Friday, December 12, 2014

Bệnh nghiện internet

“Chào dượng. Con tên H, 30 tuổi, “vợ con chưa có, chó mèo cũng không”, sự nghiệp chẳng có gì ngoài lương 5 triệu/tháng. Đất Hà thành, con chật vật mãi mới sống được.
Con tốt nghiệp một ĐH lớn ở Hà Nội, gia đình ở Sóc Sơn, cuối tuần con mới về nhà một lần. Đọc bài của dượng, nhìn hoàn cảnh của mình, thấy sao nhem nhuốc quá. Từ lúc ra trường đến giờ, con chưa biếu cho bố mẹ con đồng nào, ngoại trừ vài ba hộp bánh công ty cho. Hôm bữa dượng post bài chuyện thằng Quân, con đọc xong mất ngủ cả đêm, vì con không biết ước mơ của mình là gì, mình sống để làm gì và mình muốn gì. Rồi đọc bài mọi học sinh phải viết bài luận “Tôi là ai” để được vô các ĐH lớn bên nước ngoài, con không trả lời được. Gần 1/3 cuộc đời, con chưa biết mình là ai.
Cứ sáng, con ngủ dậy thấy trong người uể oải, và nghĩ việc phải đến công ty là một cực hình. Công ty con làm về tư vấn xây dựng, 8h sáng con đến cơ quan bỏ cái cặp đó, bật máy lên cho người ra biết đã đến, tranh thủ ra ngoài làm bát bún riêu, kéo vài điếu, vài cốc chè rồi vào. Con làm hành chính, ghi chép ai đi trễ về sớm, mua giấy mua bìa cứng, đóng tiền điện nước… Có việc thì làm 1 chút, xong chạy ra đánh cờ với bác bảo vệ. Ông giám đốc công ty là bạn của bố con, nên con không sợ. Công ty có làm ăn được hay không được thì kệ nó. Nó tèo thì con xin việc khác.
Cứ mỗi lần đọc gương phấn đấu của các bạn khác xong thì máu con sôi lên 100 độ, con quyết chí học tập và làm ăn. Nhưng sáng ngủ dậy lại quên mất hôm qua mình ĐỊNH QUYẾT TÂM CÁI GÌ. Mở sách học tiếng Anh ra thì con không biết học để làm gì, con có đi nước ngoài đâu, có tiền đâu mà đi du lịch. Đến trung tâm ngoại ngữ thì con nghĩ mình già thế này học chung với bọn trẻ con à. Tập thể dục hay tập tạ tập gym thì con cũng lười nốt, con cứ đi ăn cơm ngoài hàng, xong về nhà trọ và ôm cái laptop. Trước đây thì tối nào con cũng đi nhậu hay cà phê chém gió với đám bạn, nhưng giờ phần đứa có gia đình, đứa thì ngáo ngơ, nghe nó nói 2,3 lần có mỗi 1 câu chuyện đấy, con chán. Bọn nó sợ chữ, không đọc dài được nên không biết gì mà nói cả, dù đều tốt nghiệp ĐH hết dượng à. Thế là con lên mạng, thế giới ảo là cứu cánh của con. Con chơi game online hoặc lang thang trên mạng, đến 1h-2h sáng mỏi mắt quá thì lăn ra ngủ. Con tham gia ở mọi diễn đàn, con đọc mọi blog, mọi tin tức trên các trang chính thống lẫn lá cải, rồi con xem phim và thu dam (đoán là “thử đầm”), rồi con chat chit facebook với 1000 friends-chẳng