấy bừng giấc. Anh ấy đã dậy rồi, nhưng 2 chân vẫn đang gác lên tường và vẫn chưa muốn ngồi dậy, trong đầu suy nghĩ là nên ăn sáng trước hay quánh răng trước rồi mới ăn sáng. Suy nghĩ mãi cả tiếng đồng hồ vẫn chưa xong việc hệ trọng này thì nghe tiếng lạo xạo bước chân của 2 cậu nhân viên vào làm. Tony nghe ngóng thử chúng nó nói gì. Một thằng bảo " Chắc ổng còn ngủ nướng chưa dậy". Thằng kia nói "chắc đi ăn sáng rồi ấy chứ đâu thấy đôi dép đâu". "À, mà sao em thấy sếp mấy công ty khác hay đi nước ngoài công tác, mà sếp mình mấy tháng nay kể từ lúc em vào làm tới giờ chả thấy đi đâu". Thằng kia phụ họa " ừa sao lạ quá nhỉ, chả thấy đi đâu. Hay là ổng hổng có tiền".Thằng kia cãi, "ổng là sếp mà sao không có tiền mậy"....

Mình nằm nghe 2 thằng nói qua nói lại mà lòng buồn vô hạn. Rồi tao sẽ cho chúng bay biết tay. Nhưng giờ thì đi đâu? Quyển hộ chiếu còn còn mới cáu cạnh nhưng sắp hết hạn. Mà tiền đâu mà đi? Không đi thì bọn nhân viên nó khinh ra mặt, cứ chằm dầm cái mặt ở cty mãi hắc ám chúng nó không được lên mạng chơi game hay chát với thỏ ngọc mắt nâu hay đọc tin nhảm nhí .Cuối cùng Tony cũng book được 1 tour du lịch đi ngoại quốc, đi chơi chứ chả có công sự gì, nhưng giả bộ nói đi công tác.

Tin đồn Tony đi công tác ngoại quốc làm chộn rộn cả công ty. 2 đứa nhân viên làm gì cũng khoe, gọi điện thoại phấp phới với khách hàng "anh ơi, chị ơi fax hợp đồng lại liền cho bên em ký đi chứ không là ảnh đi ngoại quốc, không ai ký à nha". Trên bảng treo tường tụi nó ghi chi chít lịch làm việc, nhưng cũng chỉ có 1 nội dung là "ngày ...tháng...Tony đi công tác ngoại quốc". Ngày đi, bọn nó náo loạn cả lên. Đứa thì mang đến áo len, áo ấm, khăn quấn cổ, đứa thì đem thuốc ỉa chảy đau bụng nói cho anh coi chừng ăn đồ Tây hổng quen, chộp ruột ỉa chảy chết à. Tony đi có 3 ngày nhưng tụi nó chuỳnh bay ( tức chuẩn bị- đang kể tự nhiên muốn chêm tiếng Tàu vô khoe mọi người biết mình biết nhiều ngoại ngữ) đến 3 cái vali nặng trịch, mở ra mới thấy ôi thôi đủ quần áo tắm các thể loại cho tắm bể, cho tắm hồ bơi nước ngọt nước mặn, lướt sóng lướt bè...rồi thời trang thu đông, xuân hè, công sở, dạ hội...Dồn vào cả 3 cái vali to đùng.

Tony đòi đi taxi mà tụi nó hẻm cho, nói để em chở anh đi bằng xe máy cho đỡ tốn tiền, công ty mới mở mà anh. Đi một đoạn thấy tụi nó vun vút hướng Nguyễn Văn Trỗi, Tony bảo tụi mày chở tao đi đâu đấy. Bọn nó nói lên thẳng sân bay luôn đi anh, tụi em sẽ vẫy vẫy anh giống tiễn Việt Kiều vậy đó, rùi anh xoa đầu dặn dò tụi em ở nhà mạnh khỏe, chăm chỉ rồi anh gửi đô la Mỹ và dầu gió xanh về cho tụi em. Tụi em sẽ đứng ngoài nhìn vô miết khi nào anh lên cầu thang để ra máy bay thì thôi.

Tony nói "mấy đứa ngừng lại. Anh đi Campuchia mà, nên chở anh lên khu Đề Thám để bắt xe buýt qua bển". 2 đứa đồng thanh á lên một tiếng và 1 trong 2 đứa bất tỉnh nhân sự ( thằng này tiền sử bị máu loãng), khiến mọi người xúm lại giật lưng quần giật tóc mai 1 hồi nó mới tỉnh lại. Câu nói đầu tiên của nó sau khi tỉnh dậy là, "Tony à, sao anh làm tụi em ...hụt hẫng vậy?"



