Saturday, June 6, 2015

Trốn nóng ở Phú Ninh

“ Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu Hồng Đào chưa ngấm đã say”
Có một địa chỉ nữa các bạn đến để tránh nắng hè oi ả là hồ Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, cách Tp Tam Kỳ 7km.
Đến Tam Kỳ, các bạn nhớ đi coi 3 cái kỳ lạ ở đây (nên mới gọi là Tam Kỳ), rồi ăn cơm gà bà Luận và độp xe độp (đạp xe đạp) quanh hồ. Hồ ni với diện tích 3400 hecta, là hồ chứa thủy lợi lớn nhất miền Trung. Ở đây người dân địa phương có làm khu du lịch Phú Ninh, các bạn có thể ghé ủng hộ. Đường bay trực tiếp đến Chu Lai từ Tp HCM hay Hà Nội đều có. Hẻm có thì đi máy bay ra Đà Nẵng rồi vô, hay đi tàu lửa, xe đò.
Chu Lai là một địa danh được người Mỹ đặt theo chữ tháng 7 (July), về vị trí địa lý, Chu Lai là điểm giữa nhất của các tuyến hàng không châu Á, nên nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới rất quan tâm đến khả năng thành lập một sân bay trung chuyển chuyên sửa chữa bảo dưỡng máy bay ở đây.
Dân ở đây vô cùng dễ thương, eng cục nói hòn (ăn cục nói hòn-ý nói mộc mạc), nhưng chẻng thôm lôm (chẳng tham lam), xởi lởi trời cho. Mời các bạn đọc bài thơ của nhà thơ Tú Rua về đất Quảng
“Rứa mới kêu là chất Quảng Nôm,
En cục nói hòn chẻng thôm lôm.
Có choàng công tử quê Đà Nẽng,
Cưới oả Thúy Kiều xứ Phú Côm (Ả, Phú Cam).
Choa vợ đến thăm chồ trọ trẹ (cha, chào),
Mẹ chồng không hiểu núa cồm rồm (nói càm ràm).
Thêm ông hoàng xóm người Hoà Nội,
Chỏa hiểu mô tê cũng tọa đồm (chả, đàm)"