biết đó là ai. Cứ có 1 thông tin nào đăng lên, con search google kiểm tra tính xác thực và comment cãi qua cãi lại. Như dượng viết “cá lòng tong kho tộ”, con sẽ search cãi ngay là “cá lòn ton”, “kho tô” chứ không phải tộ. Con cũng đặt câu hỏi này câu hỏi nọ, dự án này dự án kia lên cho người ta tư vấn, chủ yếu đọc cho vui chứ có làm gì, mà bọn tư vấn con nghĩ chắc cũng toàn bọn dở hơi cám lợn như con cả.
Yêu đương thì con cũng trải qua 2 mối tình, rồi giờ đang FA. Nghĩ đến việc phải gặp, chiều chuộng, đèo nhau đi ăn kem, dỗ dành khóc lóc giận hờn…con lười quá nên cũng chẳng có tình yêu nào mới. Khi nào bố mẹ con có nhu cầu cho con lấy vợ thì bố mẹ con giới thiệu 1 cô ưng mắt trong làng là xong.
Con ở ngoài hiền lành nhút nhát, nhưng trên thế giới mạng con có số má lắm dượng, con văng tục, bốc phét kinh lắm. Trí nhớ con cũng tốt nên cái gì con cũng biết, nhưng con không kiếm tiền được. Sao người ta phát minh ra internet để làm gì mà con khổ quá vậy? Dượng biết con bị bệnh gì và chữa trị ra sao hem?”
Tony trả lời: Con dao là trung tính. Laptop, internet, ipad, mạng xã hội, website, thư điện tử…cũng vậy. Nó được phát minh ra để giúp cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng 1 số người đã lạm dụng. Giống như con dao, nên chỉ dùng gọt hoa quả hoặc thái thức ăn.
Ai suốt ngày trên mạng? Chỉ có đám tỷ phú thời gian. Người ta đầu tắt mặt tối học tập, làm ăn..., thời gian đâu mà bình luận chuyện vĩ mô nước này nước kia trên đó? Họ chỉ online 1-2h trong ngày thôi, coi email và các tin tức phục vụ công việc của họ thì cũng đã hết giờ.
Cách chữa trị: Con cho ai cái laptop rồi ban đêm đăng ký học lớp cầu lông tennis bơi lội đá bóng võ thuật gì đi. Tham gia một CLB tình nguyện, ví dụ nhặt rác bờ hồ. Đăng ký một lớp học ban đêm, mấy lớp dạy kỹ năng hoặc tiếng Ý tiếng Ả Rập... Tìm một cô gái tử tế để kết bạn (lựa cô nào biết làm việc nhà và đọc sách giấy, thể loại chỉ ôm iphone thì thôi nhé, đừng đến gần, mấy cô ấy ngụy biện nói đọc ebook chứ dễ gì, mở ebook chứ facebook nhấp nháy là mở ra coi, nên sách giấy là cái cần phải có của cộng đồng văn hóa đọc thật sự). Cuối tuần đi dã ngoại hay cà phê ngồi đọc sách cùng cô ấy. Lâu lâu đi du lịch bụi thật xa, đến những miền quê nghèo khó.
Mỗi sáng ngủ dậy, lấy tay vả vô mặt 100 lần nếu thèm internet. Làm liên tiếp trong 3 tháng. Quyết tâm may ra hết. Nghiện internet cũng như nghiện ma túy vậy, phải Ý CHÍ lắm mới bỏ được. Nhưng làm được cái đó rồi, thì sau này cái gì làm cũng được.


