Saturday, December 6, 2014

Về nỗi cực hình mang tên ngoại ngữ…

Sáng nay một bảo vệ vô Villa De Tony đưa thư, thấy Tony đang tắm chó nên bạn đứng nói chuyện chút. Bạn kể là đã học xong khoa Hóa của một ĐH lớn, nhưng không có bằng. Trường chỉ quy định TOEIC gì đó chỉ có 400-500 trăm, tức mức tối thiểu về trình ngoại ngữ, nhưng bạn học không có. Mấy năm rồi luyện miết thi miết mà không được, quá hạn nên trường đuổi. Với bạn, ngoại ngữ khó như lên trời.

Tony thấy tiếc, giá như có bằng đại học, cuộc đời bạn có thể đã khác. Dù có bảng điểm nhưng không có bằng cấp nên mọi cánh cửa của nhân viên văn phòng, nhân viên phòng thí nghiệm hay quản lý sản xuất đều đóng sập trước mắt bạn. Gia đình cũng kêu bạn về quê, có một vị trí công chức nhỏ, nhưng có bằng đâu mà về, bằng ĐH là điều kiện cần của thi công chức. Giấu thì phải giấu đến cùng nên bạn lấy mọi lý do để kiên quyết ở lại thành phố. Đói quá nên bạn phải xin đi làm công nhân, rồi đi làm bảo vệ. Bạn nói ở đây lương 3.2 triệu/tháng và làm theo ca, nếu làm ca đêm sẽ có phụ cấp, thu nhập sẽ trên 4 triệu. Bạn nói chú có trồng cây gì thêm không, con sẽ vô làm cho, chú cho con thêm vài trăm ngàn/tháng nữa chứ sống vầy chật vật quá.

Tony mới thấy ủa sao một đứa từng học chuyên Hóa của một tỉnh, bây giờ sau 4 năm tính mol axit ba-zờ đã đời, lại đi làm lao động phổ thông ở mức lương tối thiểu. Nó nói, chung quy cũng vì cái bệnh sợ ngoại ngữ. Mà không phải mình con, lớp con cũng mấy đứa bị vậy. Rồi thậm chí có bạn cũng có chứng chỉ vừa đủ để có bằng ĐH, nhưng thất nghiệp vì không xin được việc cả mấy năm nay. Vì ở đâu người ta cũng đòi ngoại ngữ.

Nói mới nhớ, năm lớp 6, lần đầu tiên học ngoại ngữ, Tony có cảm giác không học được. Vì mớ bong bong xì xồ xì xào, lên giọng xuống giọng, rồi chia thì, chia động từ loạn cào cào... Cô giáo vô lớp bắt thuộc lòng mấy bài hội thoại, chỉ nhớ là Mary là cô gái mặc áo đầm, Daisy có cái mũi dài dài. Còn bạn người Việt thì có Ba, Lan, Nam, Mai, nói chuyện gì ở đâu bên Anh bên Pháp. Nên Tony học đối phó, 4 năm cấp 2 là bốn năm vật lộn, sợ hãi khi tới tiết này. Khi thầy hỏi “who ask, who answer”, cả lớp gục mặt xuống hết, đứa nào lén lén nhìn lên là thấy sẽ nói “you, you please”. Sợ chết khiếp.

Năm lớp 10, dịp Tết, cả lớp đi Nha Trang thăm cô giáo, cô dắt cả lớp lên chùa Long Sơn, Tony đang đứng thì có một bà Tây tới hỏi nhà vệ sinh. Tony chỉ xong, sẵn tiện chờ bà ra nói thêm vài câu nữa, nhưng bà hỏi lại hay trả lời lại thì không hiểu gì. Cái về nhà, lúc đó phong trào học ngoại ngữ phát triển mạnh với bằng A,B,C. Học cuốn Streamlines, cuốn 1 xong là có bằng A. Cuốn 2,3 là có bằng B, cuốn 4 là có bằng C. Tony đọc cuốn 1, thấy thú vị quá. Có những mẩu chuyện rất hài hước. Bèn mày mò tự học, từ nào không biết tự phát âm theo ký hiệu trong từ điển. Có lần hỏi cô P, cô giáo dạy Anh văn năm lớp 10 chứ em đọc chữ này đúng không, cổ ngạc nhiên, nói ủa sao em biết mấy cái từ này. Tony mới nói là em học trong Streamlines. Cuốn sách đó là cuốn sách đầu tiên khiến Tony ham thích ngoại ngữ và nền tảng để khám phá thế giới sau này.

