Friday, May 22, 2015

Chứng tự kỷ của Tony

Hồi đi hạc, Tony thấy bạn nào mà quay bài là khinh bỉ. Thấy hèn. Mặc dù không méc thầy cô, nhưng không ấm ức khi điểm mình thấp hơn. Vì điểm nào cũng được, đủ 5 là ra trường, còn giỏi dở thì hạ hồi phân giải. Thấy đứa nào quay bài được 10 điểm mà reo mừng mà mình thấy coi thường, quay bài chính là hành vi ăn cắp cái điểm ấy chứ có phải tự mình làm ra đâu, ăn cắp thì nên gục mặt xuống đất. Tony hay ngồi trong 1 góc, chơi với 1-2 đứa thôi nên bị mọi người kết vào dạng bệnh tự kỷ, tiếng Anh là Autism (đọc là Ó tịt dùm)
Còn nhớ, trong phòng thi, lúc thu lại bài, bạn nào mà cố gắng ráng viết thêm vài chữ nữa là Tony cũng khinh, không thích đứa ham điểm số đến độ giám thị nhắc nhở thu bài vẫn không đưa. Nhìn mặt đỏ bừng, tay chân luống cuống nghệch ngoạc thêm vài chữ là Tony bĩu môi. Nó có nhào tới bắt tay cũng gỡ tay ra, nói tay đang đau, xin đừng đụng đến. Còn Tony thì canh khoảng 15 phút hết giờ là đi lên bảng nộp bài, làm chưa hết cũng nộp, hất mẹt rồi đi ra khỏi phòng. Nhiều lúc ra ngoài rồi mới biết đáp số là sai, nhưng chẳng bao giờ hối tiếc. Vì thích như vậy, muốn chảnh thì phải trả giá chứ hối hận gì.
Tony hạc cái ngành mất 5 năm, cái năm 4 đi kiến tập và xin việc luôn ở 1 công ty nước ngoài về nghiên cứu thị trường. Quản lý Tony là 1 ông có tính phết phẩy kinh khủng. Ổng ăn tạp, cái gì cũng ăn. Visa làm cho đồng nghiệp nước ngoài sang Việt Nam 35 USD thì ổng lấy 50 USD. Mua hoa đi khai trương khách hàng, mua có 500 ngàn chứ kêu bên bán hoa xuất hóa đơn 700 ngàn. Làm cái gì ổng cũng ăn lời, thậm chí gọi điện thoại riêng cho người thân ổng không gọi ở nhà, lên công ty gọi cho tiết kiệm. Mình nói anh ăn thì ăn cho đáng luôn, không thì thôi. Chứ mấy đồng bạc lẻ vầy, cứ giấu giấu diếm diếm, thò thò thụt thụt em mệt quá. Anh giao bạn khác đi, mặc dù được chia tiền nhưng em thấy không thích cầm đồng tiền ấy.
Cái ổng điên tiết chửi mình ngu. Cái Tony nói nhẹ nhàng, dạ thưa anh, ngu hay không ngu là tùy quan điểm, nhưng em xác nhận là em không hèn. Cái ổng tìm cách méc sếp lớn đuổi mình. Cái mình biết được, mới vào phòng ảnh thưa chuyện. Mình nói anh à, những chuyện gì anh làm em sẽ không tham gia, nhưng cũng không nói ai biết. Em còn đi học và đây là việc làm thêm, thế giới người lớn phức tạp quá, em xin không bàn luận. Nhưng nếu anh xử em, thì em sẽ cũng không để anh yên. Em dù chỉ mới 22 tuổi thôi nhưng cũng hiểu biết nhiều, và không phải là đứa hiền hay ngáo ngơ. Em sẽ nghỉ việc ở đây khi em thấy cần phải nghỉ. Trước khi ra khỏi phòng còn đọc tặng ổng câu ca dao “Trạng chết thì chúa cũng băng hà, dưa gang đỏ đít- thì cả đỏ trôn”. Mình ăn nói dạ thưa lễ phép nhưng lời lẽ rất cứng. Ổng nói mới sinh viên mà đã tinh vi tinh tướng. Nhưng từ đó về sau ổng không bao giờ nhìn thẳng mình nữa, không biết vì sợ hay vì ghét. Nhóm thực tập còn lại theo ổng phết phẩy khí thế, có tiền có bạc nên ăn nói bạt mạng, nhậu nhẹt suốt ngày. Và mình tách biệt ra, tụi nó lại bảo là tự kỷ, không hòa đồng. Tự kỷ thì đã sao. Tony vui với chứng bệnh ấy.
Ngay bây giờ làm ăn, khách đòi phết phẩy, gửi giá vô hợp đồng, Tony nói thôi bên em không có dịch vụ đó. Khách nói vậy thôi mua chỗ khác à. Cái mình nói tùy anh, anh làm với bên em, em đảm bảo về chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Em hài hước một cách thông minh, anh sẽ thấy đỡ stress. Thật ra nói mạnh miệng như vậy là vì Tony giàu quá rồi. Chăm chỉ học tiếng Anh tiếng Pháp tiếng Hoa cả tuổi trẻ nên giờ buôn bán quốc tế ầm ầm. Làm thụt thò vậy cũng chẳng làm chi, giàu thì cũng như thế này là đủ. Cũng ăn ngày 3 bữa. Sáng cũng phở bò, trưa cũng cơm gà, tối cũng bánh bèo bánh nậm. Nhức đầu là thay đồ đi Mỹ. Sài Gòn nóng là bay lên Đà Lạt, nghỉ dưỡng trong Villa De Tony dưới rừng thông. Giàu thêm thì hẻm biết làm gì cho hết tiền. Hổng lẽ sáng ăn 2 con tôm hùm điểm tâm, trưa 2 kg thịt bò Mỹ hay nhức đầu thì thay đồ bay ra ngoài vũ trụ?