Tuesday, September 2, 2014

Tỉu sử của Tony

Tỉu sử của Tony

Ông Maslow đã vẽ ra cái tháp nhu cầu (Hierarchy of Need) của loài người. Đầu tiên là nhu cầu sinh lý ( ăn- ngủ - x - y), và cao nhất là nhu cầu tự thể hiện (Self Actualisation), tức nhu cầu khoe. Ông bà ta nói, tốt khoe, xấu che. Khoe chỉ diễn ra khi mình có mà xung quanh không có. Ai cũng đi xe đạp thì có chiếc Dream thì phải dựng trước nhà. Ai cũng rách rưới thì khi có chiếc áo mới, Tony sẽ mặc ra đứng đầu xóm cho cả làng bu lại coi. Xe hơi đắt đỏ như bây giờ thì nhiều cậu choai choai gọi là vợ hai, 4h sáng đã ngủ dậy lau chùi đứng nhìn vô đó miết. Trong từng giai đoạn thì người ta sẽ khoe khác nhau, mấy năm sau khi nhìn lại thấy buồn cười không chịu được. Nếu bạn để ý báo chí trong những năm đầu thập niên 90, thì phần quảng cáo xí nghiệp nào cũng có ông giám đốc ngồi trên bàn làm việc, đeo cà vạt, tay cầm cái điện thoại bàn. Tony còn giữ cái ảnh chụp lúc 10 tuổi, mang dép nhựa và 1 tay mở cái tủ lạnh nhà người bạn để chụp hình, ngồi coi sướng miết cả ngày.

Thật ra, đi nước ngoài mới thấy mấy ông Tây cũng khoe dã man. Họ khoe những hầm rượu mấy trăm năm. Họ khoe những cuốn sách quý họ đọc được trong thư viện. Họ khoe về những vùng đất họ đã đi qua, về những con người ở xứ sở tít mù nào đó họ đã đến khám chữa bệnh, dạy học hay cứu trợ. Dân Á thì lại khoe tiền bạc và danh vọng. Trừ Nhật Bản là ít khoe, mấy nước nghèo mới nổi lên khoe ác chiến lắm. Dân Trung Quốc, Indo, Thái Lan...., ở đâu người ta cũng khoe xe Ben Lây Lé Xệt Lam Bo Ghi Ni. Ở Hà Nội, gặp đại gia là trước sau gì cũng nghe “con xe” này con xe kia, biệt thự Trung Hòa Nhân Chính, đơn lập Hồ Tây. Đại gia miền Tây thì thôi đeo vàng từ trên xuống dưới, nhà có nhiêu vàng lôi ra phủ hết trên người. Rồi nhiều buổi họp lớp thực chất là dịp gặp nhau để khoe. Ai có gì khoe nấy, chủ yếu là của cải tài sản hay con cái học trường điểm trường chuyên hay 1 trường danh tiếng nào đó ở bển. Chân dài + đại gia => đám cưới siêu xe, rước dâu dài cả phố, càng dài càng được xã hội nể.

Hòa trong không khí ấy, tối qua Tony thức cả đêm để quyết định khoe gì. Biệt thự chăng. Xe hơi chăng. Thường quá. Hay khoe cái quần lót 2 tỷ ? Cũng thường quá. Thôi mình khoe bằng cấp đi, những tấm bằng mà mình đã sưu tập, mua bán, năn nỉ, đạo văn, quay cóp...tức hẻm có cái liêm sỉ nào mà mình không từ bỏ để có được.

Thế là cả đêm thực hiện chiến dịch truy tìm bằng cấp. Đầu tiên là bằng bé khỏe bé ngoan, rồi bằng tiểu học, bằng cấp 2 cấp 3 đại học thạc sĩ tiến sĩ...ồ ạt được lau bụi ép nhựa, ngày mai sẽ photo dán đầy nhà, đầy công ty, tặng các đối tác. Trường cấp 3 bình thường sẽ được sửa thành trường chuyên nghe cho oách, nhưng đừng hỏi chuyên gì nghen. Bằng đại học tại chức chuyên tu liên thông sẽ sửa thành hệ chính quy tập trung dài hạn, lớp cử nhân tài năng. Các bằng thạc sĩ tiến sĩ mua mấy ngàn đô từ nước ngoài nữa. Cũng đừng có nói nước ta không ai là doanh nhân nhé vì Tony đã nộp mấy triệu đăng ký vào câu lạc bộ doanh nhân rồi.