Sau này học tiếng Hoa, không có điều kiện do bận quá, Tony mua 3 cuốn sách “những mẩu chuyện vui tiếng Hoa” và đọc 15 phút trong toilet vào buổi sáng. Chỉ 3 tháng, trình độ trở nên phay chảng lỉu li (lưu loát phi thường). Như vậy, cái gì nó hài hước, nó dễ thấm vô hơn, nhất là việc học.

Các bạn nếu thấy ngoại ngữ là một cực hình, tìm thầy cô giáo vui vui mà học. Các bài học cũng vậy, nên chọn bài hài hước để nhớ lâu. Và phải thực tế nữa, ví dụ dịch những câu miêu tả “một ngày của em” như sau: “sáng nay 6h đồng hồ báo thức nhưng dậy không nổi, em ngủ nướng đến 7h. Định tập thể dục nhưng em làm biếng quá nên thôi. Hôm nay em ăn sáng trước rồi mới quánh răng. Sau đó em đi tắm nhưng không gội đầu, sợ hết nước. Sau đó em đi xe máy từ hẻm phóng ra đường, suýt tông bà kia, bả chửi em cái đồ đi ẩu. Em không đi xe buýt vì lười đi bộ. Em đến lớp nhưng không vô mà ngồi ngoài quán cà phê, chờ mấy đứa bạn nữa tới rồi đi chơi game hoặc bi-da. Mẹ cho em 50,000 đồng/ngày em xài hẻm đủ. Tới tối thì em đi học thêm ngoại ngữ, em có muốn học đâu nhưng tại ba em ép. Vào lớp, em tranh thủ coi ai xinh xinh thì tán tỉnh. Tối về nhà, em ăn vội chén cơm rồi lên phòng lập tức online facebook đến 2h sáng…”.

Mình dịch và học thuộc đi. Kể lại cho Tây nghe, nó cười ha hả, thế là thích thú, có động lực để viết 1 tuần của em, một tháng của em, một năm của em, một cuộc đời em…



Thursday, December 4, 2014

Chuyện ở Mumbai

Rất nhiều tình nguyện viên sau 2 tuần bán hàng nông sản Việt gây quỹ “Ánh mắt học trò là áo ấm mùa đông” đã gửi thư về Tony. Có thư viết lúc 2h sáng. Làm công tác xã hội nó vậy đó, các bạn sẽ mất ngủ, sẽ trăn trở một vài đêm, nhưng chính là lúc não hằn lên những nếp nhăn, giúp bạn có được óc già dặn.

Nhiều bạn nói tụi con sinh ra ở thành phố, lớn lên trong nhung lụa, mọi thứ cha mẹ chu cấp, học hành thì thầy cô chỉ từng bài toán, làm giúp từng bài văn…nên khi lên vùng cao, thấy các em bé hồn nhiên giữa núi rừng, tụi con bật khóc. Về lại thành phố, thấy yêu cha mẹ, yêu mọi người, yêu cuộc đời hơn. Tụi con không còn sừng cồ, không tranh giành từng mét đường với những người tham gia giao thông khác nữa. Hay khi họ mắng chửi mình, thay vì đáp trả lại, tụi con chỉ bỏ đi, vì thấy họ tội nghiệp, họ còn quá sân si với cuộc đời này. Vì họ chưa biết cho đi…