100 bài dạy làm ăn: Chọn bạn làm ăn (Bài 2)

100 bài dạy làm ăn, biên tập theo chương trình của Đài truyền hình Hàn Quốc thập niên 70 
------------------------------------------------------------------------------
Chọn bạn làm ăn (2)

Người ta nói “đàn ông đi biển có đôi”, vì tự mình thì chỉ dừng ở mức độ đi câu cá, còn muốn giăng lưới đánh mẻ cá to, phải hợp lực cùng nhau.

Điều kiện cần của hùn hạp là SỰ HÀO SẢNG của người rủ. Điều kiện đủ là KỶ LUẬT CỦA MỖI CÁ NHÂN người góp vốn. Kỷ luật này phải là bản chất, hoặc phải được đào tạo để trở thành thói quen.

Nhóm tình nguyện sau 3 tuần bán cà chua, 30/60 bạn phải rời nhóm. Có những cam kết ban đầu các bạn bỏ qua. Đi trễ. Về sớm. Xuề xòa cho qua sai sót. Báo cáo đến hạn không có. Giao việc quên làm… Các bạn ấy nói dượng không biết tụi con vất vả như thế nào, chiều thứ 6 tan sở là đón xe lên Đà Lạt, mua cà chua xong, sáng thứ 7 ngồi phân loại đến khuya, rồi chủ nhật đứng bán cả ngày, kiếm được bi nhiêu tiền là gửi hết vào quỹ “bạn trẻ khởi nghiệp” hay “áo ấm mùa đông”. Tony đánh giá các bạn ở yếu tố nhiệt tình, tốt bụng, chăm chỉ, hào sảng…nhưng đấy chỉ là ĐIỀU KIỆN CẦN. ĐIỀU KIỆN ĐỦ là tính kỷ luật thì không có, nên trước sau gì cũng tan rã nhóm, giải tán trước cho rồi. Còn 30 đứa thì đào tạo 30 đứa. Hoặc không làm cũng được, làm thì phải đàng hoàng. Ông Lý Quang Diệu nói “you cannot reach your dream or goal without discipline”. Discipline là tính kỷ luật, nếu không có nó, dream (giấc mơ) hay goal (mục tiêu cuối cùng) sẽ không bao giờ đạt được.

Nước Đức tạo nên chủ nghĩa hoàn hảo trong công việc là vì người Đức được rèn luyện tính kỷ luật từ tấm bé. Người Nhật tạo nên huyền thoại Á Châu cũng vì tính kỷ luật khủng khiếp của mình. Người Hàn tạo nên kỳ tích cũng vì tính kỷ luật đôi lúc hơi cực đoan của họ. Doanh nhân nào thành đạt cũng có cái tính tuyệt vời đó. Bạn thử hẹn ăn trưa với Mr Jack Ma của Alibaba hay Mr Warren Buffett, hẹn 11h45 là đúng 11h45. Không có chuyện tiệc cưới mời 6h thì 7h15 mới múa hát và đãi ăn lúc 7h45.

Nếu thấy người không có tính kỷ luật, xuề xòa…thì chỉ cà phê cà pháo, tuyệt đối không hợp tác. Ở miền Tây Nam Bộ, dân ở đây có tính hào sảng nên khi mới mở ra làm ăn, doanh nghiệp nào cũng phát triển ầm ầm. Nhưng đến quy mô cỡ vài ngàn công nhân, thì bắt đầu lộn xộn trong quản lý. Có nhà máy chế biến cá basa nọ, cách đây 4 năm Tony đến mua cá, thấy công nhân đi vệ sinh xong vô không rửa tay, quản đốc thấy nhưng bỏ qua. Rồi quản đốc thì vừa chỉ đạo sản xuất vừa quẹt quẹt smartphone. Ông bảo vệ thì ngủ gục, bấm còi miết mới ra mở cửa cổng, đầu tóc rồi bù. Trong phòng thì giám đốc đang cợt nhã với một nữ thực tập sinh, trêu đùa quá trớn. Nhân viên thì vừa đọc tin tức online vừa làm hợp đồng, nên ngôn ngữ hợp đồng ngoại thương mà cứ như nói chuyện showbiz. Khi họp xong, Tony rủ đi ăn trưa, ông giám đốc gọi miết thì anh tài xế mới xuất hiện, vì anh đang trong phòng riêng đánh bài ăn tiền với các tài xế khác. Tony nói sao anh để vậy thì anh cười khà khà, nói kệ, anh em cả. Bữa nào bốn anh hội đồng quản trụy có mặt ở nhà máy, thì phòng giám đốc sẽ được đóng kín, các anh sẽ quánh bài tiến lên. Bốn người là đủ tay bài. Còn nếu chỉ có 2 anh, thì sẽ quánh cờ tướng, mỗi ván cả chục triệu.