Friday, June 5, 2015

Chuyện chưa kể về ông Lý Gia Thành

Lý Gia Thành (Tiếng Anh đọc là Li Ka Shing, tiếng phổ thông TQ là 李嘉誠), một tỷ phú người Hồng Công- là doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất châu Á, ảnh hướng nhất không phải vì tài sản 35 tỷ đô la Mỹ trong cơ nghiệp cuộc đời ông, mà vì cách ông chia sẻ và đào tạo thế hệ doanh nhân tiếp theo. Mỗi người theo ông, làm việc cho ông, từ người lao công đến tài xế đến thư ký kế toán, đều được ông đào tạo để có sự nghiệp riêng, dù bé nhỏ như chủ một quán cà phê đến chủ những công ty lớn, thậm chí cùng ngành nghề với ông. Ông vô cùng nhanh nhạy với mọi cơ hội kinh doanh, nên được xem là Mr Money. Ông đi tiểu cũng nghĩ ra được cách làm tiền từ óc quan sát của mình.
ÓC QUAN SÁT là cái đầu tiên ông Lý sở hữu. Cách ông tuyển người quản lý vô cùng thú vị, ông dắt 5 ứng viên đi vào một quán ăn, xong về hãy miêu tả cái quán đó, đề thi không ai nghĩ tới. Ai quan sát được nhiều nhất các chi tiết trong quán, ông sẽ cho làm quản lý, còn ai chỉ nhớ món ăn gì và giá cả ra sao thì ông loại. Ví dụ vào một nhà hàng Nhật, phải để ý được trần sơn màu đen, thảm màu đỏ, có 4 phục vụ nam, 3 phục vụ nữ, toilet 4 cái, phòng riêng 7 cái, menu có 4 loại, nhà hàng có mấy lầu, bữa đó ngồi cạnh mấy khách, khách ra sao, lối thoát hiểm chỗ nào, có điểm gì chưa hợp lý, có cái gì quá tuyệt ở cái quán đó…(ÓC QUAN SÁT này cũng được trường West Point tuyển sinh). Rất nhiều công ty tuyển ứng viên lãnh đạo hay quản lý cũng theo hướng này, một người có khả năng quan sát tỉ mỉ từng mm thường là do BẨM SINH, có tố chất làm lãnh đạo ở cấp cao nhất. Nếu óc quan sát CÓ ĐƯỢC là do tự đào tạo thì cho làm cấp dưới, quản lý cấp trung. Còn một người hoàn toàn không đào tạo được để có óc quan sát, thì dù có trình độ học vấn thế nào, ông cũng cho làm lính, kêu gì làm đó, sai đâu đánh đó, tận dụng khả năng cơ bắp của họ.
Tỷ phú Lý đang được các bạn trẻ Trung Quốc, Hàn Quốc, Indo, Thailand…xem là thần tượng, vì ông sống một đời giàu sang phú quý nhưng rất tình nghĩa. Ông Lý Gia Thành là người châu Á hiếm hoi được phương Tây đánh giá là doanh nhân.
Mồ côi cha, năm 14 tuổi, Lý Gia Thành đã phải bỏ dở sự nghiệp học chữ, cậu học làm thợ sửa đồng hồ, sau đó xin vô làm công nhân một xí nghiệp sản xuất đồ nhựa. Năm 20 tuổi, Lý nhận vị trí giám đốc xí nghiệp này. Năm 22 tuổi, Lý tự lập nên một xí nghiệp nhựa của riêng mình. 8 năm sau, Lý phát triển thành một tập đoàn, với mọi ngành nghề như bất động sản, xây dựng, hóa dầu, vận tải tàu biển, cổ phần lớn trong các hãng hàng không, các trung tâm dịch vụ giải trí trường học ở Hồng Công và toàn thế giới.
Từ một cậu bé sửa đồng hồ trở thành một tỷ phú đô la vào năm 30 tuổi, ông Lý chỉ có một bí mật duy nhất là “lòng tin”. Trọn đời ông sống với chân lý đó. Không chỉ lo làm giàu bí hiểm như nhiều tỷ phú châu Á khác, ông Lý rất hay chia sẻ, có thể là cái ông nghĩ ra, cũng có thể là các bài học ông thu lượm từ người khác, từ sách khác, được diễn giải theo lối tư duy của ông. Sau đây là một ví dụ về việc ông diễn giải lòng tin và tiền bạc, triết lý này của Nho giáo được ông diễn giải rất dễ hiểu như sau:
“1. Điều khó nhất trong đời người chính là vay mượn tiền. Người có thể cho bạn mượn tiền, nhất định là quý nhân của bạn. Không những cho bạn vay mượn tiền, mà còn không cần đặt ra điều kiện gì cho bạn=>Chắc chắn là quý nhân trong các quý nhân. Ngày nay, những người như vậy không còn nhiều. Nếu gặp được, nhất định phải một đời trân trọng.
Người cho bạn vay tiền, không phải là người ta lắm tiền không biết làm gì, mà là muốn giúp bạn một tay. Thứ người ta cho bạn vay mượn không phải là tiền, mà là lòng tin, sự khích lệ, sự tin tưởng vào năng lực của bạn, là đánh cược vào bạn-của-ngày-mai.
Thất tín, đánh mất lòng tin chính là sự phá sản lớn nhất của đời người! Thất tín rồi, khỏi làm chi nữa cho mất công nhọc sức.
2. Người chủ động thanh toán tiền, trả nợ, không phải do ngu ngốc lắm tiền, mà là người ta coi trọng chữ “lòng tin” để làm ăn lâu dài.
Người biết bỏ qua lợi ích cá nhân, làm lợi cho tập thể hay cho người khác, không phải do người ta đần độn, mà là do hiểu được thế nào là phần trăm trong cái bánh lớn (Tức dù chỉ có sở hữu 0.001% của công ty cổ phần Microsoft thì cũng lớn hơn công ty TNHH Nguyễn Tèo 100% vốn của mình, nên họ sẵn sàng mời cổ đông góp vốn, sẵn sàng sống chết làm để cái bánh lợi ích chung thật to).
Người mà khi làm việc chủ động làm nhiều, không phải do ngu ngốc, mà do biết được trách nhiệm.
Người tự xin lỗi sau khi cãi nhau, không phải do người ta sai, mà người ta coi trọng quan hệ với bạn hơn là chuyện đúng/sai kia.
Có những kẻ tự cho mình tài giỏi khôn lanh hơn người, đến mức diện mạo cũng hiện lên sự xảo trá. Loại người này, sớm muộn cũng biến mất, mình không cần unfriend.
Nếu hai người bất kỳ gặp nhau trong kiếp này gọi là duyên phận, người với người sống chung/làm chung được với nhau đều dựa vào chân thành và tín nghĩa.
May mắn đóng vai trò vô cùng lớn trong cuộc đời mỗi người, nhưng nó không phải là một yếu tố ngẫu nhiên, đó là một sản phẩm của trí tuệ.
Nếu bạn gặp một người nào đó, trước một công cuộc làm ăn, mà nôn nóng, thì họ sẽ chỉ đi được 1 nửa đoạn đường.
Bạn trở thành loại người như thế nào, đều do sự sâu sắc trong suy nghĩ của mỗi người mà ra.
Bạn thành công hay thất bại, người duy nhất hiểu rõ tại sao là chính bạn. Còn nếu bạn không hiểu thì trí tuệ bạn/trái tim bạn/tâm hồn bạn có vấn đề. Chẳng ai trên đời này biết đâu mà hỏi cho mất công bạn nhé"