Nên tâm thế Tony nó cao ngạo, nhiều lúc thấy hẻm giống ai. Tiền mình chủ yếu lấy của mấy thằng Ả Rập châu Phi chứ phải của con Na thằng Mít trong làng đâu mà nó bắt đi đám giỗ nhà nó cũng phải vác mặt qua cho được. Thích thì đi, hẻm thích thì thôi. Nên mấy ông đại gia Việt Nam gặp mình, đòi bảo trợ gì đó là Tony im lặng không nói. Hôm bữa bà chị họ tội nghiệp, ép mình đi ăn tiệc dưới lâu đài gì đó dưới quận 7 cho được, nói có mấy mối quan hệ hay lắm, giới thiệu cho em làm ăn. Cái mình nói đi với chị cho vui thôi, chứ quan hệ gì đó em hẻm cần thiết đâu chị ạ. Cái vô bàn ngồi, giới thiệu đây là anh A, giám đốc ngân hàng X-Bank đó em. Tony nhìn mặt quen quen vì thấy ổng hay lên tivi. Cái bả giới thiệu mình đây là cậu em mình, tên Tèo, kinh doanh phân bón nhưng hạc Ha Vợt về, giỏi lắm. Cái mình gật đầu chào rồi im lặng không nói gì. Anh A nói thế Ha Vợt ở bờ Đông hay bờ Tây ấy nhỉ? (nghe thấy yếu môn địa lý rồi). Con của anh nhé, 3 đứa đều từ bé đã sang bên đó, đứa đầu đang hạc ở ABC University, phải xuất sắc lắm mới được vào, em có biết không. Cái mình cũng lắc đầu. Ảnh nói ô hay lạ nhỉ, trường đấy nổi tiếng sao em không biết nhỉ. Cái mình nói dạ em chỉ biết mấy trường nằm trong top 5, mấy trường top dưới em không rõ.
Anh A có vẻ tức, cao giọng hỏi chú em làm gì, chỉ bán phân thôi à, bọn kinh doanh ngành đấy không có anh là chết. Anh ra tay cứu hết. Thế có biết ông P giám đốc phân bón Đầu Gà hem? Biết ông M giám đốc phân bón hiệu Đầu Voi hem. Ông K chủ tập đoàn Đuôi Chuột hem? Em muốn gặp không anh gọi phát ra ngay. Cái mình nói dạ biết. Anh A đợi miết cũng hẻm thấy mình xin card hay số di động gì cả, nên sốt ruột hỏi thế chú em đang vay ở đâu. Mình cũng im lặng, lắc đầu, nở 1 nụ cười quý phái. Cả bàn xum xoe bu vô nói chuyện với ảnh, hỏi thăm quan hệ với chân dài này, ca sĩ kia, quan hệ với đại gia nọ, hỏi theo anh thì chính sách kinh doanh của ngành thép thế nào, ngành xi măng ra sao, dự đoán thị trường tài chính tiền tệ châu Á lên hay xuống. Rồi tình hình kinh tế xã hội thế giới năm nay sẽ diễn biến thế nào, anh A ngồi phán mấy câu, bọn kia nuốt từng lời, nhìn đầy ngưỡng mộ. Anh A cao hứng, vung tay chém gió phần phật, nói văng cả nước bọt lên bàn. Câu nào cũng ở thể khẳng định, như đinh đóng cột, ông Putin sẽ thế này, ông Obama sẽ thế kia… Mình không nói không cười, không tham gia câu chuyện. Thầy dạy ở Ha Vợt nói mà Tony cũng không tin nữa là mấy “phú ông” này. Kể cả mấy giáo sư tiến sĩ chuyên gia diễn giả châu Á, mình cũng cho là “thầy đồ” trong làng trong xã, cũng tôn trọng nhưng không nghe theo bao giờ, vì chữ nghĩa của họ cũng có giới hạn.
Anh A đang nói nhưng vẫn cố liếc nhìn Tony coi có phản ứng gì không. Thấy Tony vẫn bình thản ngồi yên nên tức tối lắm. Bà chị cứ thúc cùi chỏ, nói em tham gia vô câu chuyện đi, làm quen đi, đừng để ổng phật lòng. Nhưng Tony thấy không tham gia được vì không đúng tần số, khác lé vồ. Mây người chém gió phần phật thế chứ hỏi tác phẩm ven hạc Miếng Da Lừa của Balzac hay Nhà Giả Kim của Paulo thì tròn xoe mắt ngay, nói anh không ăn thịt lừa hay thợ vàng sao biết được. Còn lỡ bắt họ nghe bản giao hưởng số 5 của Beethoven hay xem bức Starry Night của Van Gogh hay đưa vô bảo tàng thì đâu 3 phút là họ ngủ gục. Nên Tony im lặng bâng quơ nhìn lên trần nhà, lấy 2 cốc nước trước mặt rót qua rót lại…cho vui. Anh A cứ chờ mình mở miệng ra nói chuyện với ổng miết, mà mình vẫn cứ lạnh tanh.
Đâu được 1h đồng hồ thì chịu không nổi nữa.
Và anh A bật khóc….