Tony thấy doanh nghiệp vầy thì không ổn. Và đúng 4 năm sau thì nhà máy này rao bán. Vì đơn hàng xuất khẩu nào cũng bị trả lại hoặc tiêu hủy, lúc thì nhiễm vi sinh, lúc thì rơi cây kim trong bịch cá, xuất qua kia bị máy dò kim loại phát hiện, lúc thì cháy nổ do công nhân bất cẩn…Lỗ triền miên. Bữa họp cổ đông để bán nhà máy, trong 4 anh sáng lập viên, người đến muộn 15 phút, người đến muộn 2 tiếng, quýnh quáng bước vào phòng họp, gãi tai nói các lý do vô cùng quen thuộc như kẹt xe, lốp hỏng, đau bụng đột xuất, đưa mẹ đi bơi,…

Trên đường về lại Sài Gòn, anh S, đại diện công ty tài chính, giờ là cổ đông chính của nhà máy này, hỏi Tony chứ em biết vì sao họ rất giỏi, rất tài năng, nhưng cuối cùng phải bán nhà máy không. Vì tính kỷ luật là thứ DUY NHẤT họ thiếu. Họ chỉ có thể ĐẺ mà không thể NUÔI. Anh S nói anh sẽ không giữ ban giám đốc cũ, vì sợ là sự vô kỷ luật, sự xuề xòa của họ ảnh hưởng đến cả công ty, ai cũng bắt chước thì chết.

Nên các bạn trẻ, muốn có sự nghiệp, phải rèn tính kỷ luật cho CÁ NHÂN mình. Cái này đơn giản chỉ là sự RÈN LUYỆN. Quyết tâm 11h đêm ngủ là 11h đêm tắt đèn tắt máy tính đi ngủ. Đúng 5h sáng thức dậy là đúng 5h, vặn đồng hồ reng reng, bật dậy như lò xo. Tập thể dục là tập thể dục. Mệt cũng tập, trời lạnh cỡ nào cũng tập. Đến công sở trường học phải tuyệt đối đúng giờ, 8h học là 8h mở tập ra học. Giờ ăn là ăn, chơi là chơi, làm là làm. Ngồi cà phê với bạn bè là nói chuyện, tắt máy, không vừa nói chuyện vừa gián đoạn vì facebook hay tin nhắn. Kỷ luật khủng khiếp cho cá nhân mình, không nuông chiều cái lười, cái xuề xòa, cái “thôi kệ”. Và bạn bè cũng vậy, hạn chế chơi với thể loại vô kỷ luật, vì sẽ bị lây nhiễm. Khi học hành, chọn đội nhóm để làm bài tập chẳng hạn, chỉ chọn người có kỷ luật, không CẢ NỂ, mình cả nể là mình khổ. Đặc biệt trong làm ăn, người rủ mình mà kém kỷ luật, thì thôi. Vì hùn với họ, mình có cố gắng làm đến đâu đi nữa, cuối cùng cũng dẹp tiệm.

Bốn anh sáng lập viên nhà máy thủy sản kia, bán xong có chút tiền, rượu chè suốt. Rồi bất đắc chí, tới giờ khởi nghiệp lại vẫn chưa được, đành chạy xe ôm kiếm sống. Cứ chở khách đi ngang thì chỉ trỏ nói hồi xưa nhà máy này của tụi anh nè. Hằng ngày, 4 anh tụ tập với nhau ở quán cà phê, vừa ngồi chờ khách vừa quánh bài, ván giờ chỉ còn mười ngàn hai chục.

Nhưng cả bốn đều rất vui. Vì lúc nào cũng đủ tay bài. Enough hands to play cards. Always.



Tuesday, December 9, 2014

Hoa hậu ứng xử ra răng?

