Saturday, October 25, 2014

Kiếm tiền, sáng tạo chịu khó mới kiếm được

Hôm qua có 30 phút online, mà mấy cái message xin tiền để làm từ thiện của các bạn trẻ. Tâm của bạn rất tốt, nhưng muốn có tiền thì có khó gì. Tại sao không tổ chức làm kiếm tiền để tạo quỹ hỗ trợ khởi nghiệp như clb con dượng? Khi muốn lập quỹ, Tony không cho phép đi quyên góp ủng hộ gì cả, mà bắt phải tổ chức sản xuất kinh doanh tự kiếm tiền, chứ xin xỏ chi cho mệt. Ai đưa cũng không lấy, bạn gì ở Canada mua có 50 cuốn sách mà gửi tới 170 USD, Tony bắt trả lại. Bạn không lấy nên chuyển sang gửi các bạn trẻ đảo Phú Quý.

Dù là tiền từ thiện, tiền tự mần mới đáng quý. Các bạn thấy nông sản bị đổ bỏ cho bò ăn ở Đà Lạt, đã mang về và chở đi bán khắp nơi, kiếm tiền. Sáng thứ 7 các bạn chạy lên vùng sản xuất, sáng chủ nhật tổ chức bán, thứ 2 đi học đi làm bình thường. Cuối tuần làm việc ý nghĩa cho cộng đồng, mà còn có chút ít tiền để làm từ thiện theo ý mình nữa. Chứ ngủ rồi cà phê cả ngày làm chi. Tuổi trẻ vô vị quá.

Ở tỉnh cũng được, như ở Nha Trang cũng có nhóm sinh viên đi Cam Ranh mua xoài về bán ở đường Trần Phú khi xoài đổ đống, nghe lời Tony nên sau mùa xoài mỗi bạn cũng kiếm cả chục triệu, trong khi nông dân Cam Lâm thì biết ơn rối rít. Ở Vinh mua cam Vinh gửi xe ra bạn ở Hà Nội bán, đi làng nghề lấy hàng về tiếp thị ở phố Tây. Biết tiếng Anh mà, sao không làm thêm vào cuối tuần? Sáng tạo lên.

Học sinh thì nhà nghèo học giỏi còn ủng hộ, vì các bạn nhỏ hơn 18 tuổi, lại ở các vùng xa xôi chưa có điều kiện làm thêm. Còn sinh viên nghèo học giỏi gì đó, nghe dị ứng quá. Học giỏi, chuyên học không thì làm công trình khoa học, giải này giải kia cũng kiếm được tiền. Còn không thì tự đi mần thêm đi nhé, bỏ công bó trí ra mà kiếm tiền. Sinh viên toàn ở các thành phố, thị xã cả, bao nhiêu cơ hội. Như nhóm Sinh Viên ĐH Trà Vinh, ở đó 3 năm chưa nghe con chù ụ, thấy Tony giới thiệu nên mới xuống huyện Duyên Hải mua về bỏ mối ở thị xã, giờ đứa nào cũng sắm được xe máy cả.

Các bạn coi lịch làm việc của CLB con dượng tối qua, có nhóm làm lúc 0h, có nhóm lúc 2h sáng, và 6h30 sáng nay là tập trung các điểm để bán rồi. Tuổi trẻ phải giỏi giang và chịu khó như vậy mới được chứ sao cũng ăn ba bữa mà mình bất tài vô dụng vậy. 18 tuổi rồi, trưởng thành rồi. Như con hổ trong rừng, đủ lông đủ cánh là tự kiếm mồi chứ sao nằm chờ hổ mẹ săn về cho ăn? Mình lớn rồi, một ngày mình ăn sáng 20 ngàn, ăn trưa 20 ngàn, ăn tối 20 ngàn, vị chi một ngày tiêu dùng của xã hội 60 ngàn thì phải kiếm tiền ít nhất 60 ngàn để bù lại chớ. Còn làm cái gì thì tự động não, đừng sống ký sinh nữa.



Một lá thư gửi dượng Tony và nhóm tình nguyện

Một lá thư gửi dượng Tony và các bạn nhóm tình nguyện

Có câu, Cọp chết để da, người ta chết để tiếng. Ai cũng muốn làm nên điều gì đó thật ấn tượng, để khi chết đi, nhân thế còn nhớ đến mình. Con không nghĩ mình sẽ làm được cái gì to lớn, bởi mỗi người có phúc phần riêng. Thôi thì mình sống ý nghĩa, giúp được người khác là vui rồi.

Có lẽ bản tính hiền hòa, nhút nhát của con đã được định sẵn. Mở miệng nói dối là tim đập chân run, mắt thì mấp máy. Mẹ cũng dạy con rất kĩ điều này. Con còn nhớ lúc nhỏ, nhà con nghèo lắm. Mẹ con bình thường như mọi bà mẹ lam lũ trên dải đất hình chữ S này. Mỗi chiều ngoài giờ học, con phụ mẹ bán cá, khi chuẩn bị dọn hàng ở chợ về, con luôn thấy vui vì sắp được về nhà. Nhưng vui hơn là được mấy cô mấy dì trong chợ kêu cho đủ thứ đồ từ rau cải, xương heo, tàu hủ…Nhà tuy đông người, 6 người, nhưng dùng cho bữa tối thì không hết. Ngày nào mẹ cũng phân ra từng bọc nhỏ đồng đều, cả rau cả thịt. Đi bộ từ chợ về, mẹ dẫn con ghé vào từng nhà những người nghèo trong xóm. Họ nhận rau thôi mà đôi mắt rạng rỡ. Người cắt lúa mướn, người đào đất thuê, người lặn lội giăng câu kiếm từng con ếch con lươn. Lúc đó, con thấy trong lòng mình trào dâng niềm hứng khởi lạ lùng mà đến sau này con mới hiểu trọn vẹn.

