Thursday, May 5, 2016

Dưới gốc sim già

1. Sim là một loại trái cây dại, mọc hoang ở nhiều vùng đồi núi của nước ta. Sim gắn liền với màu tím, qua những bài hát về những ngọn đồi tím ngắt. Trong bài hát Thu Hát Cho Người của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, có câu
"Ta vẫn chờ em, dưới gốc sim già đó
Để hái dâng người, một đoá đẫm tương tư..."
Và hiểu biết của Tony về quả sim, trước đây chỉ có vậy.
2. Tony được một người bạn Kontum tặng chai rượu vang sim Măng Đen vào tết năm rồi. Biết Tony là người thích uống rượu vang, trong nhà chi chít các loại vang Địa Trung Hải, Nam Mỹ, Úc, New Zealand....nên bạn e dè, nói quà quê có gì bạn uống được thì uống, không thì cho gia nhân. Tết, Tony mới mở ra uống thử, giật mình vì xứ Việt này cũng có một loại rượu vang đúng điệu đến thế.
Bất ngờ hơn, gặp một anh bạn đang dạy ở ĐH Cần Thơ, anh tiết lộ chị chủ nhà máy sản xuất rượu sim này là cựu sinh viên của trường. Một lần, chị theo bạn lên Măng Đen Kon Tum chơi, thấy sim rừng ở đây mọc hoang lên tới cả ngàn hecta, người dân hái bán ăn chơi cho vui, giá trị không cao mấy. Chị nếm thử thấy vị chát, chua và ngọt khá giống nho làm rượu vang (nho làm rượu vang khác nho ăn tươi), chị quyết định mày mò nghiên cứu, tìm mua nguồn men rượu vang vùng Bordeaux Pháp. Vùng đất Măng Đen lạnh quanh năm, nên chi phí sản xuất sẽ hiệu quả, vì gần nguồn nguyên liệu, không phải trữ phòng lạnh các thùng sồi ủ rượu...
Mọi tiêu chuẩn khắt khe nhất, nghiêm ngặt nhất của rượu vang tầm thế giới, rượu vang sim Măng Đen đều đã đạt được, cái có thể khiến người ta sử dụng lâu dài, mua để tiêu dùng thường xuyên chứ không phải mua vì ủng hộ.
Một cô gái đồng bằng miền Tây nam bộ, lăn lộn hy sinh nhiều thứ để hình thành nên một nhà máy trên vùng cao nguyên mát lạnh Măng Đen, giải quyết việc làm cho hàng ngàn hộ nông dân người dân tộc thiểu số nơi đây, là điều không dễ dàng tí nào cả.
Cùng là đồng hương Cần Thơ, Tony xin chắp tay bái chị 1 cái, coi như là cảm phục tài năng và ý chí.
Bạn trẻ hãy bắt chước chị, cùng nhau lên những vùng xa xôi để khởi nghiệp, giúp đỡ những người dân quê, xây dựng những thương hiệu mang tên mình, thay vì trí tuệ tập trung phân phối các sản phẩm ngoại quốc. Họ kinh doanh, thấy hết lãi thì họ rút đi, lúc đó nước mình có còn lại gì đâu? Cốt lõi của một nền kinh tế hùng mạnh là sản xuất.
Bạn trẻ cùng hẹn nhau, ngày này năm sau, trên đỉnh thành công.
"Ta vẫn chờ em, dưới gốc sim già đó..."