Tony mấy nay bị tụi nhỏ dội bom, hỏi dượng ơi với câu hỏi cho cuộc thi hoa hậu vừa tổ chức xong, trả lời như thế nào là đạt. Cả ngày bán phân không yên với tụi nó, nói dượng chỉ tụi con để tụi con thi hạc sinh thanh luỵch. Tony sau khi bán xong, dọn hàng vô nhà rồi, rửa tay rồi quẹt quẹt lau khô trong cái quần bà ba màu nâu, lật đật vô nhà online coi tin tức liền, chứ mấy bữa nay không cập nhật tin tức gì hết. Search “cuộc thi hoa hậu”, thấy câu hỏi là “điều gì làm người con gái Việt Nam không bị lẫn với những cô gái khác trên thế giới?" rồi một câu “đàn ông và phụ nữ, ai sướng hơn”. Đọc mà mồ hôi tuôn thành dòng.

Câu hỏi so sánh là câu hỏi khó nhất và tế nhị nhất trong các câu hỏi. Nếu ở nước ngoài, người ta sẽ hỏi “đức tính nào ở phụ nữ Việt nam mà mình thích nhất” hay “nếu được chọn, bạn muốn làm đàn ông hay phụ nữ, vì sao”, chứ không có so sánh trực tiếp vậy, vì trả lời thế nào cũng chết. Ví dụ câu phụ nữ Việt Nam khác phụ nữ thế giới thế nào, mình nói đẹp, thông minh, dịu dàng, nhân hậu, thủy chung, chịu đựng…thi bị quật lại vậy phụ nữ nước khác hẻm có mấy cái đó hả? Nên nếu Tony thi hoa hậu, đụng câu hỏi đó, cũng chỉ mỉm cười. Nhưng tụi nhỏ hẻm chịu, nó nói mình chỉ cười là bị quánh giá thiếu i-ốt đó dượng, phải trả lời. Nếu bị ép phải trả lời, Tony sẽ nói là “ Điều mà phụ nữ Việt Nam không lẫn được với phụ nữ nước ngoài là nói tiếng Việt lưu loát như tiếng mẹ đẻ”.

Trong giao tiếp, nếu mình bị hỏi mấy câu so sánh, mình nên cười trừ. Còn ép thì nói đại bâng quơ gì đó cho xong. Ví dụ hỏi phở Hà Nội ngon hay phở Sài Gòn ngon thì mình nói “em thích ăn bún bò Huế”, trả lời trớt quớt vậy cho dượng. Chứ câu hỏi cắc cớ, nó sai từ phương pháp đặt câu hỏi rồi. Hay “đờn ông hay phụ nữ, ai sướng hơn” thì mình mỉm cười thôi, chứ sao biết. Sướng khổ là phạm trù cảm tính mà, ai chả có lúc sướng, có lúc khổ. Khóc…

Nên trong trò chuyện, đừng hỏi các câu hỏi so sánh. Cũng đừng chê trách ban giám khảo nhé, dượng hồi xưa cũng không biết cái vụ này, cứ hỏi vậy suốt. May mà qua Há Vợt nó dạy cho mới biết đó chớ.

Thôi thôi, bán phân bán phân. Kẻo bọn nó lại mắng, bán phân mà lại bon chen chuyện showbiz
(ĐT reng)
“A lô, anh Bảy hả? Lấy cái gì? 10 tấn NPK 16-16-8 hả? Rồi rồi, sáng mai giao cho. Rảnh tối tối chèo ghe qua nhà tui nhậu nghen anh Bảy”.

Khách mới gọi. Thui giờ dượng ra sông tắm, dạo này vô vụ Đông Xuân bán phân thuốc cả ngày…



Monday, December 8, 2014

Dặn dò TNV

Tình nguyện viên: Dượng, có người họ nói họ tặng cho tụi con quần áo. Có người xin số TK tụi con để gửi tiền. Tụi con có nên nhận?