Ngày con lên Sài Gòn đi học một mình, mắt mẹ buồn buồn. Mẹ dặn, làm gì cũng được, không làm tốt cũng được, chớ có hại người khác. Con chọn được đường đi còn nhờ người mẹ thứ 2, là một cô giáo dạy môn địa cấp 3. Cô xem trò như con, dạy đủ thứ chuyện đời. Ngày ra đi cô dặn: “Cô muốn em trở thành một nhà báo giỏi”, D. à.

Tốt nghiệp và trở thành nhà báo, công việc cứ thê xoáy cuốn con đi. Thành nhà báo lớn, con làm chưa được. Nhưng bây giờ ngẫm lại lời cô, của mẹ, con đã không phụ lòng dạy dỗ và kì vọng của 2 người phụ nữ nơi phương xa đang theo dõi từng bước chân con. Là một nhà báo chân chính, mình viết bài phải khách quan, đưa ý kiến đa chiều để không oan, không thiên vị cho ai. Không ngừng chăm chỉ để mở rộng kiến thức, quan hệ. Với đối tượng, chủ yếu bây giờ là doanh nghiệp, chân thành chia sẻ. Chuyện vòi vĩnh tiền bạc quà cáp càng không thể làm. Đó không chỉ là đạo đức báo chí, nó còn là đạo đức con người.

Từ khi sang năm 2 đại học, con tham gia mọi lần đi tình nguyện, cũng là để khám phá cuộc sống mới. Đi thăm làng trẻ em SOS, ráp xe lăn tặng cho người tàn tật, cùng bạn bè mang quà tặng những người khó khăn… Giờ ngồi nhớ lại thấy đẹp và nhẹ lòng làm sao! Ôi thời sinh viên của con thật đẹp.

Con đến với Dượng và các bạn ở Câu lạc bộ này cũng bắt nguồn từ lí do tương tự. Có cơ hội giúp đỡ người khác trong khi mình có thể, mình cứ làm thôi. Con rất thích lời cảnh báo của Dượng: làm cái này không có tiền mà còn tốn tiền, ai dám làm thì đăng kí. Và cũng rất mừng khi thấy, có nhiều người dám lấy sự chân thành ra đối đãi với người xa lạ, 80 người khùng khùng, trong đó có con.

Con không dám hứa sẽ hoàn thành tất cả nhiệm vụ Dượng giao, nhưng con hứa sẽ làm hết sức mình, không ngại nhiều ngại khổ. Và Dượng cũng chớ lo về chuyện con là một phóng viên. Con tham gia với tư cách người làm tình nguyện, như bao bạn khác. Câu lạc bộ là nơi để góp sức, không phải nơi để tác nghiệp.

Con không phải là một người thông minh và tài giỏi, nhưng bằng sự nhiệt tình sẵn có, con tin mình có thể giúp nhiều bạn khởi nghiệp thành công.

P/s: Tony ít khi xúc động, nhưng đọc 80 lá thư của các bạn, là 80 lần nước mắt rơi. Những người trẻ Việt Nam luôn đẹp, và mãi mãi đẹp. Có một dân tộc duy nhất mang tên người Việt trên thế giới, cùng nhau xây dựng cho giàu có văn minh bằng người Nhật, người Hàn...



Những lá thư tình nguyện

Đứng trước tình trạng các bạn trẻ trong CLB con dượng khởi nghiệp sản xuất trồng trọt và chăn nuôi ra rất nhiều sản phẩm, nhưng đầu ra luôn là một bài toán khó, nhóm tình nguyện TnBS đã ra đời. Các bạn làm với sứ mạng hỗ trợ các bạn nhóm khởi nghiệp, không lương, không thù lao, phải tự bỏ tiền xăng xe trong 2 ngày cuối tuần. Khi Tony viết những dòng này, 30 bạn đang vội ăn những hộp cơm, đang đứng trong kho hàng, đang quét dọn các điểm bán hàng vào ngày mai, và đêm nay sẽ có nhiều bạn chỉ ngủ có 5h. Và bao nhiêu bạn trẻ khác trong nhóm sản xuất, đang hăng say trong các nhà máy, điện sáng đêm trong các nông trại nông trường.

Nếu bạn thấy những giọt mồ hôi của họ, thì những toan tính ích kỷ, những ly rượu sóng sánh trong vũ trường kia sẽ chẳng còn bạn để tâm nữa. TnBS trích đăng một số lá thư xin gia nhập của các bạn trong phần comment, mời các bạn đón đọc, cho một cuối tuần thật ấm lòng. Có nhiều lúc, hạnh phúc chỉ giản đơn như vậy.




Friday, October 24, 2014

Một bếp lửa hồng

Các bạn trẻ thường có 1 bệnh rất lớn, đó là bệnh “hào hứng một phút”. Đọc 1 bài về ngoại ngữ, cũng lên khí thế hừng hực, cũng mở Youtube ra, cũng lên trung tâm… nhưng chỉ học đúng 1 buổi. Bữa sau vẫn ôm ipad coi tiếp thằng A, con B hôm nay ăn gì làm gì tự sướng cái gì trên FB. Đọc 1 bài về khởi nghiệp, cũng hầm hầm khí thế, đứng lên đi thuê nhà tìm chỗ mở công ty, nhưng tìm 3 bữa thôi mệt, nắng nóng quá chạy tới chạy lui mệt. Đọc 1 bài về du học, cái cũng lên công ty du học tư vấn, đem 1 đống giấy tờ về nhà rồi quên để bụi bám lên mốc lên meo. Đọc 1 bài về thể dục thể thao, cái cũng đi mua cái máy chạy bộ, mua cái tạ về đẩy lên đẩy xuống đúng 2 lần. Rồi hết, mọi thứ “nguyễn y vân, vũ như cẩn”.