Tuesday, May 3, 2016

Bí mật của gương mặt thanh tú

Tony chỉ ăn thịt 1-2 lần/tuần, còn lại chủ yếu ăn cá và nấm nên gương mặt thanh thoát lạ kỳ, 50 tuổi rồi vẫn “tầm cao 1m80, cân nặng 70kg, thân hình hoàn toàn bình thường”, lúc nào cũng “rất hân hạnh được phục vụ quý khách”- (giống xe đẩy đi cân dạo).
Các hoàng đế xưa nay ở mọi quốc gia đều ước mơ cháy bỏng là “bất tử”, “trường thọ” tuy nhiên đều chết sớm vì bệnh tật, dù quan thái y cho ăn toàn cao lương mỹ vị. Nên những quan niệm cũ về đồ ăn bổ dưỡng cần phải xem lại dưới góc độ khoa học hiện đại.
Heo-thì phút (heathy foods) tức các loại thực phẩm giúp chúng ta khỏe mạnh.
Các nhóm thức ăn chính là tinh bột, đạm, chất béo, rau củ quả cung cấp chất xơ và vitamin. Chất mắc tiền nhất trong các loại trên là đạm. Cũng là nguồn bệnh tật nhiều nhất. Đạm càng ít chân càng tốt cho cơ thể.
1. Đạm không chân: đậu các loại (xanh, đỏ, phộng, đen, nành…), tàu hũ, đậu phụ, tào phớ. Cá, lươn, trứng, tảo, sữa, phô mai…đều là đạm không chân. Ăn cái này tốt nhất. Nên 3-4 ngày/tuần.
2. Đạm một chân: rong biển, nấm các loại: tốt nhì. Nên ăn 1-2 ngày/tuần
3. Đạm 2 chân: gà, vịt, ngan…: đạm này nên ăn 1 ngày/tuần
4. Đạm 4 chân: heo, bò, dê: nên ăn 1 LẦN/tuần vì khó tiêu.
5. Đạm nhiều chân: cua, tôm: nên ăn 1-2 lần/tháng vì khó tiêu.
=> Nếu tuân theo biểu đồ này, sẽ không bị bệnh Gút, gương mặt sẽ thanh tú, dáng vóc sẽ đẹp đẽ sang trọng, bụng không béo trông xấu xí, mệt mỏi. Mặt đỏ gay gắt, nọng dưới cằm xệ ra, da căng bóng đầy mỡ, nhìn dâm đãng, ham ăn ngủ x-y hơn lao động học tập…là do có chế độ ăn ngược lại với biểu đồ trên, thịt suốt ngày thì nó sẽ gương mặt đầy xôi thịt. Đây là quan niệm của người Ý, người Nhật. Họ thích ăn cá, rong biển nên thọ, sống miết, gương mặt ai cũng nho nhỏ xinh xinh. Ngày xưa, cả thế giới đều chìm vào trong đói kém. Nên miếng ăn nó quan trọng với nhiều dân tộc. Tuy nhiên, khi kinh tế khá rồi, thì tư tưởng phải khá theo. Phải từ bỏ những cái cũ lạc hậu.
Cây cỏ có 3 nhóm là cây cảnh, cây hoang dã và cây trồng đại trà (dùng hạt giống và kỹ thuật để trồng quy mô lớn). Chỉ ăn cái thứ 3. Đừng có mấy chậu hoa trồng cho đẹp nhà cửa đường phố xóm làng cũng nhổ lên ăn. Mấy cây trong rừng trồng để có oxy cũng chặt, phải để nó sống để tạo oxy cho mình thở và cân bằng sinh thái, con cháu mình có chỗ sống bền vững.
Thú vật cũng 3 nhóm. Thú cưng làm kiểng trong nhà như chó mèo khỉ, thường đặt cho nó cái tên. Thú hoang dã như rắn rùa hổ báo voi trên rừng, tự sinh tự diệt. Đừng bắt ăn thịt con này, đánh bẫy con kia, khiến tự nhiên bị mất một mắc xích trong chuỗi thức ăn, dẫn đến tuyệt diệt cả 1 chủng loại. Và thú nuôi dưới dạng nông trại, như gà, bò, heo…là nguồn thực phẩm, mình bơm tinh ấp trứng, muốn cho sinh sản cỡ nào cũng được. Cũng chỉ được ăn cái thứ 3. Nếu ba ba, cá sấu, le le… bắt tự nhiên thì không ăn, phải bảo tồn. Nhưng nếu họ nuôi thành nông trại thì Ok.