Tony: Quần áo mới thì có thể nhận, tùy theo có thuận tiện hay không. Nếu họ ví dụ ở Cà Mau, gửi có 1 cái áo ấm, mà kêu mình tới lấy, thì thôi con à, nói cám ơn. Đâu có TNV nào ở Cà Mau đâu, từ Cần Thơ là điểm gần nhất đi xuống đó lấy 1 cái áo về, thời gian sẽ không hợp lý. Chưa kể gửi bưu điện ra, giá cước còn cao hơn mua cái áo ở Hà Nội.

Còn quần áo cũ thì chỉ cho họ chỗ khác, có nhiều chương trình nhận lắm, search trên mạng. Còn tiền thì tuyệt đối không nhận, nhưng có thể đề nghị họ như vầy, nếu họ chuyển vào TK của mình, mình sẽ coi như tiền trả trước để mua nông sản. Nông sản bán của mình cập nhật trên page, họ sẽ chỉ định mình giao đến địa chỉ nào đó, coi như là họ tặng cho chỗ đó. Ví dụ: lần trước có 1 người gửi về nhóm Tp HCM 500 USD, nhóm đã giao cà chua, hồng, nấm rơm nấm mèo…đến các cơ sở từ thiện như bếp ăn bệnh viện, trại trẻ mồ côi, chùa nuôi người bị bệnh xã hội…Nhớ lấy lại biên nhận và scan, gửi cho họ coi để họ yên tâm, dù người ta nói thôi thôi nhưng NGHĨA VỤ mình là PHẢI GỬI biên nhận và cập nhật số tiền còn giữ. 1 đồng của người ta là cũng của người ta. Phải rõ ràng nhé.

Cách đây 3 hôm, dượng nhận 2 triệu đồng của một ông bạn nhậu (nói đọc bài Mùi Kiệu của dượng trong sách cái ngồi khóc, nhớ hồi xưa đi thi ĐH), xong cái rút ra 2 triệu, nói mua sách gửi về Khánh Hòa đi, dù ổng là dân An Giang, ổng nói ổng yêu các thầy cô giáo ở Khánh Hòa vì ở đó đã đào tạo ra dượng. Nghe mà mắc cười muốn chết. Cái dượng mới nói anh H nhân viên kế toán lên tiki mua số lượng sách cho đúng 2 triệu trên, chuyển ra Nha Trang, nhờ 1 cô giáo ở đó nhận giúp rồi gửi cho các giáo viên trên vùng núi Khánh Sơn Khánh Vĩnh.

Nói chung là tiền cứ gửi thì mình cứ nhận, nhưng PHẢI COI LÀ TIỀN MUA HÀNG. Vì nhiệm vụ chính dượng giao các bạn là TẬP KINH DOANH, vì tương lai của chính các bạn. Dượng mong bạn nào sau thời gian tình nguyện đều có thể lập công ty Sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Và cố gắng PR cho được cái huyện miền núi xa xôi kia. Hồi giờ đâu ai biết Sốp Cộp, Nậm Pồ, Xín Mần, Mường Ảng, Pác Nặm,…cái mình quảng cáo, có người cũng tò mò lên đó chơi chẳng hạn. Cứ 1 người lên thì phải tiêu tiền ở đó, ăn ngủ ở đó, người dân ở đó sẽ có thêm chút thu nhập. Chưa kể họ chụp hình check-in, bạn bè kéo nhau lên đó chơi, làm ăn, yêu đương,..và khoảng cách kinh tế văn hóa với miền xuôi ngày càng ngắn lại.

Vậy nghen mấy đứa. Dượng




Sunday, December 7, 2014

Hành trình hạnh phúc

Sáng nay, tôi nhận được lời chúc tôi nhiều sức khỏe và nhiệt huyết cho công việc thiện nguyện tôi đang làm. Giật mình nhìn lịch, tôi mới nhận ra 5/12 là ngày Quốc tế tình nguyện. 