Thursday, June 4, 2015

Những tháng ngày sinh viên

Tập 2: Chuyện năm 1
18 tuổi, Tony từ giã quê ngoại, một mình đón xe đò lên Sài Gòn học ĐH, bước vào một cuộc sống mới. Hành trang là cái ba lô và cái rương gỗ của chị Hai từng học ĐH Đà Lạt tặng lại. Đêm đó ngồi trên xe, không biết sao lại bị say xe dù trước đó không bị bao giờ. Xuống trạm dừng chân với 3 bịch ny lông lớn (vì lúc tiễn ham ăn cháo gà), xuống tới bến xe miền Đông thì lảo đảo, hoa mắt thấy trời tối thui chả biết gì, phải ngồi xuống 1 lúc thì mới đứng lên được.
Tony ghé nhà chị G, tức chị người quen hôm đi thi ĐH, xin ở mấy bữa, nhưng cuối cùng lại ở mấy tháng vì thấy vui quá, toàn sinh viên ở với nhau. Tuần đầu tiên khi Tony đến Sài Gòn là nghiên cứu thành phố, vì đây sẽ là cuộc sống của mình ít nhất trong 5 năm tới. Tony ra nhà sách mua cái bản đồ rồi bắt đầu đạp xe đi khám phá. Bữa đi Hóc Môn, bữa đi Thủ Đức, rồi Bình Chánh, Nhà Bè, các quận số, rồi các quận chữ...và thấy Sài Gòn không lớn như mình nghĩ. Tối về, Tony ngồi vẽ lại bản đồ thành phố theo các trục đường lớn, như 3/2, Trần Hưng Đạo, Điện Biên Phủ, CMT8, XVNT...Chỉ sau 1 tuần là Tony không bị lạc nữa, đi cỡ nào cũng tìm ra được trục đường chính để về nhà. Cứ tan học là Tony đạp xe lang thang để biết đường, vẽ bổ sung các con đường nhỏ vào bản đồ của riêng mình trong 1 cuốn sổ tay, trang quận 1, trang quận 5, trang Nhà Bè…. Đúng 1 tháng thì hầu như đường nào cũng biết, cũng rành, bạn học khen quá trời nói ủa mày mới lên Sài Gòn mà rành hơn cả tụi tao ở đây từ nhỏ.
Sau này sang thành phố khác sinh sống hay làm việc, Tony đều áp dụng cách vẽ lại các trục đường phố theo trí nhớ của mình, nên nhanh chóng hòa nhập. Tuy nhiên, tên đường thì nhớ, tên địa danh thì không, nên có lần lớp hẹn chủ nhật đi công viên Tao Đàn chơi, Tony nghĩ là ở đâu đó xa lắm, nên tối thứ 7 háo hức không ngủ được. Sáng hôm sau lên chỗ hẹn ở cổng trường rồi cùng nhau đi, tới nơi mới thấy ủa chỗ này hả, từ đó, Tony quyết định đọc lịch sử thành phố, các địa danh, các di tích, các tên gọi trước 75 và sau 75, đọc các giai thoại các câu chuyện về lăng ông Bà Chiểu, chợ Bến Thành, chùa Ngọc Hoàng, bưu điện Tp... trong thư viện. Kiến thức này giúp Tony kiếm được khá nhiều tiền, khi dẫn khách nước ngoài đi du lịch vào năm 3.
Khi mới lên SG, Tony ngồi suy nghĩ, dù gì phải ưu tiên hàng đầu là no bụng, phải thông minh lên. Bèn tất tả đi tìm chỗ ăn uống rẻ nhất, cứ vô tiệm cơm là hỏi trước, một dĩa cơm ở đây bao nhiêu chị, cơm thêm bao nhiêu ạ, trà đá có miễn phí không, và ghi địa chỉ lại trong sổ tay. Bà bán cơm ở đường Phan Văn Hân giá 2000 đồng, quán cơm Mai Thị Lựu 3000 đồng nhưng ăn cơm không giới hạn, cơm chay từ thiện ở đường Nguyễn Văn Đậu, ở chùa Long Vân mấy giờ phát…là mình phải biết, để trường hợp xấu nhất, đói quá không còn đồng nào thì sẽ sang ăn. Có lần Tony ăn ở một quán trên đường Nơ Trang Long, rất ngon và rất mắc so với túi tiền Tony lúc đó nhưng rất đông khách, đặc biệt lúc trưa từ 11h30 đến 12h30. Chị chủ và 4 người phục vụ xoay sở rất vất vả, có khi tính sót tiền. Quan sát thấy quy luật này nên hôm sau, Tony lên ăn tiếp, ăn xong ngồi chờ đến gần 2h, khi quán thưa khách, mới thưa với chị chủ quán, nói cho em giúp chị vào lúc cao điểm nha, em không lấy lương, chị cho em bữa cơm là được, khách đông mà chị lu bu là mất tiền đó, chỉ tốn có dĩa cơm cho em chứ nhiêu đâu chị. Ngồi thuyết phục miết nên chắc chị ấy thấy tội, mới gật đầu, nói ừa cứ 11h30 em ra bưng cơm thu tiền giúp, bưng 1h thôi, sau đó thì muốn ăn gì thì ăn rồi đi học. Từ đó, Tony trưa nào cũng ăn toàn cơm gà, cơm sườn, tại chị ấy nói muốn ăn gì ăn mà, ngu gì ăn cá ngừ kho.