Các bạn họ hàng với 2 anh Vân Nguyễn và Cẩn Vũ này, tìm cách unfriend nó. Nguyên nhân là do cái Ý CHÍ không nằm sâu trong tâm khảm của bạn, nên bị giật dây thì có chút khí thế, nhưng sức ỳ lớn hơn. Nhà càng khá giả, học vấn càng tốt, tuổi càng cao thì sức ỳ này càng lớn. Nên vượt khó thì dễ hơn vượt sướng gấp nhiều lần. Sinh ra trong một gia đình khá giả thì đó là bất hạnh, vì nó sẽ dễ dàng triệt tiêu động cơ phấn đấu. Sinh ra trong một hoàn cảnh khó khăn, đứng trước một sự chọn lựa quá hẹp, thì mình phải vui mừng. Vì đó là cơ hội.

Giữa việc ra sân tập thể dục thể thao với ngồi coi ca sĩ diễn viên cởi áo trên mạng, người ta dễ chọn cái thứ 2. Nên nhiều người nghiện ma túy, bỏ thuốc lá…kêu từ bỏ, phần lớn không bỏ được. Cứ trả về với cộng đồng lại tái nghiện ngay. Vì bản chất của con người là “cái lười” và “thèm” bao giờ cũng hiện hữu trong tâm trí, nên phải có ý chí thật mãnh liệt, thì mới chiến thắng được.

Để rèn ý chí mãnh liệt này, người ta phải có chiêu. Trước một cám dỗ, bạn nên bặm môi, dùng răng cắn cho thật đau, đau đến mức bạn còn có thể chịu đựng được. Đứng thẳng, nắm chặt 2 bàn tay lại, nín thở, mắt lườm lườm giả bộ ở trước là đối tượng khủng bố cần tiêu diệt. Hồi đó Tony đi thi hùng biện trên sân khấu, cứ chuẩn bị lên là tay chân quíu, giọng nói lạc đi, đầu óc nghĩ cái gì chả nhớ. Nhưng lúc trước mặt mọi người, mình mím môi thật chặt, cắn thật đau (yên tâm không có chuyện chảy máu vì mình tự biết điều chỉnh đau quá thì thôi không cắn nữa, kiểu như nhịn thở ấy, không sợ nhịn rồi chết vì chịu không nổi nữa là tự động thở cái phì). Lúc mình nắm chặt tay và mím môi như vậy, hệ thần kinh sẽ được kích hoạt, máu dồn về não nhiều, giúp mình sáng suốt, và tràn đầy ý chí. Bạn cứ thử, có thể sẽ khinh công lên tận ngọn cây chứ không phải chơi. Đây là bí quyết của vận động viên người Triều Tiên mỗi khi thi đấu thể thao. Liều doping này tự nhiên giúp họ đạt thành tích rất cao.

Các bạn thử áp dụng khi mình cần quyết tâm 1 cái gì đó nhé. Tay nắm chặt sẽ giúp bạn tay mạnh mẽ hơn. Môi mím chặt sẽ giúp đôi môi hồng hơn, đỏ tự nhiên rất đẹp. Bạn gái sau khi mím môi, mình thè lưỡi liếm 1 cái cho nó bóng như son, khỏi tốn thời gian trang điểm.

Mình vô cái nhà, dù biệt thự đẹp đẽ cách mấy, thấy bếp núc lạnh lẽo, bạn có ớn không? Bạn dù có tài giỏi xinh đẹp cách mấy, mà không có lửa nhiệt tình, thì cũng như cái biệt thự hoang vắng kia. Bạn có thấy những ngôi nhà tranh, những ngôi nhà gỗ dù bé nhỏ nhưng vẫn ấm cúng vì có 1 bếp lửa hồng?

Mình có một cuộc đời thôi, đừng có tro tàn bếp lạnh. Dù ngoài kia lạnh lẽo, lòng người quyết tâm thì vẫn rực lửa. “Ngoài phố mùa đông, đôi môi em là đốm lửa hồng”.



Thursday, October 23, 2014

Quỹ Tony Buổi Sáng

1. Tony thích các bạn học giỏi, nhưng ai làm giỏi thì Tony yêu quý. Sau khi cân nhắc, các bạn admin thành lập “Quỹ Hành Động Tony buổi sáng”, giúp khởi nghiệp sản xuất, đặc biệt học sinh trường nghề, ngoài hướng dẫn cách làm, còn gửi bạn 1 ít tiền để gọi là động viên. Các bạn không phải trả lại, nếu sau này thành công, thành ông chủ lớn cỡ Samsung, LG… thì góp lại cho quỹ, thất bại thì thôi. Các bạn ở mọi miền tổ quốc có thể đề cử cho TnBS, sau khi xác minh, cơ sở sản xuất đó sẽ được đăng lên TnBS cho độc giả ủng hộ, cùng nhau xây dựng một nền sản xuất Việt Nam, thay vì mua đi bán lại hàng Tàu. Quỹ này sẽ không nhận quyên góp hay kêu gọi ủng hộ cả, có đưa cũng không lấy, mắc công. Bạn trẻ phải có tinh thần sản xuất. Nước Việt sẽ phải thay thế Israel thành quốc gia khởi nghiệp. Người Việt chúng ta sẽ “cho việc” thay vì tốt nghiệp ra trường và xếp hàng “xin việc” như hiện nay. Xin thì lúc nào cũng khổ.

2. Tony dự định không ra sách, chỉ viết trên page. Nhưng có mấy NXB liên hệ với admin, họ nói các bạn trẻ vùng sâu vùng xa không có internet để tiếp cận TnBS, trong khi họ vẫn có nhu cầu tiếp cận nguồn cảm hứng để sống một cuộc đời có ý nghĩa. Họ là những con sao biển cần được ai đó ném trả về đại dương để có một cuộc đời. Tony đồng ý cắt 47 bài tặng các bạn admin in sách làm quỹ thay vì đưa tiền mặt cho các bạn. Coi như là cái để các bạn tập kinh doanh, kiếm tiền từ lao động chân chính.