Đúng vậy. Các bạn đã nhìn sự việc ở một góc nhìn khác, rất văn minh, rất nhân văn, rất đẳng cấp. Nên từ thiện cho người khác, thật ra cuối cùng chính là từ thiện cho chính bản thân mình. Hồi đó dượng đi Ấn Độ học một lớp đào tạo doanh nhân, toàn người giàu học, trừ dượng, vì dượng đẹp trai quá, nên được đặc cách. Có một ông thầy ổng dạy như vầy nè. Một tỷ phú khôn ngoan là một tỷ phú giúp bao nhiêu người làm triệu phú. Vì sao, vì trước hết là cho ông ấy. Giả sử ông ấy ở trong 1 cái lâu đài, lâu đài của ông ấy nằm giữa những biệt thự, người ta sẽ bảo vệ ông ấy. Còn nếu lâu đài của ông ấy nằm giữa một khu toàn nhà tranh vách lá, nó mà phát hỏa thì lâu đài của ổng cũng tiêu luôn. Có bữa cả lớp đi thực tập, ông thầy chỉ vào tòa lâu đài mấy triệu đô trong một khu ổ chuột, ổng nói họ dại quá. Phải giàu đều, kéo người ta lên thì cái giàu của mình mới vững chắc. Luật doanh nghiệp Ấn Độ quy định mỗi doanh nghiệp đạt doanh số nào đó sẽ bắt buộc trích ít nhất 2% lợi nhuận cho công tác xã hội (CSR là Corporate Social Responsibility).

Thực tế, ở Ấn Độ, có những ông chủ giàu có và nhân viên cũng xúng xính ngon lành, gắn bó lâu dài, công ty phát triển vượt bậc. Nhưng cũng có những ông chủ giàu sụ, béo tốt, da trắng hồng nhưng người làm thì lương chỉ vài ba đồng, ốm tong ốm teo, miệng mồm méo mó, gửi đơn xin nghỉ việc suốt. Mấy ông chủ này lúc nào cũng than thở “tìm không ra được nhân viên tốt, tụi nó nhảy cóc suốt, cứ mấy tháng lại thay người…”. Thì trách mình chứ sao trách tụi nó. Cứ đào tạo thật tốt, lương 1-2 ngàn đô, giao việc cho tụi nó làm từ sáng đến tối...thử có đứa nào bỏ việc không. Vấn đề là mình sẵn sàng cho nó 1-2000 đô nếu nó làm cho mình 10,000 đô. Nhưng nhiều người miệng mồm nói hay lắm, nhưng đụng đến chuyện này là hẻm chịu, vì không có tính hào sảng. Anh bạn của dượng, có một nhà máy quần áo rất lớn thừa hưởng từ gia đình, khi nghe Tony kể về chuyện cô Lành bán vé số ở Long An đưa xấp vé số trúng 6.6 tỷ cho anh kia, rồi anh kia tặng lại 1 tờ 1 tỷ rưỡi, anh nói "anh không được vậy, nếu cổ đưa anh xấp vé số đó, anh chỉ tặng vài triệu. Vì anh tiếc". Anh tiếc tiền thì người ta tiếc công tiếc sức, sẽ không thể cống hiến 100% năng lực cho công ty anh được.

Nên sự hào sảng là phải có, phải có nếu muốn thành đạt, các bạn trẻ tin lời Tony đi. Mà sự hào sảng chỉ có khi mình phải biết cho đi, biết làm từ thiện, đừng đợi giàu có mới làm. Vì giàu là bao nhiêu? Bao nhiêu mới là giàu? Tony có 2 người bạn mà kính phục nhất, một là bạn N, người Ninh Hòa, bạn cấp 2. Bạn này cứ rảnh là đi hiến máu. Người thứ 2 là bạn P, người Huế, bạn ĐH. Bạn này từ lúc ra trường, lương có 4 triệu nhưng đã trích 10% tức 400 ngàn đồng gửi các em mồ côi, bây giờ lương gấp mấy lần, cổ vẫn trích 10%. Nhưng cũng có những người bạn đi xe hơi, thu nhập một năm vài tỷ đồng, nhưng mỗi lần nói từ thiện là lơ đi. Vì họ không có sự hào sảng.

Dượng chợt nhớ lời ông thầy Ấn Độ dạy. Ai cũng muốn lộc thật nhiều, tiền thật nhiều, cố lấy vào và cố giữ. Cuối cùng lại mất hết. Vì phúc như thân thuyền, lộc là thứ chất lên thuyền. Phúc mỏng mà lộc nhiều, thuyền nhanh đắm. Cho bớt đi nhé, còn ít, cũng hơi tiếc, nhưng mà còn...