Cách chế biến của người châu Á cũng có vấn đề. Vì khi giết thịt, người châu Á hay cắt tiết, cho máu chảy từ từ rồi con vật chết vì mất máu, vì chúng ta ăn luôn cái máu đó dưới dạng “huyết”, nghĩ là bổ dưỡng. Việc gây đau đớn 1 con vật như vậy, bên Tây nó có “súc quyền” tức quyền gia súc, không được hành hạ động vật, vì nó cũng có thần kinh, cũng đau đớn khi bị đánh. Nhưng mình nhìn ở góc độ khoa học, thường thì khi đau đớn kéo dài, con vật sẽ tiết ra chất độc để thần kinh nó dịu hơn. IQ thấp lè tè như gà, heo, bò…khi mình làm thịt đồng loại của nó, nó vẫn nhởn nhơ ăn thóc, gặm cỏ, nhưng nó vẫn biết đau khi mình giết. Còn động vật bậc cao hơn như khỉ, mèo, chó, rắn…nó sợ hãi đến cùng cực nếu thấy đồng loại bị giết. Khi sự sợ hãi đến cùng cực đó, cơ thể nó lại tiết ra nhiều chất độc để trấn an. Nên khi mình ăn vào, không tốt cho sức khỏe. Tp Ngọc Lâm tỉnh Quảng Tây Trung Quốc là nơi tiêu thụ chó mèo khỉ rắn lớn nhất thế giới, tuổi thọ trung bình của dân cư ở đây chỉ 2/3 so với dân các vùng khác của Trung Quốc, kể cả vùng khắc khổ như Cam Túc, Thanh Hải…dân vẫn sống thọ hơn. Tony có anh bạn thân ở đây tên Zhu, anh Zhu chẳng ăn gì ngoài động vật hoang dã vì anh có tiền. Rắn thì cứ phải cắt tiết để anh nuốt tim, húp máu sống trộn với rượu, mật gấu luôn có trong tủ lạnh, sâm cầm anh ăn ngày 1 cặp, thịt hổ thì tháng 1 lần, con gì anh cũng bắt ngâm rượu…nên nhà anh trên tường nhung nhúc đầu voi sừng trâu, hầm rượu toàn ngâm bào thai hổ, rắn rết chim muông chứ hẻm phải hầm rượu vang sang trọng quý phái như nhà Tony. Anh Zhu do 1 lần ăn tiết canh con lợn mường nào đó, con sán thoát ra thành ruột, chui lên não. Anh qua tận Mỹ để mổ nhưng cũng không được, cứ mổ là nó trốn mất. Anh mài sừng tê giác uống miết mà bệnh càng nặng hơn, rồi cách đây mấy tháng, anh ấy đã “sự quang” (sự quang là tử vong, tự nhiên tới đoạn này cái chêm tiếng Tàu vô cho người ta biết mình rành nhiều sinh ngữ). Hoá ra, người Nam Phi bơm chất độc vô sừng tê giác để chống săn trộm, mà người châu Á không biết nên uống vô tưởng bổ, ai dè đang bơi bỗng dưng lật bụng trắng xoá.
Trứng vịt/gà rất tốt cho cơ thể, nhưng phải là trứng tươi. Trứng lộn hoàn toàn không mát như nhiều người nghĩ. Con vịt con trong trứng khi mình luộc lên, nước sẽ nóng từ từ, con vịt con bên trong tưởng là trái đất biến đổi khí hậu, nên ráng thích nghi. Thích nghi 1 hồi thì hóa ra là bị luộc, nước sôi lên trăm độ. Con vịt con bên trong chết, nhưng đạm của nó không tốt nữa, vì đã bị biến hóa theo hướng đạm xấu. Kiểu con giun xéo lắm cũng oằn, cứ lấy cái đũa xéo nó miết thì nó cũng oằn người lên 1 cái rồi mới chết.
Cho nên các loại tiết canh, huyết tương, bào thai các loại như hà nàm rắn, trứng lộn, sừng tê giác, hổ báo, thịt chó mèo khỉ vượn, chim muông hoang dã…không tốt chút nào. Rượu ngâm động vật mình cũng từ chối nhé, chỉ rượu hoa quả thì uống vài ba ly, nói xin lỗi, tôi chỉ dùng heo-thì phút (healthy foods). Ai ép mình, giận mình kệ họ chứ, health là của mình, mình phải giữ.