Hôm bữa đi từ thiện cho trại mồ côi nọ, sợ mấy bà sơ và các cháu ấy quên ơn nên Tony có bắt ký xác nhận, và có bằng khen của xã nè. Đi từ thiện là phải có báo chí truyền hình đi theo quay lên mới đi, thay vì tiền quảng cáo mấy chục triệu mà lên sóng được có mấy giây, tính ra thông qua chương trình từ thiện vẫn hiệu quả. Có lần Tony đưa tiền mà mấy “ hoàn cảnh đáng thương” cứ thấy máy quay phim lia tới mặt là cười, thế là cậu quay phim tới tát 2 bạt tai, thế là “hoàn cảnh đáng thương” ấy khóc liền. Lúc đó chụp hình quay phim lật đật nhào vô, ghi rõ “ cảnh xúc động của người nghèo khi nhận tiền từ thiện từ doanh nhân Tony Trần Văn Tèo”. Thấy tụi nó khóc mà Tony vui sướng gì đâu. Vô thăm bệnh nhân cũng giả đò ngồi xuống nắm tay nắm chân, mắt không rời ống kính quay phim, xức dầu nước mắt ràn rụa. Nó mà hết quay là phủi tay đứng dậy liền, sợ lây bệnh thấy mẹ.

Đang hý hửng “chương trình khoe xin được phép tiếp tục” thì đọc tin sét đánh. Người ta nói mày học vậy thì có giàu có là bình thường. Phải ngược lại. Không học gì mà làm được người ta mới nể. Bắt chước ông gì xuất bản cuốn " Từ cậu bé chăn trâu mồ côi thành tổng giám đốc" hem? Nghe đồn bữa ra mắt cuốn sách này, ông ấy đã nhốt cha mẹ trong nhà trước đó mấy ngày liền. Không phải bất hiếu mà là sợ báo chí phát hiện có cha có mẹ, hết nể. Hoặc phải nói bỏ học nửa chừng, bỏ càng sớm càng tốt.

Bèn đốt hết bằng cấp. Lý lịch cuối cùng của Tony: lớp 3 nghỉ học ở nhà chăn trâu, chăn được 2 năm thì đi ở đợ, 2 năm sau bị chủ nhà quánh dữ quá, sợ bị quánh chết nên đi lên Sài gòn bốc vác, được mấy năm thì bốc không nổi nữa nên đi biên giới Lạng Sơn làm đấm bóp, sau đó đi Mỹ diện con nai (con lai), thành Việt Kiều. Về nước mở hãng phân Phượng Tím, chuẩn bị mua lại chợ Bến Thành sơn sửa lại thành trung tâm thương mại Tony Plaza chỉ để bán phân và cá mắm giải trí cho vui. Nói thêm, Phượng Tím là tập đoàn đa quốc gia khổng lồ có tới ....2 nhân viên, trình độ như chủ. Trụ sở đặt đâu ta? Thôi quận 1 đi cho nó trung tâm.

Lao tâm khổ trí, vật vã mãi chỉ để người đời nó nể, để được nổi tiếng chút thôi mà.

Nể giùm tui cái....
( Hình minh họa: Biệt thự, xiêu se và quần đùi đỏ của Tony)



Công thức nấu cháo sò huyết Sohu de Tony

Công thức nấu cháo sò huyết Sohu de Tony

Có lần đi ăn ốc, chị bán nói dạo này ế quá nên khóc. Tony bèn thương tình, chỉ cho bí quyết nấu cháo sò huyết. Tháng sau quay lại, chị nói dạo này khách đông lắm em, khách ăn khen quá trời, chị ăn mà thấy ngon như trên đời chưa có món cháo nào ngon hơn. Chị tiếp tục bán như vầy là mua nhà ở thành phố được. Nên hướng dẫn các bạn nấu món này nhé.