Wednesday, December 3, 2014

Chuyện cái quần bơi

Sau 3 tháng bị Tony cho mấy liều doping tinh thần, các bạn trẻ toàn quốc đã thi đua sản xuất. Các xưởng cơ khí máy móc nói sao dạo này người ta tới đặt máy móc nhiều quá vậy. Rồi mấy cơ sở chai lọ bao bì cũng cười như bắt được vàng. Học sinh trường nghề thay vì tốt nghiệp và xin việc, đã tự sản xuất ở nhà bù lông ốc vít nút áo... Các bạn kỹ sư cũng vậy, thay vì nộp cái luận án “nhợt nhạt” để ra trường và xếp hàng “xin việc” như thế hệ cũ, đã tự vay vốn mở xưởng và gọi đàn anh đến “cho việc”. Nhiều sản phẩm đã ra đời, từ bếp điện tử đến bếp ga, bếp từ, bếp củi không khói….rồi nồi niêu xoong chảo, dao lam dao phay, kéo cắt giấy tỉa củ, nhíp nhổ lông mày. Có bạn còn sản xuất quần bơi phản quang (để đi bơi đêm, cả hồ bơi/bãi biển sáng lấp lánh các hình tam giác) tặng dượng 1 cái mà ngượng quá hẻm dám mặc (nói thiệt chứ hôm bữa có mặc thử, rình rình nửa đêm tắt hết đèn mặc vô thử có đúng 1 lần). Có bạn còn sản xuất bóng điện gì ném không vỡ, ánh sáng cao gấp 3 lần bóng thông thường, nó ném bẻo dèn trước mặt dượng sợ muốn chết. Rồi có bạn sản xuất tăm xỉa răng, kem đánh răng từ bột thảo dược, quánh vô răng thơm quá trời…Bạn nào không sản xuất gì cũng vội ra vườn lật đất lên, trồng tỉa cây gì đó. Nhóm trồng trọt và chăn nuôi đã mở rộng quy mô sản xuất với lời thề quyết tâm, NÔNG, không TIỂU NÔNG. NHÂN, không TIỂU NHÂN. Cái gì mà tiểu tiểu là không chơi, trừ 1 cái bắt buộc.

Nhưng bây giờ, vấn đề là, sản xuất xong, ai tiêu thụ? Vì ông trời ổng ác ở chỗ, người có cái đầu kỹ thuật thì lại kém kinh doanh. Bạn Thành ở Bạc Liêu làm xong mấy chục cái nhíp nhổ lông mày hòng xuất khẩu cho các tiệm nail của người Việt, giờ không biết bán đi đâu, nên cứ ai ngang qua nhà là bị bạn Thành đè ra thử nghiệm sản phẩm. Thử nghiệm gì trụi lũi chân mày của người ta vậy Thành?

Để giải quyết bài toán trên, Tony bèn thành lập team bán hàng toàn quốc, mục đích chính là giúp các bạn có đầu ra, lợi nhuận thì dùng cho công tác từ thiện, chứ ngay bây giờ, còn nhỏ quá mà chia chác, trước sau gì cũng cãi vả giận hờn không nhìn mặt nhau, tư tưởng Tiểu Nông lại ùa về choáng ngợp tâm trí, gương mặt lại từ Hào Sảng đẹp đẽ trở lại Tiểu Nhân khôn quắt queo, nhìn muốn ói. Cứ tiểu nhân tiểu nông miết nhìn ớn quá tụi bây ơi.

Làm Làm Làm. Hạc hạc hạc. Lao vô đi các bạn ơi. Đừng ôm cái laptop và ipad ngồi đó NATO nhé. Dượng ghét mấy đứa NATO như ghét <cái hàng hóa dượng đang kinh doanh> vậy.

P/S: NATO là No Action, Talk Only. Tức mấy đứa không làm, chỉ nói. Mình coi nó có làm cái gì không, có thành tích hay thành tựu gì không, thì mới cho nói. Còn nếu nó chẳng có gì, có cái miệng nói không, thì mình nạt nộ, bảo đi chỗ khác.