NXB có yêu cầu đưa một số bài mới vào nhưng Tony không đồng ý, tất cả đều là những bài đã đăng, bạn nào không có tiền mua sách thì có thể tiếp cận trên mạng miễn phí. Chỉ bạn nào cảm thấy cần phải đưa bản in này cho ai đó đọc như một món quà sinh nhật hay chia tay, hay bản thân thấy cần lưu để gối đầu giường, sáng sớm lấy ra đọc cười và có cảm hứng lao động học tập cho một ngày mới đầy năng lượng, thì mới mua.

Tony sẽ không tham gia bất cứ hoạt động PR nào, ngoại trừ vài bài viết thông báo trên trang này vì bản quyền đã được tặng. Sẽ không có chữ ký hay điểm chỉ gì của Tony trong mọi cuốn sách ấy, tất cả chỉ là tinh thần trong các bài viết. Tony chỉ xin lại 1 cuốn duy nhất làm kỷ niệm và hết. Tony được hưởng mấy % nhuận bút, và cá nhân sẽ không lấy 1 đồng nào, số tiền này sẽ được NXB chuyển thẳng cho các bạn admin của CLB con dượng quản lý “quỹ Tony Buổi Sáng” như đã nói trên.

Tony bán phân trồng nấm nuôi lươn ngày ăn ba bữa, vậy đủ rồi. Nên chữ nghĩa và nét thanh tú trời cho này, xin tặng lại cho ai có nhu cầu. Tony chỉ là “một tấm lòng trong vạn tấm lòng” đẹp của dân tộc Việt này thôi, các bạn cứ tin, cứ yêu, đừng có hoài nghi và trách móc nữa, dành thời gian cùng nhau nhân rộng nét “giàu và đẹp” ấy.

Các admin cố gắng làm thật tốt nhé, public thường xuyên cho các bạn trong ban quản lý biết việc thu chi. Dượng biết đứa nào phết phẩy, dượng sẽ cho người bóp vái”cho lên cổ, ói trả lại hết, thì lúc đó đừng có trách dượng. You will know my hand.


Các bạn trẻ có tiền mua Iphone mà hẻm chịu mua sách ủng hộ CLB con dượng, cái gì cũng chỉ muốn miễn phí, lúc nào cũng “ngu gì mậy” thì dượng chỉ biết khóc.

Wednesday, October 22, 2014

Uống máu rắn và nuốt tim rắn


Tony từng bị 1 đại gia ép uống máu rắn và nuốt tim rắn ở làng Lệ Mật. Và đã từ chối dù biết rằng, họ tiếp đón như vậy tức mình là thượng khách. Và khi nhìn thấy người ta hành quyết con rắn trước mặt, máu văng tung tóe và ánh mắt hau háu vì thèm của thực khách, Tony không biết nói gì. Một cảm giác lạnh người khi thấy ông khách uống rượu máu, vương trên râu và chảy xuống cằm, xuống cổ, ướt vạt áo sơ mi…Một màu đỏ lòm, tanh tưởi. Vì Tony từ chối nên 1 đại gia khác nuốt lấy quả tim, trong tiếng vỗ tay vang dội….

Cây trồng có 3 nhóm, cây cảnh trồng trong vườn cho đẹp- cây quý hiếm trong sách đỏ và cây trồng đại trà làm rau hay lương thực. Động vật cũng chia làm 3 loại vậy, có thú nuôi như chó mèo, động vật hoang dã trong tự nhiên và động vật làm thực phẩm được nuôi đại trà.

Chỉ được ăn cái thứ 3…

Bạn nào cây cảnh cũng nhổ lên ăn, chó mèo cũng đập chết ăn thì thôi đừng nhìn mặt dượng…

Thư gửi dượng Tony

Con chào dượng Tony!
Tình cờ con đọc được bài viết của dượng trên facebook và chẳng hiểu sao ngay từ bài đầu tiên, con đã bị cuốn hút mạnh mẽ vào những lời văn của dượng. Mấy bài trên TonyBuoiSang của dượng con chỉ đọc 3 ngày là hết. Bởi vì lần đầu tiên con tìm được một người có nhiều điểm chung với mình như vậy (con hổng dám so sánh với dượng đâu, chỉ là con thấy hoàn cảnh của con hơi giống dượng thôi). Nhưng, giá như con đọc được bài “bệnh cocky” của dượng sớm hơn.


Lúc nhỏ, tính con rất dễ thương chứ hổng có cocky tẹo nào hết, nhưng lớn lên một chút, mọi chuyện đã khác. Có lẽ mầm mống của bệnh cocky bắt đầu xuất hiện khi con cảm thấy mình có cái gì đó hơn những người khác. Ba lần thi học sinh giỏi tỉnh đều đạt giải (lớp 5, 9 và 12), lớp 12 luyện thi khối A mà đạt giải học sinh giỏi Anh mới ghê chứ. Rồi thêm vào đó, mọi người hay khen con là nhìn cao ráo, đẹp trai, thế nên con bắt đầu chảnh, vào lớp không thèm nói chuyện với ai, thấy em nào xinh thì dù thích lắm cũng tỏ vẻ lạnh lùng, nếu tự lại bắt chuyện thì mới nói, không thì thôi. Ngoài ra, con còn có cái năng khiếu nhảy hiphop, năm cuối cấp 3 biểu diễn ở trường thầy cô bạn bè ai cũng khen hay, nói lần đầu tiên trường mình có tiết mục xuất sắc như vậy (trường con ở miền núi nên nhảy nhót vậy hiếm lắm).