Chi phí học bắt đầu tăng, nào là giáo trình, quỹ này quỹ kia, rồi các bạn rủ nhau cũng phải cà phê bò bía, hổng lẽ mình từ chối mãi. Nên kế hoạch đi làm thêm bắt đầu, ngây ngô năm nhất thì chỉ có dạy thêm là phù hợp. Tony chỉ dạy được 2 môn là toán và tiếng Anh, vì thi ĐH môn toán được 9.5 điểm, 2 môn Lý Hóa mỗi môn có 3 điểm nên chỉ có 15.5 điểm, may mà cộng thêm ưu tiên 0.5 nữa mới đủ điểm sàn, chứ không là ở quê đi gánh lúa rồi. Nhưng bù lại thì tiếng Anh rất là giỏi, 7 năm học phổ thông Tony chịu khó học hết từ mới trong sách giáo khoa và Streamlines. Tony dạy Toán cho con chủ nhà thì sẽ gạ bố mẹ học sinh học thêm tiếng Anh, nói cô chú phải học tiếng Anh để đi nước ngoài du lịch...chứ giờ không biết tiếng Anh thiệt thòi lắm. Kỹ năng thuyết phục của Tony từ từ xuất sắc dần lên, dù trước đó thì “ăn không nên đọi, nói không nên lời”, đang ngồi dạy thấy phụ huynh đi xe Dream về, nghĩ là người có nhà ở Tp, có xe máy như vầy là một giai cấp khác, quý phái cao sang, nói chuyện với họ cứ run rẩy, mặt tái mét, giọng nói lạc đi vì sợ. Người ở quê ra thường vậy, mắc bệnh sợ. Mấy bữa đi dạy đầu tiên còn cầm theo cái chứng minh nhân dân đưa họ coi, rồi trước khi về còn mở cái cặp ra kêu người giúp việc hay ai đó nhìn giùm, nói em không có lấy cái gì của nhà mình đâu nha. Lúc đó sợ lỡ nhà họ mất cái gì, họ đổ thừa mình, tố cáo lên trường thì trường đuổi học chắc chết.
Để nhận được chỗ dạy, sinh viên phải qua trung tâm gia sư, thường là của mấy anh lớp trên hoặc đã ra trường, tự mở trung tâm trong một cái hẻm nào đó, đi qua thì thấy lúc nào cũng lố nhố sinh viên, toàn năm nhất năm hai. Mình sẽ đọc trên bảng, chọn chỗ, đặt cọc 40% tiền lương tháng đầu. Lần đầu Tony nhận dạy chỗ 300,000 đồng/tháng ở Hóc Môn, phải gửi trước 120,000 đồng, vì nghĩ là mấy chỗ xa như vậy các bạn khác ngại đi, mình đi là chắc ăn. Nhưng đạp lên tới nơi rồi vô hỏi thì người ta nói không có nhu cầu nữa, cái quay về đòi lại tiền nhưng mấy ông trung tâm gia sư đó khôn lắm, không có trả lại mà giới thiệu chỗ khác, chỗ này lương 500,000 đồng/tháng thì phải đặt cọc 200,000 đồng, Tony phải bỏ thêm 80,000 nữa. Hy vọng tràn trề, đạp xe xuống tận Bình Chánh với ý nghĩ chao ôi cuối tháng mình cầm những 500,000 đồng trên tay. Nhưng đến nơi thì họ nói trung tâm khác gửi người qua rồi, nửa đêm qua trung tâm thấy đóng cửa. Sáng hôm sau mới 6h sáng đã tới chực, vô năn nỉ miết xin lại tiền mà mấy ổng không trả, rồi bữa sau dọn trung tâm gia sư đi đâu mất. Mất cả 200,000 đồng, ½ số tiền má gửi lúc đó nên Tony mấy đêm không ngủ được. Cứ ngồi vò đầu bứt tóc, nói sao mình ngu quá, lại hận cuộc đời sao lại có thể loại người suốt ngày lừa người khác thế nhỉ. Chiều tan học, ngồi ghế đá chỗ hồ Con Rùa nhìn mấy cái hoa dầu xoay tít trên đầu mà cám cảnh cuộc đời, một thằng nhóc nhà quê chỉ có 18 tuổi thì không biết tương lai sẽ ra sao giữa chốn đất chật người khôn này. Trong đầu Tony lúc đó chỉ nghĩ mong học xong cho sớm để về quê. Hôm sau lên lớp, Tony kể chuyện cho bạn A, một cô bạn nhà rất giàu có ba làm giám đốc một công ty lớn, bạn thấy tội nghiệp nên giới thiệu cho 2 mối dạy, một trên đường Hàm Nghi dạy cho 3 anh em bạn từ mẫu giáo đến lớp 5, một mối ở quận 10 dạy cho cả nhà từ toán cho con đến tiếng Anh cho bố mẹ. Nhưng chuyện xảy ra cũng là một trải nghiệm để Tony có street smart, phàm việc gì mà phải nộp tiền đặt cọc hay phải mua hàng mới được vô làm, thì phải cẩn thận. Công việc làm trước trả sau thì xui lắm là trường hợp họ không phát lương, mình chỉ mất công làm, còn vụ nộp trước thì tuyệt đối không là không.
Tháng lương đầu tiên, lãnh 200,000 đồng của phụ huynh bỏ vô phong bì, Tony sợ thiếu nên trong lòng lo lắng, mới đạp đâu có mấy trăm mét là dừng xe lại, tấp vô lề mở bao thư ra kiểm đếm lại. Thấy đúng 200 ngàn mới cười toe một mình, rồi ghé vô tiệm phở quất 1 tô tái to, bổ sung chén hột gà, rồi uống sữa tươi. Đó là lần đầu tiên trong đời Tony nếm được vị sữa tươi của Vinamilk trong cái bịch nylong, giá chỉ có 2000 đồng, và cảm thấy sao lại có một thứ nước thơm ngon đến vậy... (còn tiếp)