Thursday, May 21, 2015

Lịch sử hãng xe Khởi Á

KIA có nghĩa là Khởi Á, vượt lên, ra khỏi Á Châu, là hãng xe đầu tiên của Hàn Quốc.
Năm 1944, Khởi Á được thành lập, ban đầu chỉ là một cơ sở sản xuất phụ tùng xe đạp. 7 năm ròng rã, người Hàn mới ra đời được chiếc xe đạp của riêng mình vào năm 1951. Năm 1962, họ thử sản xuất xe lam, một loại xe 3 bánh có động cơ. Ngay lập tức, đường phố Seoul tràn ngập dòng xe này, chở học sinh đến trường, công nhân đến nhà máy. Năm 1974, chiếc xe hơi hoàn chỉnh đầu tiên được ra mắt công chúng.
Hãng Khởi Á liên tục phát triển đến khi lâm vào khó khăn do khủng hoảng tài chính châu Á 1997, và được hãng Hyundai (tức hãng Hiện Đại theo phiên âm Hán Việt) chi phối cổ phần cho đến nay.
Hiện nay, xe Khởi Á đã được bán rộng rãi ở mọi thị trường, hoàn thành tâm nguyện của người sáng lập. Xe hơi Khởi Á hiện chiếm 3.5% thị phần toàn cầu, lớn hơn cả Mercedes.
“Hành trình vạn dặm đều khởi đầu bằng 1 bước chân”. Bạn cứ ước mơ, không ai đánh thuế mà ước mơ nhỏ xíu…

Cách giảm lượng xe máy đậu trước quán ăn cửa hàng.