Tuesday, December 2, 2014

Bệnh " toán lớp một"

Tới giờ, có nhiều nhóm đã đi được 1/3 đoạn đường, kiếm được 100 cái áo gửi lên miền núi, các nhóm này đều âm thầm làm, rất là giỏi. Nhưng cũng có nhóm vẫn chưa triển khai bán hàng lần nào, do thành viên chỉ trích trưởng nhóm, trưởng nhóm chỉ trích thành viên, cái gì cũng tranh cãi. Có bạn đọc bài tình nguyện viên kinh doanh nông sản cuối tuần gây quỹ “Áo Ấm Cho Em” thì hào hứng gia nhập, nhưng sáng gọi đi bán hàng thì mắng mỏ “tôi đang ngủ, tôi có nợ ai đâu mà gọi réo suốt thế”. Có bạn mới vô góp vô quỹ 50,000 đồng, rời khỏi nhóm tình nguyện thì đòi lại cho bằng được. Hôm qua họp team tình nguyện, Tony nói thôi các bạn góp vô vài ba chục ngàn làm quỹ chung, trà đá mua khỏi phải góp, có bạn giãy nảy ngay, lúc nào trà nước gì đó thì chia ra mà trả, “đã tình nguyện mà còn đóng tiền, con phản đối". Bạn nào bạn nấy đều đồng tình sau khi nghe câu ấy, gương mặt bạn nào cũng toát lên vẻ khôn nhìn bắt mệt. Một ca trà đá giá 5000 đồng mà có tới 50 bạn, hỏi mỗi bạn phải trả bao nhiêu? Sao toàn cử nhân thạc sĩ mà cứ đi giải toán lớp 1 miết vậy?

Có bạn kể với Tony là trong quá khứ đã từng cho ăn xin 20,000 đồng, nhưng sau đó thì “day dứt mãi khôn nguôi”. Nói là họ có bệnh tật gì đâu, lúc đó con xúc động nhưng sau đó thấy họ lành lặn nên con tức lắm, từ đó không cho ai nữa, thật giả gì cũng không. Có 20,000 đồng thôi mà, chưa tới 1 USD, mình có nghèo đi đâu, giả sử lúc đó người ăn xin đó làm cho mình xúc động quá, thì 20,000 đồng đó coi như vé xem kịch, quá rẻ để xem người ta diễn hay đến như vậy. Chưa kể là người ta khổ thật thì sao? Mất 2 tỷ thì có thể “day dứt mãi khôn nguôi”, chứ có 20,000 đồng thôi mà nhớ hoài chi cho mệt đầu vậy. Cái tính hảo sảng, các bạn phải tập mới có. Dám buông bỏ, nghĩ lớn…mới có được cái đức tính QUAN TRỌNG này.

Cũng có đứa gửi thư, nói con rất hào sảng phóng khoáng, con sẽ làm doanh nhân vĩ đại, con sẽ trở thành Bill Gates, Mark Zuckerberg với tài sản cứ mỗi giây là vô được mấy chục ngàn USD. Bữa nay ghé văn phòng đưa hộ Tony 1 tờ giấy, lúc về nói dượng đưa con lại 15,000 tiền xăng. Cái đâu 30 phút sau thấy lại gõ cửa, nói dượng đưa thêm con 2000 đồng tiền gửi xe nữa. Nó nói “con ra ngoài, suy nghĩ mãi mới quyết định là vào lấy thêm tiền gửi xe, vì việc tình nguyện bỏ công ra là dượng phải mang ơn con rồi, mấy đứa trẻ trên miền núi phải mang ơn con rồi, còn tiền thì vấn đề nhạy cảm, 1 đồng con cũng không chịu thiệt”. Mất những 30 phút để kiếm 2000 đồng, sao học tới sin cos lim log rồi mà lại suốt ngày đi giải toán lớp 1, hay tuổi thơ kéo dài quá ?

Trước khi về, nó xin ở lại nói chuyện với Tony 5 phút. Nó nói con thắc mắc chuyện này miết, sao mấy người như Bill Gates đó, họ kiếm tiền được như vậy nhưng sao ngu quá dượng? Sao lại đem tặng hết vô quỹ từ thiện? Nếu là con á, con sẽ, con sẽ…không ngu như vậy. Con sẽ mua cái này á, con sẽ mua cái kia á...

Tony nói: Thôi con đi về giùm, dượng bữa nay bị lây bệnh "toán lớp 1" của mấy đứa rồi nè. Dượng bán phân cứ 5 phút lãi được 50 ngàn đồng, nãy giờ con lấy của dượng 10 phút tương đương 100,000 đồng, tức 5 USD, cả ly cà phê Starbucks chứ ít gì.

Thôi. Xin người hãy đi đi. Hãy để tôi ngu...tôi không muốn lây nhiễm cái khôn của các người nữa...