Thế nên, sau hôm diễn văn nghệ, con nổi tiếng lắm, mấy em trong trường mà thấy con là hú ré lên như thấy mấy ụ pa Hàn bây giờ vậy. Đỉnh điểm là khi thi đại học xong, con đạt được thành tích cao điểm nhất huyện, lúc đó cả trường, cả làng ai cũng đồn: “ Ông A có thằng con giỏi quá, vừa đẹp trai, học giỏi, lại vừa biết văn nghệ văn gừng.” Có người còn thêm vào: “Tui ở cạnh nhà ổng nè, thằng con ổng giỏi lắm, cày bừa gặt hái gì nó cũng làm được tất, đi học thì thôi chứ về nhà là lao vào làm.” (cái này có vì nhà con làm nông và cũng nghèo lắm, từ nhỏ con hay giúp ba mẹ việc đồng áng, khi luyện thi ĐH thì mới giảm đi để học). Và rồi từ miệng người này tới tai người khác, rồi cả huyện ai cũng xem con như là thiên tài. Nhưng người đời có câu: “thiếu niên đăng quang đại bất hạnh”, có được chút thành công quá sớm khi chưa đủ bản lĩnh để giữ vững thành quả, cuối cùng con đã phải trả giá. Khi lên đại học, con chẳng coi ai ra gì, không thèm nói chuyện với ai, không tham gia câu lạc bộ hay đội nhóm nào.

Quá tự tin về tài năng của mình, suốt ngày con chỉ lo tập nhảy, luyện ghita, ảo thuật. Và như một điều tất yếu, con bị bạn bè xa lánh, học tập giảm sút, trở nên cô độc, lẻ loi. Sau đó, dần dần con cũng nhận ra sai lầm của mình, và bắt đầu thay đổi. Nhưng quá trình thay đổi khá chậm chạp, chỉ đến khi đọc được những bài của dượng con mới thật sự có được động lực lớn để thay đổi. Con tự hứa với lòng mình từ nay sẽ sống tích cực hơn, dù hơi muộn nhưng con chỉ mới qua tuổi 21, đời còn dài phải không dượng.

Cuối cùng, con cảm ơn vì những bài viết của dượng và vì dượng đã cố gắng nghe con kể lể.
P/s: Tất cả các chi tiết của câu chuyện đều là thật vì con đã đọc bài về lòng trung thực của dượng, chúc dượng vui và hạnh phúc.

Chuyện ở Bandung

Bandung là thành phố lớn thứ 3 ở Indonesia, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á. Cách thủ đô Jakarta 180km và nằm ở độ cao 768m so với mặt nước biển, Bandung rất giống Bảo Lộc. Với khí hậu khá mát mẻ, Bandung từng là xem xét là thủ đô của đất nước này dưới thời thuộc địa Hà Lan, vì tụi Tây thường sợ khí hậu nóng (toàn quyền Đông Dương ngày xưa cũng chọn Đà Lạt làm tổng hành dinh, người Tây hay mắc các bệnh nhiệt đới nếu họ sống ở xứ nóng nhiều năm).

Tony ấn tượng nhất khi đến Bandung là cơ sở hạ tầng của thành phố. Anh bạn tên Roy lái xe chở Tony đi từ Jarkata, chỉ mất đúng 2h là đến được thành phố này (dù từ sân bay Jarkata đến được điểm đầu của đường cao tốc chỉ có 20km nhưng cũng mất 2 tiếng vì kẹt xe kinh khủng). Trước năm 2005, khi chưa có con đường cao tốc, Bandung vẫn còn là thành phố nghèo. Nông sản làm ra đổ đống cho bò ăn, y chang như cà chua, bắp cải ở Đà Lạt bây giờ. Rồi người dân Bandung đi tha phương cầu thực, vì để du lịch đến đây, người dân phải mất 6-7h vì đường quá xấu.

Đường cao tốc ở đây cho tư nhân đầu tư. Công ty tự thương lượng đền bù giải tỏa, tự xây, tự bán vé, ai muốn đi nhanh thì bỏ tiền ra đi trên đường này, muốn miễn phí thì đi dưới đường cũ, không có chuyện vừa miễn phí vừa đòi nhanh của nhóm người “cứ quyền lợi là đòi cho được”. Họ tự tu sửa bảo trì cho đường đẹp, đường xấu không ai đi, thua lỗ ráng chịu. Và rất nhiều công ty lớn của Indonesia tham gia kinh doanh đường cao tốc dưới hình thức này. Vì họ biết, có con đường CAO TỐC, là có TẤT CẢ.

Năm 2005, đường cao tốc này khánh thành, chỉ đúng 9 năm sau, Bandung trở thành một công chúa được đánh thức. Tony thấy trên đường, hàng hàng xe container nông sản lũ lượt kéo về cảng Jakarta để xuất. Các nhà máy dệt may dời về Bandung khá nhiều, vì chi phí sinh hoạt rẻ, lại có khí hậu mát mẻ, công nhân không có nóng nực bực mình mà kim đâm vào tay. Bandung trở thành nơi sản xuất quần áo hàng đầu Indonesia. Những nông sản cung cấp cho thành phố như rau củ, hoa, trái cây đặc biệt là dứa và bơ được trồng nhiều khủng khiếp. Các ngọn đồi hoang trước đây đều được các công ty đa quốc gia đến thuê để trồng dứa, chuối, rau...cung cấp cho cả Singapore. Giới trung lưu Jakarta hầu như ai cũng có nhà ở Bandung, cứ chiều thứ sáu tan ca là cả gia đình đèo nhau trên 1 chiếc xe bán tải, chạy thẳng lên đó, vô nhà ở những khu phố dưới rừng cây xanh mát, vườn tược xanh um. Tới chiều chủ nhật là họ đi về lại thủ đô, phía sau xe bán tải là nông sản của họ thu hoạch hoặc mua lại của hàng xóm.

Indonesia có trữ lượng dầu khí lớn, và có nhiều nhà máy lọc dầu, nên giá xăng rất rẻ, chỉ khoảng 14,000 đồng một lít. Dầu thì còn rẻ hơn. Các công ty vận tải nông sản từ Bandung về Jakarta đều được trợ giá xăng dầu để 1kg cà chua ở Bandung giá 0.5 USD thì ở Jakarta chỉ là 0.6 USD, nếu xe container chở nông sản và quần áo để XUẤT KHẨU, thì được miễn phí đi cao tốc (trình bộ chứng từ XK cho trạm gác).