Một quán cà phê mang đi (take away) ở Ý có sáng kiến in các câu nói hay, các câu nói đổi đời (best quote) của nhiều danh nhân lên ly cà phê. Họ nhận thấy khi người ta ngồi đăm chiêu nhìn ly cà phê, lúc đó một câu nói nào đó có thể gợi cho họ ra nhiều ý tưởng mới. Họ có thể in ra giấy để dán lên ly lúc nhân viên rảnh rỗi. Hoặc in cố định vào ly sành sứ thuỷ tinh. Lúc không có khách, nhân viên sẽ dán lên ly hoặc dọn dẹp lâu chùi từng mm quán để lúc nào cũng có việc để làm.
Họ cũng có chương trình đổi vé xe buýt để giảm giá, ví dụ 10 vé xe buýt sẽ được giảm 30%, điều này hạn chế lượng xe cá nhân đậu trước quán chật chội. Thậm chí đưa 30 vé họ free cho 1 ly cà phê Americano thơm ngon tuyệt. Nhiều cửa hàng thức ăn nhanh và cửa hàng quần áo, siêu thị...dùng giải pháp này khiến doanh số tăng vọt và giữ ở mức cao.
Ở các thành phố lớn của Việt Nam, các bạn chủ quán, cửa hàng, công sở... có thể áp dụng cách này để giảm lượng xe máy đậu ken đặc trước quán, cửa hàng, công ty, giúp mặt tiền mình thoáng đãng, lúc nào cũng đông khách. Ai đi xe buýt là được ưu đãi khủng.
Hình ảnh các cô cậu tai đeo nghe nhạc nhảy lên xe buýt trông thật đáng yêu.

Tôi là ai?