Các bạn mua sò huyết, lựa con lớn lớn chút. Đem về rửa sạch và chà cái vỏ bên ngoài cho trắng. Dùng cái bàn chải đánh răng chà sạch và ngâm vào nước muối pha loãng trong 26 phút để diệt vi khuẩn. Sau đó đem trụng qua nước sôi để tách ra, lấy thịt và dịch màu đỏ bên trong, để vào 1 cái tô riêng. Nhớ là sò huyết còn sống sẽ không tách được vỏ nên các bạn phải trụng qua nước sôi. Nhưng chớ để lâu trong nước sôi, nó sẽ bị teo lại và hết ngon.

Giờ tới phần cháo. Mình lấy gạo và đậu xanh (đậu xanh nguyên hạt) rang lên. Rang đảo đều sao cho hạt gạo chuyển sang màu trắng đục và có mùi thơm. Đậu xanh cũng rang chung luôn và sau đó bỏ vào nồi cơm điện, đổ nước dùng vào và bấm nấu cơm. Nhớ nước dùng để nấu cháo phải cao gấp 4,5 lần lượng gạo và đậu (nấu cơm chỉ cần cao hơn 1 lóng tay). Chờ sôi thì rút điện ra, đợi 15 phút lại cắm điện vào, sôi lại rút ra. 4 lần như vậy (khoảng 60p) là cháo sẽ chín do áp suất trong nồi cơm điện, giảm 1/3 thời gian nấu cháo nếu nấu kiểu thông thường.

Nước dùng để nấu cháo dùng nước lạnh cũng được, nhưng nếu dùng nước xương heo thì sẽ ngọt hơn. Xương heo mua về, rửa sạch, nấu nước vừa sôi thì đổ bỏ nước đầu, sau đó ninh lại khoảng 5h nữa (nếu ninh trong nồi cơm điện kiểu sôi thì rút thì chỉ cần 1h32 phút). Dùng nước này nấu cháo sẽ rất ngon và ngọt. Nếu bạn nào không thích ăn bột ngọt(mì chính) thì có thể sử dụng cách làm ngọt của người Nhật là mua củ cải trắng về, đem nướng chín rồi gọt vỏ, ninh chung với xương heo. Nhớ phải nướng củ cải sẽ có phản ứng hoá học tạo ra hợp chất Natri Glutamate, mới ngọt và không hăng cho nước dùng. Các bạn có thể dùng cái này để nấu canh hay nấu các món súp mà không cần phải dùng bột nêm.

Khi cháo chín, nấu cho sôi trở lại, nên muối ăn sao cho vừa miệng, thêm chút xíu bột nêm hoặc 1/2 muỗng cà phê đường để cháo thiệt ngon. Mình xếp sò huyết ở dưới đáy tô với tiêu, hành ngò, rau răm rồi chan cháo đang nóng lên. Khi ăn trộn đều lên, dùng chung với cải xanh xắt nhỏ hoặc rau đắng hoặc rau xanh gì có vị đắng đều được.

Nói dài dòng vậy thôi chứ nấu đơn giản lắm. Chúc các bạn có 1 nồi cháo thiệt ngon và bổ dưỡng đãi gia đình bạn bè.



Monday, September 1, 2014

Hạc giùm tui cái...

Hạc giùm tui cái...

Mấy bữa nay Villa de Tony nhận nhiều người bà con dưới quê lên, chủ yếu là tư vấn cho cháu nó hạc cái ngành gì. Anh chị em họ hàng của Tony bắt đầu có con đang hạc cấp 3, thời gian chọn trường ĐH rồi, nên việc định hướng rất gấp. Mấy bữa nay họ lại nghe nói gộp chung 2 kỳ thi tú tài và đại hạc với nhau nữa, nên hết sức hoang mang.

Tony thì làm biếng trả lời mấy câu hỏi như vậy. Ai hỏi thì cứ bắt hỏi cháu nó xem nó thích cái chi thì hạc. Nhưng mấy anh mấy chị ngồi khóc, nói lặn lội lên Tp hỏi em, em thông thạo mọi thứ thì chỉ giùm, chứ em trả lời vậy chắc anh chị không ngủ được. Anh chị nói, hạc sinh bây giờ khộ lắm, 18 tuổi chứ không biết mình thích ngành gì đâu. Không đứa nào biết mình có thế mạnh gì, chỉ biết ngồi giải toán lý hoá ào ào vậy chứ cũng không hiểu bản chất của việc tính số mol hay vẽ đồ thị để làm gì cả. Nên trừ một số bạn giỏi giang thông tuệ cá tính, còn lại là theo ý mẹ ý cha. Như thằng Tèo con chị Bảy Hiếu, chị ấy thích có đứa con làm kỹ sư điện tử, thế là ép luyện toán lý hoá từ lớp 10, môn khác bỏ qua nên nó cũng đậu và tốt nghiệp được ĐH công nghiệp, nhưng ra trường là bỏ nghề vì sợ điện giật. Hạc lệch từ 15 tuổi nên nói chuyện với nó chán òm, Việt Nam nằm ở bán cầu bắc hay bán cầu nam cũng không biết, trải dài từ vĩ độ bao nhiêu đến bao nhiêu cũng không rành, bay từ Việt Nam sang Anh phải qua không phận những nước nào, nhà Lý trước hay sau nhà Nguyễn nó nói thôi chịu...