Ở Bandung, đẹp nhất là ngọn núi lửa. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, dung nham trong miệng núi lửa vẫn lụp bụp sôi như mình nấu cháo. Những bong bóng vỡ ra, mùi lưu huỳnh nồng nàn. Bandung còn có nhiều suối nước nóng tắm rất tốt cho sức khỏe. Gần chân núi, có nhiều khu khách sạn nhà trọ, giá rất rất rẻ, họ dẫn nước suối này vào tận bồn tắm trong từng nhà. Các bồn tắm thường bằng xi măng, lọc tràn, lấy nước trực tiếp trong lòng núi chảy ra, thường không có mái che để mùi lưu huỳnh bay đi không gây hại.

Bữa đó Tony ở một resort trên đỉnh núi cao. Đêm đó trăng sáng, bồn tắm thì lộ thiên, xung quanh chỉ có bức tường cao đâu 3 mét. Tony trong trạng thái “hẻm mảnh vải che thân” đang khoan khoái nằm trong bồn nước, ngắm trăng và định đọc thơ, thì bỗng thấy trên ngọn cây cổ thụ trước mặt, có cái gì đó chuyển động bất thường. Rồi một bàn tay thò ra sau lưng. Tony rú lên 1 tiếng, rồi ngất…(nên không biết chuyện gì để kể tiếp theo). Tỉnh dậy thì thấy đang ngủ trong phòng, có mặc quần áo...Hết



Monday, October 20, 2014

Cà phê "chim luộc"


Đi thăm 1 thằng cháu, sinh viên ĐH, bị bỏng phần bụng dưới. Hỏi vì sao bỏng, nó nói tại con nấu nước để pha cà phê. Dù có 1 ly cà phê thôi nhưng nó đổ đầy ấm, rồi đứng canh. Sau 30 phút, nước sôi và nó vọt thẳng vô bụng vì nó để cái vòi chỉa vô người, nhảy không kịp. Nó nói hồi giờ con đâu có nấu nước mà biết. 

Năm 3 ĐH, 21 tuổi, ba mẹ nó chưa cho nó đụng cái gì. Vô SG ở nhà cậu, cậu mợ không dám nói gì sợ mất lòng với cha mẹ nó. Nên nó cứ ở trong phòng, tới giờ ăn thì kêu xuống, không kêu thì nhịn đói luôn. Bữa nay nó qua nhà bạn gái, pha ly cà phê cho bạn nó uống và tuột da bụng, da chim. Vô thăm nói đưa cậu coi bị bỏng sao, nó nói mắc cỡ lắm…

Đó là nguồn gốc của từ "cậu ấm"


Rèn luyện óc tưởng tượng để trở thành người hay ho

Hum bữa ngồi book chuyến bay cho khách hàng, Tony mới thấy mình gà mờ gì đâu. Các bạn qua chơi Tết yêu cầu tao muốn tham quan các di sản thế giới như Huế, Hội An, Mỹ Sơn, xong bay đi coi đền Angkor Wat. Mình nói làm gì có đường bay trực tiếp, phải bay vô SG hay Hà Nội. Xong check lại thì thấy nói hớ. Năm nay bạn nào rảnh thì đi Angkor Wat rùi bay đi Đà Nẵng tắm biển hay ra Vinh chơi rồi bay qua Viêng Chăn ăn cá sông Mekong nướng, đường bay mới, offer giá rẻ xình, đi chơi cho nó cởi mở đầu óc.

Các bạn Mỹ của Tony hay hỏi, ở Đông Nam Á, nếu phải chọn 1 nơi để đi tham quan, thì nên đi đâu. Tony trả lời, it should be Bali. Còn nếu 2, thì có thêm Angkor Wat. Còn nếu 3, thì nên ghé thêm Hạ Long. Nếu Bali thì xa, phải rủng rỉnh trong túi cả ngàn USD mới đi thoải mái, thì Angkor Wat, chúng ta nên đi liền trong dịp Tết này đi. Đường bộ, đường không, đường sông…đều có chuyến, bọc theo vài ba triệu đồng là ok rùi.

Mà nói mới nhớ, so với sự đồ sộ của Angkor Wat, thì ở kinh đô Huế của mình cũng như khắp đất nước này, không có công trình kiến trúc truyền thống nào có tầm vóc và quy mô tương xứng. Có lẽ do trí tưởng tượng chúng ta kém, mà có lần 1 giáo sư nước ngoài có đề cập là trí tưởng tượng của người Việt thuộc loại kém nhất thế giới. Do chiến tranh, hàng ngàn năm cứ giặc giã liên miên, đang ngồi tượng tượng cảnh thần tiên thì giặc đến, chạy muốn chết nên tưởng tượng bị đứt quãng. Nên chúng ta không có những tác phẩm với tình tiết ly kỳ phức tạp hay ý tưởng kỳ lạ độc đáo, đưa người đọc vào thế giới nửa thực nửa hư của nhiều nền văn học khác, như thần thoại Hy Lạp, 1001 đêm, Alice trong xứ thần tiên, Tây du ký, và gần đây là Doremon hay Harry Porter…(trừ chuyện cô Quỳnh ở Davao ).