Monday, December 1, 2014

Chuyện con nghé…

Cách đây mấy năm, lúc đội bóng đá VN thi đấu với đội tuyển Nhật, Tony đọc mục thể thao, thấy ý kiến nhiều chuyên gia là “cầm hòa với Nhật là một chiến thắng”. Đã thi đấu, thì thắng là thắng, mà thua là thua, không có chuyện “cầm hòa là thắng” hay “chúng ta thua trên thế thắng”. Thế thắng là thế gì, lại sao có thế mà lại thua? Thi đấu là sòng phẳng, thua thì thôi, không nên có tư tưởng chủ bại trước khi thi đấu.

Hồi xưa nghe cô giáo kể, ông vua gì đó đem con trâu to đến thách đố, dân làng tìm cách đối phó bằng cách đem con nghé ra thi. Con nghé thấy tưởng mẹ nên chui vào bụng đòi ti, con trâu kia nhột quá chạy mất. Và kết luận chúng ta thắng một cách mưu trí và tài giỏi. Chuyện gì xảy ra nếu con trâu kia không chạy mà nó húc 1 phát vào con nghé? Chuyện dưới lũy tre làng thì kể cho vui, chứ hội nhập quốc tế rồi, để bơi vòng chung kết, các vận động viên phải bơi vòng loại dù trước đó phải đạt chuẩn Olympic. Không ai hạ chỉ tiêu để con nghé vào võ đài. Nên tự mình phải học hành nghiêm túc, ngoại ngữ tinh thông, thể dục thể thao để tướng mạo khỏe mạnh đẹp đẽ, đi xe buýt-hạn chế đi xe máy cho lưng nó thẳng, ra bắt tay quốc tế phải cao lớn ngang hàng, đọc sách văn học nhiều để gương mặt thanh tú sáng sủa…

Nhiều bạn trẻ thấy người ta làm thì thích, nhưng tới lượt mình thì sợ. Lên thành phố học thì sợ cây ngã đè. Đi phỏng vấn nghĩ chắc rớt. Thấy người ta đi du lịch thì ham, nhưng kêu đi thì không, nói sợ. Đi vùng sâu tình nguyện, sợ sốt rét. Học kỹ sư, sợ điện giật. Làm cái gì cũng “chắc không được đâu”. Định kinh doanh cái gì đó, nghĩ một hồi lại thôi, thấy có người làm rồi. Học Anh văn thì chắc học không vô, mặc định “không có khiếu ngoại ngữ”. Trồng trọt thì sợ viễn cảnh đổ đống. Chăn nuôi sợ dịch bệnh chết hàng loạt. Sản xuất ra sợ không bán được hàng. Vay vốn thì sợ áp lực trả không nổi. Nhìn đời bằng ánh mắt lấm lét. Vì sợ quá. Nạt to 1 cái là ướt quần.

Tư tưởng chủ bại khiến người ta cứ lần khần, dùng dằng, rối trí. Trong khi thời gian thì trôi vun vút, nào có chờ đợi ai. Các bạn nên nhớ, không có gì là quá sớm, cũng chẳng có gì là quá muộn. Khái niệm sớm hay muộn là do mình tự nghĩ ra và tự giới hạn cho mình. Vấn đề là muốn hay không muốn. Nếu muốn, quyết tâm làm.

Tony có anh bạn, bác sĩ, khi anh sang Mỹ định cư, anh đã 35 tuổi. Bên Mỹ họ không công nhận bằng bác sĩ của mình, nên anh phải học lại. Ai cũng khuyên anh từ bỏ, thôi làm nail cho xong. Anh không nghe lời ai, cứ mày mò, đánh vần từng chữ tiếng Anh và có được bằng bác sĩ Mỹ lúc 46 tuổi. Ít ai biết thương hiệu 7UP thành công sau 6 lần UP thất bại.