Như thằng Tí con chị Hai Bình, chị họ của Tony, chuẩn bị năm sau là tốt nghiệp bác sĩ. Nó được anh chị đầu tư luyện toán hoá sinh riêng tháng nào cũng 3 triệu từ năm lớp 10 nên thi đậu vô ĐH Y khoa. Nó lại mắt cận nặng, tay chân quều quào, cầm dao kéo mổ xẻ chẳng ra làm sao vì nó không lao động chân tay, cầm dao gọt quả xoài cũng không được. Nhưng trường Y cứ 26 điểm là nhận, và thực ra cũng có cái kiểm tra sức khoẻ sơ sài trước khi nhập hạc, nhưng không ai biết nó thấy máu là sợ. Nếu nó tốt nghiệp và làm bác sĩ, giỏi lắm thì chỉ ở mức "hoàn thành công việc" chứ không có thăng hoa hay xuất sắc được, vì trời sinh ra nó không phải làm thầy thuốc. Hồi 18 tuổi, nó cũng không biết thích cái gì, đến khi gần lúc tốt nghiệp ĐH thì mới biết nên nói con biết vậy ngày xưa con thi kinh tế, giờ con chữa cháy bằng cách con sẽ đi làm trình dược viên bán thuốc tây cho mấy hãng dược phẩm.

Thằng Tí thằng Tèo chỉ là 2 trong n đứa 17,18 tuổi hoang mang trước ngã rẽ hạc cái gì để bước vào đời đây. Cả cha mẹ, thầy cô cũng đau đầu, và cứu cánh của họ duy nhất là xem ngành nào có thể có việc làm sau khi tốt nghiệp. Hoá ra, như vậy, việc hạc, việc chọn nghề là căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng lao động chứ không phải từ thực tế của mỗi cá nhân người hạc. Điều này vô cùng nguy hiểm vì nhu cầu sẽ thay đổi sau thời gian, ví dụ năm 2008 nếu chọn thị trường chứng khoán mà hạc thì nghĩ sẽ có việc làm ngon, nhưng năm 2012 tốt nghiệp thì mới biết là ngành này hẻm có ai có nhu cầu nhận nhân viên mới nữa...

Vậy giải pháp là cái gì? Tony thì may mắn đi nhiều, Trung Quốc, Hàn, Thái, Indo, Mã Lai, Philppines, châu Âu, Châu Mỹ....nên thấy có một số cái có thể chia sẻ với các anh chị, hy vọng là anh chị sẽ giúp các cháu chọn ngành thật tốt. Còn một số anh chị cũng nói thôi thấy "con người ta" thất nghiệp quá trời, nên anh chị thôi cũng không cho nó hạc nữa, cho đi làm luôn. Tony ngạc nhiên vô cùng, vì thể loại 18 tuổi mà có thể đi làm, nó sẽ không để cha mẹ nó quyết định việc có hạc nữa hay không. Còn thể loại 18 tuổi mà không biết mình thích gì, không biết mình đam mê gì, có thế mạnh và điểm yếu gì, thì thôi đi hạc giùm tui cái. Nhà quá nghèo không có tiền, hoặc khả năng hạc không nổi (tức thi rớt), số còn lại thì có đậu đại hạc thì đi hạc giùm. Hạc theo hướng hiểu vấn để để có thể ứng dụng chứ không phải điểm số hay cái bằng. 4 năm sau, may ra đầu óc mới trưởng thành, mới biết mình muốn gì, thì cũng có cái trình ra cho người ta biết là mình cũng có được đào tạo (còn tiếp).



Popular Posts

Blog Archive

Powered by Blogger.