Hôm bữa dự thi mứt thanh long có 1 bạn gái nói con mới lớp 11 thôi, gia đình lo cho sang Mỹ học cấp 3 nhưng nửa đường thì hết tiền, nên con phải về. Nhưng bạn ý định xong 12 thì sang lại Mỹ, lần này quyết tâm lấy học bổng để gia đình khỏi lo lắng. Với các bạn muốn giật học bổng quốc tế, Tony giúp các bạn tí xíu. Nhưng chỉ là định hướng, còn lại các bạn tự lực nghen.
Ở Mỹ, nếu muốn vô ĐH nói chung (college), hạc sinh phải có điểm SAT 1, reasoning test, một số nước gọi là tú tài bán. SAT 1 sẽ kiểm tra khả năng suy luận, viết, toán cơ bản…để xem đứa đó có đủ trình độ nhận thức để làm sinh viên không. Bắt đầu làm, bài viết nó chạy ra, ví dụ 25 phút, đồng hồ cát trừ dần thời gian, xong thì bấm nút NỘP BÀI. Đề dễ ẹt, ví dụ: số tiếp theo là số mấy: 2,4,6,…nếu mình hẻm biết điền vào số 8 thì thiếu I-ốt quá, cho về quê bán phân phượng tím. Hoặc coi cái mẫu thư xin việc mà không biết có bao nhiêu lỗi chính tả trong đó, thì không làm sinh viên được, toàn là kiến thức nền, hầu như ai cũng biết nếu được học qua. Một năm thi SAT tới 6 lần, cứ 2 tháng 1 kỳ nên bạn nào chưa tự tin thì để đợt sau, chả căng thẳng gì. Nộp SAT1 và tiền, thế là trường nó nhận. Thường là các trường đào tạo theo hệ ứng dụng, nó chỉ cần như vầy.
Còn muốn vô ĐH hàn lâm, tức University, học sinh phải có thêm điểm SAT 2, subject test (tú tài toàn) là điều kiện cần. SAT 2 kiểm tra các kỹ năng toán lý hóa sinh sử địa, tới 18 môn, cũng trắc nghiệm online, độ khó tăng dần để phân loại. Để vô ĐH top, SAT 2 phải từ 2000 điểm trở lên, nhưng với sinh viên Việt Nam thì dễ như trở bàn tay, có bạn gì ở trường Trần Đại Nghĩa Tp HCM thi đạt 2390, còn thiếu 10 điểm nữa là tối đa. Rất nhiều nước bây giờ dùng kỳ thi SAT để tuyển sinh, vì thi online không tốn kém gác thi chấm thi này nọ.
Vô ĐH nổi tiếng hoặc muốn có học bổng để khỏi tốn tiền cha mẹ, HS phải có thêm bài luận, tức điều kiện đủ. Hồi xưa Tony cũng viết bài luận với nhan đề “Tony-không chỉ là đôi mắt đẹp” mà được Há Vợt nó nhận (có kèm theo hình bận quần bơi đỏ, cầm trái táo đỏ bên bờ hồ). Mình có lợi thế gì là phải trưng ra hết. Ví dụ biết chơi đàn, bơi lội, võ thuật, từng sản xuất kinh doanh, từng cứu trợ, từng tham gia từ thiện xã hội, từng dạy cho trẻ em đường phố…nói chung là đứa nào sống đẹp là được nhận hết, nên muốn vô mấy ĐH nổi tiếng, các bạn trẻ phải sống đẹp với cộng đồng. Còn đứa nào chỉ Học và Học thì thôi, không có cửa vào ĐH top. Kiểu cha mẹ nói để mẹ rửa bát cho, con chỉ việc ngồi vào bàn giấy và học, thì dù SAT 2 có 2400, cánh cửa Harvard cũng hãy rất xa vời.
HS Trung Quốc hay xin tài liệu kiểu “500 bài luận vào trường X thành công” về tham khảo, nhưng tỷ lệ nhận thấp nhất vì câu nào cũng mang dấu ấn của ai đó. HS châu Âu được nhận với tỷ lệ cao nhất vì họ tự viết. Giám khảo họ có phần mềm anti-plagiarism (chống đạo văn), cập nhật liên tục. Bài của người nổi tiếng như Tony Tèo họ cũng dịch qua tiếng Anh, cập nhật. Mình mà bắt chước, kiểu “nước mắt lăn dài trên gương mặt thanh tú” thì họ biết ngay câu này là của Tony, nếu hẻm có ghi trích dẫn là quăng hồ sơ mình vô thùng rác. Nên các bạn phải soáng tộ. Nhớ nghen, phải soáng tộ.
Điểm thi SAT tới mấy ngàn điểm nên việc đánh giá chính xác hơn thang điểm 10 hay 20. Bây giờ SAT1, SAT2 nhiều nước áp dụng, mỗi nước có cục khảo thí sẽ xây dựng bộ đề riêng của mình. Các nước Sing, Mã, Phi, Thái…đều đã áp dụng cả. Giờ internet kéo về tận thôn xóm, bạn trẻ nào chả biết sử dụng máy tính, nên thi trắc nghiệm online kiểu vầy cho nhanh, từng huyện, từng tỉnh tổ chức luôn cho nó tiết kiệm. Khỏi có chuyện quay bài ném phao…vì riêng việc mở tài liệu hay nghe người khác chỉ bài, đồng hồ nó tự động chạy qua bài khác, điểm còn thấp hơn mình tự suy nghĩ, tự đánh máy. Trường ĐH lớn thì xét thêm bài luận để xem đứa trẻ này có chí lớn không, có thể gọi điện hay skype phỏng vấn online để tránh trường hợp ngáo ngơ bắt ớn mà bài luận thiệt hay do bố mẹ viết giùm.
Các bạn tự rèn luyện kỹ năng viết luận để áp-lai vô mấy trường nổi tiếng thế giới nhé. Tiêu chuẩn min 250 chữ, max 650 chữ. Chỉ một topic quen thuộc của mọi cánh cửa ĐH lớn “Tôi là ai. Who am I”.
Các hãng như Coca Cola, Boeing, P&G, Morgan, Citibank,…khi tuyển thực tập sinh quản trị (tức hạt giống lãnh đạo của hãng sau này) sẽ yêu cầu viết 1 bài mới “Who am I”. Họ sẽ xin lại bài luận cũ của năm 18 tuổi và xem dấu ấn đào tạo đã khiến bạn khác biệt như thế nào sau 4 năm.
Ở hãng Phượng Tím, mỗi đợt tuyển dụng, Tony phỏng vấn 10 bạn, tốt nghiệp toàn Bách Hóa, Ngại Thương, Kinh Tuế, thì đến 10 bạn không trả lời được câu hỏi “Tôi là ai”. Nói tưởng anh ra đề sin cos ô mê ga tê cộng phi thì tụi em giải được chứ hỏi vậy sao tụi em biết.
Ngồi phỏng vấn, tới câu hỏi "Tôi là ai", cả chục đứa nhìn nhau "ủa tao là ai mậy?"