Wednesday, June 3, 2015

Lại một chuyện ở Harvard

(Dạo này bệnh Alzheimer nặng nên nhớ chuyện gì kể chuyện đó, không đầu không đuôi mong các bạn thông cảm)
Có 3 trường hành chính công hàng đầu thế giới, một là trường Kennedy của ĐH Harvard, trường Woodrow Wilson của ĐH Princeton và ba là trường Lý Quang Diệu của ĐH Quốc gia Singapore. Tony đã tham quan trường số 1 và số 3, trường số 2 chưa có cơ hội, hẻm biết có bạn con dượng nào học ở đây không nữa, nếu có báo cho Tony biết để ghé thăm.
Lần thăm quan trường Kennedy là lúc Tony còn theo học ở HBS (Harvard Business School). Nếu mình đi từ trường kinh doanh Harvard thì băng qua cầu Anderson Memorial, dọc theo đường J.Kennedy street sẽ nhìn thấy ngôi trường Kennedy này bên phía trái. Một bữa nọ, Tony được bạn đang học trong đó rủ vô tham quan, tình cờ ở giảng đường lớn có một cuộc thi hay một buổi học, Tony mới vô dự thính. Trên bục thuyết trình là một bạn sinh viên người Trung Quốc, nói tiếng Anh khá lưu loát. Bạn hùng biện đại ý là “tôi tự hào là người Trung Quốc, đất nước 5000 văn hiến”. “Tôi càng tự hào vì mình sinh ra và lớn lên ở Tây An, từng là kinh đô mấy đời vua Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên, Đường Minh Hoàng…”. “Tôi tự hào vì nền kinh tế Trung Quốc đã soán ngôi Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn nhì thế giới”. “Tôi tự hào và tự hào…”
Rồi thấy mọi người giơ tay hỏi thăm về các thành tích và thành tựu của Trung Quốc, thấy bạn nói ro ro, cần cái gì thì bấm nút chiếu số liệu lên ngay, như GDP, dân số, xe hơi, giáo dục, y tế…Nói chung về mặt chuẩn bị thuyết trình thì quá chuẩn.
Sau đó một bạn Nhật lên, cũng “tôi tự hào vì đến từ nước Nhật, quê hương tôi là nước châu Á duy nhất trong group G7 toàn cầu. Người Nhật nổi tiếng thế này thế kia thế nọ...Sản phẩm Nhật nổi tiếng thế này thế kia”. Rồi cũng thảo luận, không có gì đặc sắc cả.
Sau đó là một bạn người Thổ Nhĩ Kỳ, cũng tự hào kinh khủng với đế chế Ottoman, rồi các danh lam thắng cảnh, kiến trúc, di tích lịch sử, di sản văn hóa thế giới… Rồi tới bạn Hàn Quốc lên nói về làn sóng Hanluy, về kỳ tích sông Hàn, đại loại “tôi tự hào vì mình là người Hàn Quốc. Cha tôi là một thầy giáo nhỏ bé nhưng có mấy công trình khoa học. Mẹ tôi là một người nội trợ và yêu thương tôi, chắp cánh ước mơ cho tôi đến đây”….
Tony ngồi nghe mà thấy buồn ngủ. Đâu khoảng 6-7 bạn thuyết trình xong (mỗi bạn được nói 5 phút và các bạn được chất vấn mấy phút sao cho một buổi học kéo dài trong 120 phút là nghỉ giải lao), thì ông thầy lên tóm tắt. Ổng hỏi nãy giờ các bạn nói "tôi tự hào là người đến từ đất nước văn hiến, nhưng cho tôi hỏi là các bạn có là người văn minh?" Cả nhóm thuyết trình ngồi trên bàn đầu có vẻ lúng túng. Không ai dám giơ tay nên ổng mới nói thêm là, “chúng ta chỉ nên tự hào khi mỗi chúng ta là một người văn minh”. Cả lớp nhìn nhau và nhiều tiếng ồ, nhiều cánh tay đưa lên. Ông ra dấu hiệu hạ tay xuống rồi giải thích, đại ý là “trời xui đất khiến sao đó mà mày sinh ra ở đất nước đó, có gì mà tự hào”? Tư duy thông thường của chúng ta là “I am proud of abc (tôi tự hào vì abc), nhưng toàn là của người khác, không phải của mình. Giả sử tôi tự hào vì sinh ra ở một vùng đất hiếu học, nhưng tôi chả muốn học, thì có gì mà tự hào, không lẽ mày tự hào giùm? Tôi tự hào vì tôi sinh ra ở vùng đất võ, nhưng không tập luyện gì, thấy trộm cướp là chạy mất dép, thì có nên tự hào không? Tôi sinh ra trong một thành phố có bề dày lịch sử mấy ngàn năm, thì tôi hỏi các bạn đã có đóng góp gì cho thành phố ấy chưa? Mắc mớ gì người Tây An, người Bắc Kinh thì tự hào còn người một làng quê nào đó ở tỉnh Cam Túc thì không? Nhiều bạn tự hào vì cha mẹ tôi là, ông bà tôi là…thì đó là chuyện của ông bà bố mẹ các bạn. Họ có đoạt giải Nô ben thì tôi chỉ tôn trọng họ thôi, tôi không tôn trọng bạn chỉ vì bạn là con của ông ấy. Chừng nào bạn có thành tựu gì đi, lúc đó bạn hẵng tự hào”.
Khi thầy vừa dứt lời, những tràng pháo tay vang dội. Thầy nhìn đồng hồ và nói "nhiều bạn ở đây tự hào mình là sinh viên Harvard, nhưng điều đó không có ý nghĩa gì cả, đơn giản nó chỉ là cái trường học. Còn cái bạn đóng góp cho xã hội mới là cái mà các bạn nên tự hào. Vì hết giờ nên tôi chỉ trả lời 1 câu hỏi, ai hỏi nào". Nhiều cánh tay giơ lên nhưng thầy chỉ một chị người da đen bé nhỏ ngồi trong 1 góc, chị giới thiệu chị là giảng viên đại học ở Nigeria. Chị hỏi “nếu ai đó hỏi tôi, bạn có tự hào khi bạn là người Nigeria không, thì tôi sẽ nói thế nào, thưa thầy”. Ông thầy mới mỉm cười đáp, bạn hãy nói là “Tôi là người Nigeria, tôi đến từ Nigeria và tôi tự hào vì tôi là một người tử tế trong 7 tỷ người trên trái đất này”.
Lớp học nghỉ giải lao trong tiếng lao xao của nhiều học viên. Chúng ta phải có tầm nhìn quả đất, chúng ta là công dân toàn cầu mà còn tư duy tỉnh này tỉnh kia, nước này nước kia chi cho mệt. Tony chia tay bạn, đi vài bước nữa là tới quán phở Le’s Vietnam Cuisine rất nổi tiếng ở Harvard Square. Tony gọi tô phở xe lửa ra ăn, và thấy nhớ Việt Nam quá trời quá đất…