Có làm thì mới có sai. Sai thì sửa. Sửa rồi sẽ tốt đẹp hơn. Người hay chỉ trích người khác phạm sai lầm thế này thế nọ, là vì họ dư thời gian quá. Đâu có thấy 1 chủ doanh nghiệp lên mạng đăng đàn chỉ trích cái anh gì mua Iphone bên Singapore đâu, vì họ đầu tắt mặt tối ăn còn không kịp. Nên các bạn trẻ, nếu muốn làm thì cứ làm, trong phạm vi tự mình trả giá thì cứ mạnh dạn. Bỏ vài ba chục triệu tiền để dành thay vì mua smartphone, mình đem ra sản xuất kinh doanh thử, trường hợp xấu nhất thì coi như đi đường rớt mất cái smartphone. Sai càng nhiều lúc còn trẻ thì khả năng thành công trong tương lai càng lớn. Và tuyệt đối, không chỉ trích người khác. Không dành thời gian cho việc lảm nhảm đó. Nếu thèm chỉ trích quá thì nên tự trách mình. Nằm gác tay lên trán suy nghĩ về đời mình. Phân tích vì sao sai, nguyên nhân, nếu cho làm lại thì mình sẽ làm tốt hơn như thế nào.

Nhưng phải làm, làm, làm...không sợ sai các bạn nhé. Nếu muốn không mắc sai lầm, cách duy nhất là không làm gì cả.



Món mới, Cali De Tony

Các bạn đọc coi tài tả món ăn của dượng 'cao cấp' tới đâu? Đọc xong có muốn quất luôn chục hộp Cali de Tony này về ăn cơm không? Các nhóm tình nguyện đều đang chuẩn bị cho các đơn hàng cali của mọi người. Trời Hà Nội lại lạnh rồi. Cá linh kho mía, kho mía, lạnh trời, ôiii..

"Cali de Tony"
Cali đây có nghĩa là Cá linh, chứ hẻm phải tiểu bang bên Mỹ.
Ở miền Tây Nam Bộ, nếu ai hỏi món gì ngon nhất, Tony sẽ trả lời đó là món cali. Cá linh gắn với truyền thuyết ngày xưa giúp vua Gia Long chạy trốn khỏi sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn, nên dân gọi là linh.

Cá linh giống cá hồi ở đặc điểm mỗi lần đau đẻ là tìm về thượng nguồn, đó là biển Hồ của Cambuchia. Đẻ xong, cá con sẽ trôi theo dòng Tonle Sap vào Việt Nam qua 2 ngã Hậu Giang/Tiền Giang. Đến VN, cá linh bằng ngón tay út, ngày xưa nhiều vô kể, quấn thành khối lớn, dân khẩn hoang rảnh rảnh ra vớt vô ăn. Cá linh thơm, béo, ngọt đặc trưng mà không có loại cá nào so sánh bằng, lại hoàn toàn không có mùi tanh. Nên khi xúc về, rửa sạch, có thể đổ bánh xèo, hay nhúng lẩu, hay kho lạt ăn với bông điên điển mùa nước nổi là sự kết hợp không thể có món gì ngon hơn.

Sau khi cá vào sâu nội địa Việt Nam, thì cá bắt đầu lớn. Nên ở hạ nguồn, họ chỉ bắt được cá linh to bằng ngón tay cái hay chân cái. Cá này, người miền Tây sẽ dùng để kho mía. Cá sẽ làm sạch, mía lau chẻ nhỏ rồi xếp dưới nồi, cá xếp trên. Chặt 1 trái dừa xiêm đổ vô sao cho xâm xấp nước, thêm chút nước mắm và tiêu Phú Quốc giã dập hoặc ớt hiểm nguyên trái. Lấy cái dĩa đè lên trên. Sau đó sẽ kho liu riu lửa khoảng 5h thì cá sẽ khô, lúc này xương mềm rục, dọn ra với cơm nóng, trời mưa lạnh lạnh, thì thôi, quất 4-5 bát vẫn chưa thấy no nữa.

Nhưng bát thứ 6 thì no.

P/S: Sản phẩm này hiện đã có 1 số cty chế biến thủy sản ở Nam Bộ sản xuất và đóng hộp. Mình mua về, lấy ra chén, bỏ 1 muỗng giấm Kim Ngân vào, 1 muỗng cà phê nước mắm nữa (vì khẩu vị của dân miền Tây hơi ngọt, mình nên thêm 1 ít nước mắm nữa sẽ cực ngon). Sau đó hâm nóng trên bếp hoặc lo vi sóng. Một hộp khoảng 200 gram, để chế biến 1 hộp cá này, mình phải có khoảng 300 gram cá tươi, một trái dừa xiêm, nửa cây mía, ăn được 1 bữa cơm lòi họng. Dọn ra ăn kèm với rau sống các loại.