Tuesday, May 19, 2015

Bệnh "Ham Hiểu Biết"

Hôm bữa một bạn gửi mail cho ad nói mình đang sinh hoạt trong clb doanh nhân của một tỉnh nọ, có bữa cả chục người gặp nhau ngoài ăn uống chỉ toàn thảo luận Tony Buổi Sáng là ai, xấu hay đẹp, có người nói là phụ nữ, có người nói là ông già, có người nói là một nhóm người....bàn tán đến hết giờ, không bàn chuyện làm ăn gì cả. Trong khi việc biết rõ về nhân thân như vậy chẳng để làm gì, thay vì nghe giọng hát thì đi vào đời tư ca sĩ khai thác từng chi tiết vợ chồng con cái xe cộ...
Nếu người ta muốn mình biết thông tin gì, cứ yên tâm là người ta sẽ nói rõ. Còn bằng không thì mình cũng hay tôn trọng, đừng HAM HIỂU BIẾT mấy cái nhảm nhí này, tính tò mò này sẽ khiến mình thành người nhiều chuyện.
Lớp cũ của ad có một bạn tên H, cả lớp đặt là "H hỏi". Vì cái gì cũng hỏi, bạn tới từng nhà coi gia cảnh có đúng như khai báo không, ai làm gì lấy ai bỏ ai...bạn đều nắm trong lòng bàn tay. Cứ lâu lâu, bạn lại chat facebook với ad là sao không có thông tin gì mới, mày vẫn cặp với cái Lan ấy nhỉ, lương hôm trước 7 triệu bữa nay được bao nhiêu rồi, bà sếp mày còn đi chiếc Camry không,...
Phải công nhận là bạn cũng có trí nhớ xuất sắc. Thông tin 1 bạn nào đó lỡ khai ra, Hữu sẽ ghi nhớ và triển khai với bạn khác, thỉnh thoảng có thông tin còn thiếu, bạn sẽ tự điền vô cho nó thành câu chuyện trơn tru.
Thế mới biết, thói tiểu nông tò mò này không dễ dứt bỏ ngày một ngày hai, dù H đã học lên thạc sĩ và chuẩn bị làm nghiên cứu sinh.
Bạn có còn bệnh này không?
H là Hữu đó, ad bị bênh giấu đầu lòi đuôi.