Tuesday, June 2, 2015

Cách họp chuyên nghiệp ở công sở nước ngoài

Theo một thống kê (chưa rõ ai làm), một công sở hiệu quả khi ở đó các team (nhóm) dành 1/4 quỹ thời gian làm việc để họp, tức 2h cho 1 ngày thông thường 8 tiếng, nếu nhiều việc thì thêm 2h họp nữa. Đó là lý do các cao ốc ở nước ngoài, đèn sáng tới 9-10h đêm, các bạn trẻ làm ở các tập đoàn đa quốc gia không bao giờ ngạc nhiên khi thấy sếp hẹn mọi người vào phòng họp lúc 6PM/7PM. Vì sau 6h, khi giao dịch với đối tác kết thúc, người ta sẽ ngồi họp với nhau để tìm cách làm việc tốt hơn cho ngày mai. Nhân viên trẻ, chưa có gia đình, nếu không kẹt học hành thể thao bên ngoài thì buổi tối nên ngồi lại họp team. Nhân viên lớn tuổi (phần lớn là có kinh nghiệm đầy mình) thì nên về trước 6h để lo chồng/vợ/con. Họ đã họp suốt thời tuổi trẻ của họ rồi, đã giỏi giang lắm rồi, nên về sớm.
Một công sở không hiệu quả nếu mọi nhân viên đều nhìn vào màn hình máy tính 8h/8h, không có sự tương tác interpersonal (liên kết giữa mọi người). Khi 2 người ngồi với nhau, não bộ sẽ được kích hoạt ra nhiều nhất để có cái gì đó cả 2 có thể triển khai. Mỗi người nên mang theo một cốc cà phê, một cốc trà để trước mặt, ĐT nên chuyển qua chế độ im lặng. Có thể họp ở VP và cũng có thể ra quán cà phê, nhưng nhớ chỉ nói đủ bàn mình nghe, không nói to ảnh hưởng bàn bên cạnh. Tuyệt đối ko quẹt di động khi họp trừ tìm kiếm thông tin liên quan cho vấn đề cần nói, xong thoát ngay. NỘI DUNG THẢO LUẬN: MÌNH ĐÃ TRIỂN KHAI CÁI GÌ, ĐANG CÁI GÌ, SẼ CÁI GÌ. HÔM NAY ĐÃ CÓ CÁI GÌ CHƯA TỐT, NẾU ĐƯỢC LÀM LẠI THÌ MÌNH SẼ LÀM TỐT HƠN RA SAO.
Nên họp ở team dưới 5 người, đông hơn 5, cuộc họp dễ biến thành diễn đàn 1 người nói mấy người kia nghe, không thảo luận được. Một team tốt nhất là 5 người, ngũ hành, 5 cái đầu, 5 ý tưởng. Còn không thì 2-3-4 đều tốt cả, 2: tốt vì có đôi có cặp, có phản biện; 3: vững như kiềng 3 chân; 4: tứ quý; 5: ngũ hành. Đừng bao giờ làm việc chỉ có 1, lẻ loi lắm.
Ở các công sở nước ngoài, hình ảnh nhân viên nam thì tuấn tú thơm tho, nhân viên nữ thì vô cùng xinh tươi, nụ cười như mùa thu tỏa nắng, tay cầm ly cà phê, đi thật nhanh rồi dùng vai hất cửa phòng họp để bước vào trông rất tự nhiên và chuyên nghiệp. Không ai ngồi nhìn màn hình cả ngày không biết làm gì, hoặc chỉ làm 1-2 việc, hoặc ngáp đến chảy nước mắt. Hoặc rần rật lao ra đường gặp đối tác nhưng không hiệu quả vì không có bàn bạc kỹ lưỡng gì trước, lúc bàn bạc mới thiếu tờ giấy này, thiếu số liệu kia, quên mang mẫu, quên đủ thứ, thấy bắt ớn, muốn đuổi về cho rồi. Nếu bạn có họp team vào buổi tối hôm trước thì chuyện quên này sẽ không xảy ra, mọi thứ phải được chuyên nghiệp đến từng cm.
Phòng họp nào ở các tập đoàn lớn cũng trong chế độ occupied (có người bên trong), từ sáng đến tối. Và bản báo cáo (meeting minute) được 1 thành viên ghi lại cho cả nhóm sau khi họp xong, cứ thế sáng mai nhìn vào đấy mà triển khai hiệu quả.
Còn công sở của bạn? Chiều nay, tối nay? Action!