Tác phẩm vĩ đại như Truyện Kiều cũng chỉ là sự phóng tác, phổ thơ trên cơ sở tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc. Có lẽ khả năng tưởng tượng của chúng ta ít ỏi và nếu có, thì bị triệt tiêu. Những đứa trẻ toàn bị quát “ suy nghĩ vớ vẩn”, “ ăn nói lung tung linh tinh”.. hay nhận xét của cô giáo “ không nắm được ý của tác giả và trong cuốn sách hướng dẫn giáo viên của cô” thì khóc như mưa, bèn trở về theo ý của tổ biên soạn sách
giáo khoa cho nó chắc. Trong khi theo 1 nghiên cứu khoa học, mọi đứa trẻ đều có sự tưởng tượng cơ bản giống nhau, không phân biệt màu da, quốc tịch. Vấn đề là khi lớn lên, tiếp thu nền giáo dục, 1 bên được kích hoạt và phát huy, 1 bên kìm kẹp và triệt tiêu. Và dẫn đến kết quả. Một bên bay lên vũ trụ. Một bên xúm xít ngồi quanh cái ao làng cãi nhau, năm nay xã ta nên nuôi con gì, trồng cây gì.

Hoàn cảnh lịch sử cũng đã giam hãm ông bà ta quá lâu trong cách học “từ chương trích cú”, nên tư duy bị gò bó trong lũy tre làng, trong năm cửa ô, trong khu trung tâm quận 1, trong “ xã nhà, huyện nhà, tỉnh nhà...”. Cứ áp đặt hình ảnh con Tấm dịu hiền, hoa sen là phải đẹp, phở là phải ngon. Cứ hãy phân tích nét đẹp của x của y, sự trong sáng của g của h, sự dũng cảm của m của n…. , lẽ ra phải là “bạn ý kiến gì về nhân vật X trong tác phẩm Y”, hay “theo bạn, hoa nào là đẹp, món ăn nào là ngon, vì sao”. Lúc đó, sự tưởng tượng của học sinh sẽ được đưa lên đỉnh cao. Có tưởng tượng mới biết quả đất hình cầu, mới có dòng điện chạy thắp sáng, mới có chiếc ống chứa mấy trăm người phóng cái vèo lên không trung mà ta gọi là máy bay, mới có cái smartphone quẹt quẹt. Thử nhìn từ trên xuống dưới trên cơ thể mình, toàn là kết quả của sự tưởng tượng của người phương tây. Từ mái tóc, cái quần âu, áo sơ mi, đầm váy, quần lót, cái đồng hồ, điện thoại, bút máy. Bước ra đường là xe đạp, xe máy, xe hơi, xe buýt, nhà cao tầng…tất cả đều hẻm phải do người Á Châu nghĩ ra. Ngay cả cái mạng xã hội này, cũng phải chờ tụi Tây nó nghĩ ra rồi xài. Nên có thể nói, cả 1 châu lục đang ngồi hóng sang bên kia coi tụi nó có phát kiến ra được cái gì mới nữa hem mà lật đật bắt chước.

Einstein từng nói “trí tưởng tượng còn quan trọng hơn tri thức.” Nên đừng nghĩ mình hạc giỏi mà tự cao tự đại. Trường chuyên lớp chọn, đại hạc tốp trên…cũng chỉ là việc mình đã nắm được kiến thức của người khác hơn 1 số các bạn khác trong 1 thời điểm nào đó. Nhưng chỉ đủ để chúng ta làm theo, đi theo như bầy vịt. Nên nếu dương dương tự đắc cho rằng hạc giỏi đồng nghĩa với giỏi giang, mà ngây ngô, không làm cái gì ra hồn cho đời, cả tuần không nói được 1 câu gì cho hay ho sáng tạo .. thì đáng bị coi thường hơn là khen ngợi. Trong bài thơ “ Có những lúc”, Lưu Quang Vũ viết‘ Tôi chán cả bạn bè, mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới”.

Trong công việc, óc tưởng tượng sẽ giúp mình giải quyết công việc nhanh chóng hơn nhóm người không có khả năng tưởng tượng. Chẳng hạn như làm
công việc chăm sóc khách hàng, công tác chuẩn bị sẽ phải có. Việc tưởng tượng đi tới gặp khách thế nào, khách nói câu gì, mình phản ứng lại ra sao...giúp mình tự tin đối phó với mọi tình huống. Ví dụ lúc gặp khách, nó vui thì mình làm sao, nó buồn thì mình phải nói sao, nó đuổi mình về thì cũng phải nói lại được 1 câu chớ. Hẻm lẽ “anh chỉ biết câm nín khi nghe em khóc”. Hay khi tổ chức thực hiện 1 chương trình, 1 dự án, mình tưởng tượng ra hết những bước cần phải đi, trở ngại gì, cách khắc phục....thì việc thực hiện sẽ hoàn thành đúng tiến độ, trơn tru, ít vướng mắc. Sự tưởng tượng sẽ kết hợp với việc nhớ các sự kiện một cách logic đã có trong quá khứ. Khi gặp phải sự tương tự, mình có thể áp dụng. Vì kinh nghiệm không bao giờ được sử dụng chính xác 100% cho công việc tiếp theo, mà sẽ phát sinh nhiều yếu tố mới.

Óc tưởng tượng còn giúp mình hạc ngoại ngữ nhanh chóng, khi luôn nghĩ ra cảnh phải giao dịch, tiếp xúc....để có thể tự ngồi thực tập. Muốn thoát ra cái ao làng phải có ngoại ngữ chứ. Óc tưởng tượng còn giúp mình có một đời sống tinh thần phong phú. Đọc sách là 1 cách tưởng tượng tốt. Tốt hơn nhiều so với văn hóa nghe nhìn. Trận Xích Bích nếu mình đọc trong Tam Quốc diễn nghĩa, sẽ thấy vĩ đại hơn nhiều so với khả năng tưởng tượng và túi tiền của đạo diễn phim.

Có nhiều bạn đọc Tony Buổi Sáng và cứ tưởng tượng Tony là 1 ông già khoảng 50 tuổi, béo ngậy, hồn nhiên…đến khi gặp anh Tổng ngoài đời, trẻ măng như cậu sinh viên đại hạc, dong dỏng cao (1m80, 70kg), gương mặt ưa nhìn, đôi mắt biết cười và tác phong lanh lẹ như 1 cầu thủ Brazil, thì mới vỡ òa cảm xúc. Càng yêu càng quý, càng thích càng say mê…vì hơn cả sự tưởng tượng.