Luyện tiếng Anh ở Philippines nếu học mãi ở VN không được

Nhiều bạn gửi mail nói mình học tiếng Anh mãi không được, dù rất nhiều khóa, nhiều thầy, nhưng qua Philippines học có 1 tháng mà lên ầm ầm, nhìn cái ly nước cũng nghĩ từ tiếng Anh trước từ tiếng Việt, tạo thành phản xạ lưu loát, từ đó đâm ra đam mê ngoại ngữ.
Philippines là nước láng giềng, cách nước ta có cái bể. Hàng xóm này là trùm tiếng Anh ở châu Á do cổ họng của họ được trời phú khả năng bắt chước nói tiếng Anh như Mỹ, hát lại rất hay. Nếu bạn có vài ba chục triệu, nên đến đây để học. Nó bắt học ác lắm,từ mờ sáng đến khuya, ăn cũng nói, tắm cũng nói...
Rất nhiều du học sinh Hàn Quốc, Nhật Bản đang không biết tiếng Anh hoặc lèo tèo kiểu dạy toàn văn phạm của giáo dục nước họ, chỉ sang đây 3 tháng mà IELTS từ 5.0 trở thành 7.0 luôn. Chi phí 3 tháng cũng chỉ vài ba ngàn USD, 1 tháng cũng có, 1 năm cũng có khóa. Người đi làm Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc lâu lâu off 1 tháng, qua đây rèn tiếng Anh cho lưu loát, còn người Mỹ/Úc thì qua dạy...Các bạn xem lượng khách đến đây sẽ rõ.
Các bạn search “học tiếng Anh ở Philippines” hoặc “study English in the Philippines” sẽ tìm ra trung tâm phù hợp túi tiền và thời gian của mình.
Có tiếng Anh thì có cơ hội tiếp cận mọi thứ với thế giới bên ngoài. 50 tuổi học vẫn lưu loát như thường, vì chỉ là 1 ngôn ngữ, không khó như các bạn nghĩ. Về ứng dụng buôn bán quốc tế, đón đưa khách du lịch, xuất khẩu...cái gì cũng kiếm được nhiều tiền. Về xuống sân bay mẹ già ra đón, mình Hello mommy cho bà ngạc nhiên chơi. FB status viết tiếng Anh luôn cho Tây nó follow.
Hạc hạc hạc. Sống lại đời sinh viên nào. Mà du hạc sinh mới ghê.
“Bài ca sinh viên ta hát
Có nắng ấm ban mai ửng hồng
Tuổi sinh viên theo năm tháng
Trang giấy trắng ước mơ tràn đầy
Hàng me đang thay lá mới
Cất tiếng hát bay cao trời mây
Đàn chim hôm nay đã lớn
Ta vẫn nhớ mãi sân trường này
Tới những chân trời mới
Kìa Tổ quốc biết bao tươi đẹp
Tới những công trình mới
Dệt nên những ước mơ cho đời
Ta yêu một ngày mai
Bàn tay ta biến sông thành điện
Đi đi nào bạn ơi
Dệt lên những ước mơ cho đời”.


Monday, May 18, 2015

Thông báo tuyển tình nguyện viên quốc tế

Trại thực nghiệm của một ĐH nông nghiệp ở Thuỵ Điển có nhờ Tony xét tuyển 5 tình nguyện viên sang thực tập 6 tháng cho họ, mọi chi phí đều được đài thọ. Công việc hàng ngày là lao động chân tay như trồng hoa, đo nhiệt độ độ ẩm, tưới nước bón phân, ủ phân vi sinh, vắt sữa bò và làm phô mai sữa chua, dọn dẹp lau chùi phòng thí nghiệm, xưởng chế biến rau củ quả. Họ sẽ đào tạo để nắm vững các kỹ thuật trong nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sau thu hoạch. Chương trình sẽ hoàn thành khi mùa đông đến và các bạn phải về nước. Các bạn có thể đi chơi các nước châu Âu trong khối EU trước khi về.
Điều kiện xét tuyển:
1. Phải tham gia các đợt tình nguyện của Tony phát động năm ngoái như áo ấm mùa đông, giải cứu nông sản
2. Chờ nhận bằng tốt nghiệp hoặc đã tốt nghiệp bất cứ một đại học hay cao đẳng
3. Có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS từ 6.5 trở lên mới được xét tuyển visa (đã có chứng chỉ rồi vì chương trình phải đi ngay).
4. Biết làm việc nhà, không lóng ngóng xớ rớ trong lao động với các tình nguyện viên quốc tế khác.
Bạn nào đủ đk trên liên hệ lại với Tony, nhớ có thư xác nhận của trưởng nhóm là bạn có hoạt động tích cực trong nhóm, hào sảng nghĩa tình, biết lao động chân tay và không ngại khó ngại khổ khi tham gia chương trình năm ngoái. Các bạn chưa có chứng chỉ ngoại ngữ thì phải tích cực học, tập gym chạy bộ, làm việc nhà, rèn luyện thể lực để tham gia xét tuyển các đợt tiếp theo. Hiện rất nhiều độc giả người Việt đang làm việc ở các trường ĐH nước ngoài, các tập đoàn lớn nhờ Tony xét tuyển trợ tá cho họ, Tony ưu tiên các bạn đã từng làm công tác tình nguyện. Vì người dám bỏ thời gian làm việc có ích cho người khác thì xứng đáng được thưởng bằng các chuyến du lịch học tập ở nước ngoài, với tâm sáng đó họ sẽ lại giúp đỡ cộng đồng. Các bạn lưu ý muốn xin học bổng hay bất cứ chương trình gì, chỉ có bảng điểm thành tích học hành thôi sẽ không đủ, các bạn phải có hoạt động xã hội, thiện nguyện, lao động chân tay thể dục thể thao để cơ thể cân đối khoẻ mạnh vì nước ngoài họ sợ nuôi bệnh mình lắm.
TnBS