Monday, June 1, 2015

Những tháng ngày sinh viên

Tập 1: chuyện năm 2
Năm 2 ĐH, Tony mở mục tuyển dụng của báo Tuổi Trẻ ra coi, thử người ta yêu cầu cái gì để mình rèn luyện cho đúng, hòng ra trường xin được việc làm tốt. Các công ty lớn đều yêu cầu ứng viên có ít nhất “HAI NĂM KINH NGHIỆM” mới có lương cao. Sinh viên vừa ra trường mà 2 năm kinh nghiệm đòi đâu ra, hóa ra thị trường lao động cao cấp giá cao như thế này chỉ dành cho những người có kinh nghiệm thôi à. Tony nằm suy nghĩ một đêm, quyết định giải bài toán hóc búa này.
Người càng giỏi toán thì mọi thứ của họ đều hanh thông, do cuộc đời là một bài toán lớn, trên đường đi ta sẽ bắt gặp vô vàn các bài toán nhỏ. Nên trường kinh tế tuyển khối A là đúng, học kinh tế tài chính hay quản trị, tư duy toán học rất cần để xử lý công việc gọn gàng logic. Chỉ cần sinh viên đó chịu đọc sách, chịu viết lách, chịu ăn nói va chạm thì đều có thể thành đạt dễ dàng.
Cuối cùng đáp án cũng đã tìm thấy. Tony dự định năm 4 sẽ phải xin vô một công ty chính thức nào đó để làm, để khi ra trường (Tony học ĐH 5 năm), thì mình cũng vừa tròn 2 năm kinh nghiệm, mấy nhà tuyển dụng hết bắt bẻ. Vấn đề là mình thuyết phục sao cho người ta nhận, vì còn vướng bận chuyện học hành, các doanh nghiệp cũng ớn. Ví dụ đang chuẩn bị đi gặp khách hàng thì trùng với lịch thi của nó, hay tâm lý còn non sẽ ảnh hưởng đến công việc người ta, thực tế là sinh viên vô làm phá hoại nhiều hơn đóng góp, do ngáo ngơ bất cẩn và đầu óc chưa trưởng thành. Muốn có óc già dặn để năm 4 nộp đơn là được, Tony quyết định tích lũy sự trải nghiệm bằng cách đi làm thêm các việc linh tinh ngay từ năm 2 (năm 1 chỉ đi dạy kèm, hoặc làm cơ bắp như giữ xe).
Hồi đó, thời khóa biểu của Tony là học 6 buổi/tuần, trong khi quỹ thời gian mình có tới 21 buổi (sáng, chiều, tối của 7 ngày/tuần), có tới 15 buổi trống. Mình sẽ phải lấp đầy thời gian này. Nói là làm, chiều đó Tony mới mò lên trung tâm giới thiệu việc làm ở nhà văn hóa thanh niên và ở chỗ gần cầu Thị Nghè. Coi miết mà toàn việc gì chẳng thấy hay, không giúp mình nâng cao trình độ ngoại ngữ, Tony quyết định ra khu phố Tây. Dọc theo đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, khu chợ Bến Thành, khu Đề Thám…có rất nhiều cửa hàng bán cho khách nước ngoài, họ treo bảng “tuyển bán hàng nam nữ” nhưng hàng ngày mình ít để ý vì CHỈ có đi bộ mới thấy. Tony đi 3 vòng hết mới chọn ra được 10 chỗ làm phù hợp. Hôm sau, Tony ghé tiệm chụp hình thẻ, nói anh chụp hình em chụp đi làm công ty của Mỹ, anh tư vấn cho em. Ổng bắt mặc áo vét cho nó chững chạc, dù mặc quần đùi ở dưới. Đơn xin việc tự viết tay bằng tiếng Anh, tham khảo sách trong thư viện để lấy mẫu đơn hay nhất. Lúc Tony đi nộp, tình cờ trên đường Đồng Khởi có một công ty xuất nhập khẩu lớn, Tony nhìn vào thấy mấy anh mấy chị đi đi chạy chạy, điện thoại nói tiếng Anh ào ào, rồi ra đứng máy fax nhận hợp đồng báo giá... Ở ngoài cửa kính, Tony thập thò dòm vô miết vì thèm làm việc ở đó, nói phải vô công ty này mới được. Tony mới lùi ra xa xa, ghi lại địa chỉ điện thoại trên bảng hiệu. Hôm sau hết sức can đảm, Tony ra bưu điện Bình Thạnh, đưa cho cô giao dịch viên để cô bấm số cho, rồi Tony chạy vào cái buồng màu đen nghe. Tony hỏi liền “chào chị, có tuyển người hem chị”, bị chửi cho 1 trận, nói em là sinh viên thì phải biết thưa biết dạ, ở đây không có tuyển sinh viên. Cái Tony sợ hãi, cúp máy liền, bước ra trả tiền mà mặt mũi xanh ngắt như tàu lá.
Hôm sau cửa hàng tơ lụa nó gọi, nó mời lên phỏng vấn rồi đi làm. Khổ là cái cửa hàng ấy đối diện công ty xuất nhập khẩu kia, nên Tony cứ mon men đi ngang qua coi, rồi ngồi bán khăn bán vải cho khách chứ mắt nhìn qua bên kia miết, tưởng tượng đến những buổi đấu trí đàm phán hợp đồng, rồi cái LC (thư tín dụng), rồi những container hàng lên tàu, rồi nhìn đô la chạy về tài khoản sao sướng thế. Thấy việc lấy mấy đồng bạc lẻ của việc bán tơ lụa, nhiều khách keo kiệt ky bo trả giá từng xu, rồi mình năn nỉ hết nước họ vẫn bỏ đi, cũng nản nản. Nhưng bù lại, tiếng Anh của Tony trở nên Tây hóa, mất dần âm Việt, nghe được nhưng câu dài của Tây nói. Tiền bạc cũng có được rủng rỉnh, chiều nào cũng đứng trước cửa hàng mời gọi khách vô coi với cái miệng cười rộng tới mang tai.
Cái một hôm, buổi trưa đi học từ trường kết thúc lúc 11h, Tony qua cửa hàng để chuẩn bị làm ca chiều thì thấy ông giám đốc công ty XNK phía đối diện đi ăn trưa, Tony bèn bí mật bám theo. Thấy ổng vô quán cà phê, gọi cơm văn phòng, rồi đọc báo. Tony mới nảy ra ý định ngày mai nộp hồ sơ cho ổng. Tối về, Tony mần một bộ hồ sơ đẹp mắt không ăn tiền, trưa hôm sau, phục kích ngay trong quán đó. Ông giám đốc như thường lệ đẩy cửa bước vô, gọi ăn uống xong, Tony mới qua tươi cười kéo ghế xin phép được tiếp thị SỨC LAO ĐỘNG, nói dạ thưa con vầy vầy, hạc trường vầy vầy, khả năng vầy vầy, mong muốn vầy vầy. Ổng nhìn mình như người ở cung trăng xuống, nói công ty tui đâu có tuyển người mới. Cái mình nói thôi chú cầm giùm hồ sơ của con về, khi nào có chị nào trong công ty chú chửa đẻ gì đó, nghỉ sanh vài tháng con vô làm thế cho, xong họ vô lại thì con đi học lại, chứ tuyển mới chi chú. Ổng nghĩ nghĩ cũng xiêu xiêu, mới cầm hồ sơ về. Trước khi đi mình còn tặng ông thỏi sô-cô la nhỏ, nói con được khách mua vải lụa tặng đó, con tặng lại chú. Ổng hỏi mày định hối lộ à, mình nói dạ, con đâu có gì lấy lòng chú đâu, chú ăn giùm con chứ con ăn sô-cô-la hay nổi mụn. Ổng cười ha hả, nói sinh viên trường nào mà dễ thương quá mậy?
Cuộc đời cứ thế tiếp tục. Cứ bữa nào đi học thì thôi, bữa nào không đi học thì lên cửa hàng bán lụa, rồi đạp xe qua thư viện quốc gia ở Lý Tự Trọng đọc sách, học bài, đọc sách về xuất nhập khẩu càng nhiều càng tốt. Trong lòng luôn nung nấu là mình sẽ làm xuất khẩu, kiếm đô la, đi nước ngoài đàm phán bán hàng hóa Việt Nam với giá cao, nên văn hóa Tây Tàu gì cũng phải rành, trên thông thiên văn dưới tường địa chất. Một ngày cứ quần quật với bao nhiêu là việc, mở mắt sáng dậy thể dục 15 phút rồi đạp xe rần rật trên phố đến tối mịt mới về ngủ, trong ba lô có 2 bộ đồ để thay, vô cửa hàng thì mặc đẹp chút, còn đi thư viện hay đi học thì quần jean áo thun cho đúng chất sinh viên.
Bẵng đâu 3 tháng sau, Tony mới nhận được thư mời của công ty lên phỏng vấn. Sau bữa tặng sô-cô la, Tony cũng không dám vô quán cà phê đó để gặp chú nữa, sợ ngại, và cũng vì tiền đâu vô đó ăn trưa miết. Cái bữa lên gặp chú, đúng như mình tiên đoán, có một chị mang bầu tháng thứ 4, nhưng muốn dưỡng thai nên muốn nghỉ sớm không lương. Cơ hội làm XNK tới, tối đó đi về nhà mà lòng Tony reo vui, vừa đạp xe vừa hát vang khắp phố, mấy ông đạp xích lô quay lại nói ê mới yêu hả mậy? (còn tiếp)