Nhưng tưởng tượng cũng phải gắn với thực tiễn nghen. Tưởng tượng xong, phải quay về với thực tế ngay, để áp dụng. Chỉ ngồi tưởng tượng và không biết mình là ai, ở miền Nam thì vào Biên Hòa, ở miền Bắc thì vào Trâu Quỳ mà hái hoa, mà bắt bướm.


Sunday, October 19, 2014

Nông sản sạch, nông sản an toàn và trái tim người Việt…

Sau khi nghe lời Tony, nhiều bạn trẻ thôi nằm rũ rượi ở thành phố chờ xin người ta cho việc nữa, đã về quê và mở các nông trại chăn nuôi/trồng trọt. Hiện tại các bạn đã có sản phẩm và đầu ra rất khó khăn. Giao thông còn khó, chi phí vận chuyển cao (đợt trước chuyển 500kg hồng từ Đà Lạt về TP HCM xe Phương Trang lấy 1 triệu, tức 2000 đồng/kg cho đoạn đường 300km, chưa kể bốc xếp, vận chuyển từ vườn ra bến và từ bến về cửa hàng). Nhưng như bài toán khó, mình tách ra, giải từng vế một, cuối cùng cũng xong các bạn à. Chứ ai cũng nghĩ thôi sao làm được, hoặc có làm thì cũng không giải quyết được cái gốc, và kết quả là không ai làm. Nhiều bạn nói thôi để con cày xới lên luôn chứ thương lái vô vườn trả có 500 đồng/kg, trả giá kiểu “cho vui”, vì họ thừa biết công hái là đã cao hơn giá này rồi, còn tiền giống, tiền phân nữa….

Các bạn thuộc nhóm tình nguyện CLB con dượng đã được thành lập, trước mắt CHỈ HỖ TRỢ các bạn sx thuộc CLB vì lỡ nghe theo lời Tony mà đi sản xuất, giờ “bắt đền”, chứ chưa giúp người ngoài được. CLB con dượng đã mua cà chua với giá 5000 đồng/kg, cao gấp 5-10 lần các thương lái, để các bạn còn có lời mà phấn khởi làm tiếp. Rất may là 1 tấn/ngày đã được bà con tp HCM hỗ trợ tiêu thụ rất tốt.

Có nhiều lăn tăn về việc cà chua này sạch hay không sạch và có người còn chửi bới dè bỉu các bạn trẻ nữa, hôm qua thấy các bạn đi bán vừa, vừa khóc vừa cười. Cười vì bán được hàng. Khóc vì miệng lưỡi…của những người ác còn sót lại.

Tony khẳng định đây là cà chua an toàn, chứ muốn sạch phải có tiêu chuẩn Global GAP, do tổ chức quốc tế cấp. Từ làm đất, giống, tưới tiêu đều phải theo tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt, sâu hại thậm chí phải bắt bằng tay…nên giá rất cao. Ở thế giới cũng rất ít sp hữu cơ này, 1 kg táo organic ở London bán giá 10 bảng, so với 2 bảng hàng an toàn. Trong ngành phân bón thuốc bảo vệ thực vật, có 1 chỉ số là PHI, pre-harvest interval, tức chỉ số cách ly trước khi thu hoạch. Ví dụ PHI =7 tức hôm nay phun, 7 ngày sau thì tồn dư thuốc trong nông sản mới biến mất. Sự biến mất này là do sự đào thải của tự nhiên, cây sống mới đào thải được. Còn ví dụ hôm nay xịt, mai hái, đem về để ở nhà, thì 1 tháng sau vẫn còn dư lượng.

Cà chua, thanh long…gần đây rẻ quá, nông dân đến lúc gần chín gần như chẳng phun xịt gì, vì làm như vậy chỉ tăng chi phí mà lại đổ đống. Nên cà chua của bạn Hùng Cà, bạn đã “bỏ bê” 10 ngày trước khi hái, trong khi mọi thuốc BVTV dùng cho rau củ PHI cao nhất =7, thì coi như an toàn. Vài dòng cho các bạn biết kiến thức này, đừng tranh cãi nữa nhé. Làm, ủng hộ. Còn nếu không, im lặng giùm, đừng bàn ra, đừng phá cho hôi, “nông dân chết kệ nó chứ ảnh hưởng gì tao. Tao có lợi gì đâu, có lợi gì đâu…”, thấy các bạn trẻ đang bán cà ủng hộ nông dân, thì lao tới giật lấy giỏ cà, ném ra đường, cười sằng sặc vì sướng…

70% dân số nước mình là nông dân, tức hơn 60 triệu người, đồng bào của mình cả, dù giọng bắc giọng nam nhưng đều là người Việt. Mình quay lưng cũng được, nhưng đừng có phá. Một nhóm lửa đã được thắp lên, nếu bạn có thể chung tay giữ ngọn lửa ấy, thổi bùng lên “tình yêu nông sản Việt”, thì làm. Còn bạn nếu thờ ơ, thì cứ tiếp tục thờ ơ. Đừng chỉ trích, phê phán. Nước mình là nước đang phát triển, thì có bao nhiêu cái chưa chuẩn. Dân mình từ lũy tre làng đi ra, thì còn bao nhiêu cái tiểu nông. Mình cần phải xây dựng, giúp đỡ, hỗ trợ, đồng cảm, thương yêu. Người đẳng cấp là thấy cái sai, cái chưa hay của bạn, mình chỉ ra để bạn sửa chứ không phải lột tung quần áo “người dưng” ra để đó rồi cười hả hê.

Nếp nghĩ ấy cũ lắm, cũ lắm…




Popular Posts

Blog Archive

Powered by Blogger.