Mũ che tai cho thị trường xứ nóng

Hôm bữa ad đi Singapore tham dự một hội chợ triển lãm, có 1 doanh nghiệp của Trung Quốc tham gia trưng bày các loại mũ chuyên che tai, che gáy, thấy khách bu đông lắm. Ad bèn lê la lại hỏi, cũng dùng nhan sắc của mình cưa kéo cô chủ tên là Li, thì cô Li cho biết là thị trường các nước vùng xích đạo (Indo, Malay, Singapore, Thailand, Srilanka, India, châu Phi, châu Mỹ la tinh…) rất cần loại mũ này, vì tác dụng chống nóng, chống say nắng….nhưng rất lạ là không doanh nghiệp địa phương nào làm, họ phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Cô Li còn khoe là 2 ngày hội chợ mà đã ký được 4 container hàng xuất cho Sing và Malaysia. Cô tham dự các hội chợ may mặc thời trang để kiếm đơn hàng, và xưởng sản xuất của cô ở Quảng Châu có 300 công nhân.
Ad về tìm ở chợ Bến Thành thì không thấy bán, mà đây là một nhu cầu rất lớn cho khách du lịch.
Chia sẻ với các bạn trẻ, tự brainstorm đi nào. Làm chủ xí nghiệp may mũ xuất khẩu mang tên mình đi nhé, chuẩn bị gia nhập CLB May Mặc cùng Tony vì dạo này Tony en mẹc xấu quá...

Sunday, May 17, 2015

Bệnh ngày thứ 2

Trong tiếng Anh có chữ Monday Blues, nghĩa là bệnh ngày thứ hai. Blues đọc giống như chữ màu xanh dương, nhưng có thêm s, có nghĩa là xuống tinh thần, down spirit.
Cơ thể chúng ta quen với 2 ngày cuối tuần, ai mà phá sức ăn chơi thì ngày thứ hai với họ càng thêm mệt mỏi, thường họ uể oải, hẻm muốn làm việc. Nên dù là một nhân viên hay một quản lý, lấy lại đà làm việc là một nghệ thuật và kỹ thuật.
Tốt nhất là làm the weekly report, tức báo cáo tuần vào đầu sáng, tức họ gom to-do list của các ngày cũ, tự viết lại báo cáo tuần qua, và bắt đầu tuần tự thực hiện việc chưa làm xong, dang dở, thêm các việc mới.
Người Sing hay Nhật, ngoài the weekly report họ sẽ có buổi họp ngắn khoảng 30 phút vào sáng thứ 2, ai cũng ly cà phê (loại arabica) trên tay, quản lý sẽ truyền lửa đầu tuần mới cho họ. Chúng ta phải, chúng ta sẽ...chiếm các đỉnh núi cao.
The weekly report là cái bắt buộc mọi người phải làm, nhân viên sẽ có thói quen lười biếng, hoặc nói để chút nữa, chiều nay, hoặc thứ 3...nhưng mình đừng chấp nhận nhé. Không thoả thuận (compromise) với tính xuề xoà kiểu tác phong nông nghiệp cũ.
Ép làm, bắt buộc làm. Ai không làm thì dồn vô 1 góc, nói năng suất lao động chỉ bằng 1/15 Singapore thôi, mà còn lười biếng là sao? Em phải nghe lời anh, phải nghe lời chuỵ...
Còn nếu mình là nhân viên, đưa mình vào kỷ luật, tự trọng, không chờ nhắc nhở. Ai biếng kệ họ, mình cứ quần quật, quần quật...


Popular Posts

Blog Archive

Powered by Blogger.