Chúc các bạn chế biến một bữa ăn “cali de Tony” đậm chất Nam Bộ nhé…"




Sunday, November 30, 2014

Cho một tháng mới đầy năng lượng

Muốn được người khác tôn trọng, bạn phải tự trọng, tức tự tôn trọng bản thân

(Các bạn làm giáo viên hay làm quản lý nên đọc và chia sẻ bài này)

Hồi đó có lần thầy giáo phát bài kiểm tra cho cả lớp, rồi hỏi ai là người xứng đáng với số điểm mình cầm trên tay, tức là thực điểm không quay bài. Thầy cho rằng việc ăn cắp điểm số và lừa gạt giáo viên để có điểm đẹp là việc đáng hổ thẹn, nhưng không nói ra, chỉ nói là thấy đánh giá cao các bạn trung thực. Các bạn này trước sau gì cũng thành đạt, sống cuộc đời có ý nghĩa vì không trái lương tâm. Lần đầu, chỉ có Tony và 1 bạn nữa giơ tay. Nhưng thấy thầy cũng không đá động gì các bạn khác không giơ tay, coi như không đếm xỉa, chỉ sửa bài Tony và bạn kia, nói sai chỗ này chỗ kia. Có bạn không giơ tay lên nói thầy sửa giùm em đi, thầy nói “ tui đâu có khả năng sửa sách giáo khoa”. Lần kiểm tra sau, thầy lại hỏi và lần này có tới 5 bạn giơ tay. Sau đó đâu lần thứ 10 thì gần cả lớp đồng giơ tay. Và đứa quay bài cuối cùng thấy lẻ loi, thấy kỳ dị quá nên cũng từ bỏ thói quen thấp hèn ấy. Sau này, lớp Tony đều thành đạt vì ai cũng là người văn minh, đẳng cấp.

Sau này Tony đi làm, có một công ty cũng áp dụng hình thức này. Cứ cuối tháng phát lương, nhân viên sẽ ký vô bảng “ xứng đáng hay không xứng đáng”, trong 1 cái gọi là tự nhận xét bản thân. Chẳng hạn ai không vi phạm đi trễ về sớm, làm việc riêng trong lúc làm việc, không vi phạm quy định của công ty, thì đánh dấu vào ô tôi xứng đáng. Quyền lợi, lương thưởng đầy đủ thì nghĩa vụ cũng phải rõ ràng. Còn ai không dám ký vào thì công ty cũng bỏ qua. Nhưng số lượng người đánh dấu vào đó tăng lên qua từng tháng, vì sâu thẳm trong mỗi người đó là lòng tự trọng, quyền được tôn trọng. Vì công ty sẽ dán thông tin này trên bảng thông tin, scan và email đến tất cả mọi nhân viên với lời khen của ông sếp về các bạn đã tự tin xác nhận mình làm đúng.

Cũng có nhiều nhân viên của văn hóa cũ bức xúc. Nhưng ông sếp vẫn kiên quyết, ai tự tin thì ký vào đó, tôi không ăn cắp, tôi không nói dối, mình như thế nào thì nói như thế việc gì phải sợ, phải ngại? Còn các bạn khác thì thôi, ổng bỏ qua, coi như không thèm đếm xỉa. Dần dần, số lượng người ký xác nhận “tôi tử tế” tăng lên, và hầu như cả công ty ai cũng ký, cầm tiền lương trên tay và lòng đầy hoan hỉ, hạnh phúc, thấy mình có giá trị thật sự. Một số người ăn cắp, nói dối, hoặc vô kỷ luật sẽ phải thay đổi, hoặc xin nghỉ việc vì cảm thấy quá lẻ loi, 1 cái xấu quá lẻ loi trong một tập thể tốt.

Tự trọng nghĩa là tự tôn trọng mình, xây dựng những giá trị riêng của mình, giá trị Nguyễn Văn A. Khi mình có giá trị thì người khác sẽ tôn trọng, sẽ kính trọng mình một cách tự nhiên, mình không cần phải cố gắng hay nỗ lực SĨ để được trọng.



Popular Posts

Blog Archive

Powered by Blogger.