Bỗng chốc tôi cảm thấy tự hào về những đóng góp bé nhỏ mà nhóm đã và đang cố gắng hết sức dành cho cộng đồng dù rằng chỉ mấy tiếng trước đây thôi chúng tôi đã thật sự muốn dừng chân trên chặng đường này.

Chúng tôi không chỉ nghiệp dư trong kinh doanh, chúng tôi nghiệp dư cả trong công tác tổ chức nhóm tình nguyện. Mọi khởi đầu đều bắt đầu bằng rất nhiều gian nan.

Đó là khó khăn khi nhân sự quá ít, có thời điểm dài cả nhóm chỉ còn có 4 người. Chúng tôi vừa chăm sóc page, trả lời khách hàng, vừa cập nhật đơn hàng, giải quyết các thắc mắc của khách hàng, vừa nhập hàng, chở hàng, vừa đối ngoại để tìm người hỗ trợ tại các tỉnh, vừa liên hệ nhà ga sân bãi ,vừa liên hệ cán bộ tỉnh và hiệu trưởng các trường Điện Biên Đông, vừa tìm kiếm khách hàng và chăm sóc khách hàng.

Vừa phải đảm bảo tốt các hoạt động của nhóm, chúng tôi phải làm tròn trách nhiệm của 1 người con tốt, 1 người mẹ tốt, 1 nhân viên tốt, 1 sinh viên tốt. Sự non nớt trong kinh nghiệm, sự thiếu từng trải và sự eo hẹp thời gian khiến chúng tôi mắc phải các sai sót. Nhiều lời xin lỗi được gửi đi nhưng sự áy náy còn mãi khiến lòng chúng tôi trĩu nặng.

Nhưng nếu chúng tôi dừng chân tại thời điểm này, số lợi nhuận ít ỏi không đủ mua áo ấm cho tất cả những bé thơ đang ngóng chờ. Chúng tôi sẽ phụ sự tin tưởng của thày cô hiệu trưởng, sẽ đánh mất của các em thơ niềm tin vào những điều tốt đẹp. Chúng tôi sẽ phụ công sức và nỗ lực của tất cả các anh chị khách hàng và những người đã đồng hành cùng nhóm suốt từ buổi khởi đầu.

Chúng tôi không thể dừng bước khi mỗi ngày chúng tôi lại nhận được những comment, những inbox đặt hàng từ các khách hàng thân yêu. Chúng tôi không thể dừng bước khi đọc tin nhắn của thày hiệu trưởng tiểu học Pú Nhi: Lạnh lắm rồi Miền Xuôi ơi…

Chúng tôi yêu việc được trò chuyện với khách hàng mỗi ngày, việc được gửi đến những nông sản an toàn mỗi ngày, việc được tích cóp và gom nhặt những tấm áo mới mỗi ngày. Tình yêu dịu dàng ấy khiến chúng tôi cảm nhận cuộc sống đẹp hơn sau những bộn bề thường nhật.

Có ai đó nói rằng, hạnh phúc là có một công việc để làm, có một người để nghĩ tới và có một điều để hi vọng. Và chúng tôi đang hạnh phúc.

Hạnh phúc không chỉ là ở chặng cuối con đường khi chúng tôi có thể khóac lên những tấm lưng trần nhỏ bé ấy tấm áo mới đầu tiên trong đời, được sưởi ấm cho đôi tay đôi má ửng lên vì gió lạnh của các em.

Hạnh phúc là tất cả những ngày trong chuỗi hành trình đầy nhọc nhằn chúng tôi đang đi. Khi mồ hôi và nước mắt được đánh đổi bằng rất nhiều niềm vui. Khi sai sót được đánh đổi bằng rất nhiều bài học.

Cuộc sống bỗng chốc đẹp và ý nghĩa hơn khi chúng ta nắm tay nhau trên hành trình hạnh phúc, khi được dang tay sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh…



Popular Posts

Blog Archive

Powered by Blogger.