Sunday, May 31, 2015

Chiếu xạ cho nông sản xuất khẩu

Nhiều nhà đầu tư có khá nhiều vốn ở miền Bắc hỏi nên đầu tư ngành gì để giúp nông nghiệp Việt Nam, và có nhiều cơ hội làm ăn, Tony trả lời ngay là ngành chiếu xạ.
Hiện ở Việt Nam chỉ có khu vực phía Nam là có 3 nhà máy chiếu xạ cho thuỷ sản và trái cây, còn miền Trung miền Bắc thì chưa có.
Muốn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Nhật, Úc,...nông sản tươi sẽ phải được chiếu xạ (irradiation), tức là dùng tia năng lượng cao như tia gamma để chiếu vào trái cây, thực phẩm, các tia này sẽ tiêu diệt vi sinh vật gây hại, các loại sâu mối mọt có bên trong quả, các tia này còn làm chậm chín hoặc ức chế nẩy mầm để có thể vận chuyển cả tháng trời đến Mỹ, châu Âu. Các doanh nghiệp Thái Lan, Philippines, Trung Quốc...đầu tư các nhà máy này rất nhiều, hầu như khu vực nào trồng cây chuyên canh đều có 1 nhà máy chiếu xạ do công ty chế biến thực phẩm đầu tư, đơn hàng nhiều không kịp thở, xuất khẩu lẫn nội địa vì kéo dài tuổi thọ nông sản bán ở siêu thị (xem hình quả dâu tây được chiếu xạ và không được chiếu xạ). Nước nhập khẩu họ bắt phải chiếu xạ vì họ sợ dịch bệnh hay sâu hại từ nông sản này thoát ra môi trường, gây hại nông sản nước họ.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư nhà máy này khá cao, và phải mởi cơ quan hữu quan từng nước (nước nhập khẩu) đến kiểm định để họ đánh giá có đủ khả năng không, nếu ok thì mới cấp phép, và lô hàng nông sản xuất khẩu phải có giấy chứng nhận đã qua chiếu xạ được cấp bởi nhà máy này thì hải quan nước nhập mới cho thông quan. Cũng có trường hợp họ sẽ thông quan trước, họ sẽ tiến hành chiếu xạ tại cảng đến trước khi nhập kho hoặc đưa vô siêu thị, tuy nhiên phải nghiên cứu kỹ quy định trong hợp đồng với bên mua. Làm ngoại thương lấy tiền của Tây là phải dân giỏi, cẩn thận từng chữ, thuộc thể loại "chủ nghĩa hoàn hảo trong công việc" giống như trong y khoa vậy.
Về lâu dài, nông sản hướng đến xuất khẩu thì phải đầu tư cái này, giống như nông dân phải áp dụng tiêu chuẩn Global GAP vậy, không có cách nào khác. Nếu không thì chỉ bán cho nội địa hoặc Trung Quốc, vốn không đòi hỏi gì, nhưng lại bấp bênh.
Các bạn quan tâm cái này nên search thật kỹ, các từ khoá là chiếu xạ thực phẩm, food irradiation process, fruit and vegetable irradiation,...


Popular Posts

Blog Archive

Powered by Blogger.