Người Tàu cũng có món gà đi bộ. Con gà sẽ bị cột chặt đặt trên cái chảo nóng, dưới này đốt lửa. Nó thấy nóng, co 1 chân lên. Rồi thả chân này lên chân kia xuống, cứ thế co lên thả xuống cả trăm lần đến khi ngã gục. Người ta cắt cặp chân đó, hầm thuốc bắc, nói bổ dưỡng, tức gà đi bộ. Nhưng ăn xong chả thấy bổ dưỡng đâu, chỉ thấy ngày càng ốm yếu. Người Hàn thì bắt con bạch tuộc sống chấm sốt rồi bỏ vào miệng, con bạch tuộc sẽ bám vào thành cổ, tạo cảm giác thú vị cho người ưa cảm giác mạnh, với điều kiện là răng phải chắc khỏe, nhai nuốt phải thật nhanh. Tony có anh bạn tên Kim, một lần anh ăn bạch tuộc sống ở một nhà hàng Seoul, tốc độ nuốt không bằng khả năng bám dính của con bạch tuộc, anh Kim bị ngạt thở và cũng đã “sự quang”.
Bộ đồ lòng của gà vịt heo…mình cũng không nên ăn nhiều. Vì các loại thực phẩm này đều nuôi dưới dạng nông trại, cho ăn thức ăn tổng hợp, trong đó có nhiều kim loại nặng vẫn còn tồn trữ trong các nội tạng. Nên bộ lòng không còn sạch sẽ và ngon lành như xưa. Chúng ta cũng có thể ăn, nhưng ít lại. Còn tiết canh thì tuyệt đối không, thế giới hiện đại bây giờ sản sinh nhiều loại chủng virus mới, chưa kể sán lãi các loại trong máu động vật sống, ăn vào chỉ gây hại chứ không có “mát bổ” như người ta vẫn tưởng.
Trong khi đó, hoa quả lại là 1 sự bổ dưỡng đến kỳ diệu của thiên nhiên. Cây xanh nó hay lắm, nó bọc quanh “hạt” tức mầm sống thế hệ sau một lớp thịt quả rất thơm ngon. Trong tự nhiên, khi quả chín rớt xuống, lớp thịt ngọt ngào bọc quanh hạt sẽ là dinh dưỡng cho hạt nẩy mầm, sinh trưởng tốt trong giai đoạn đầu. Đu đủ, bí đỏ, cà chua, dưa hấu, na…đều có lớp thịt thơm ngon bọc quanh hạt là vì vậy. Mình nên tập trung ăn cái này, lấy hạt ra, gieo xuống, giờ có phân bón rồi nên không lo hạt thiếu dinh dưỡng để nẩy mầm vươn lên.
Vậy nhé, chúng ta cùng nhau ăn healthy food, đạm ít chân, rau xanh, hoa quả…. Cố gắng ăn uống lành mạnh, ăn để sống tốt đời đẹp đạo, chứ hẻm phải sống để ăn-cái gì cũng há mồm ra. Mình cũng phải tập thể dục thể thao thường xuyên để máu hồng chảy lên mặt, da dẻ sẽ hồng hào tự nhiên.
Tới tiệc tùng, hay bạn rủ đi ăn, nói mình dạo này chỉ ăn heo thì phút thôi, gụ bia chỉ 1 ly 1 cốc, nói người dạo này có nguy cơ bị một số bệnh nan y nên mong anh đừng ép. Em không muốn sự quang…


Lời cậu dặn

Năm 18 tuổi, Tony có đi gặp 1 cậu Hai, tạm biệt trước khi lên đường vô Sài Gòn học. Ổng dặn, vô đó nếu ở nhà trọ hay ký túc xá, phải tuyệt đối không được ở chung với mấy đứa không biết làm việc nhà, con cưng này nọ là tránh xa nghẹ mậy. Vì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Tony hẻm tin, nói gì ghê vậy cậu.
Vô SG, lên sinh hoạt NVH thanh niên, quen với nhiều bạn sinh viên đến từ các tỉnh. Tony qua ở chung với họ thay vì trọ chung với đồng hương, chỉ vì muốn khám phá các văn hóa các vùng miền khác nhau. Có lần cùng nhau thuê nguyên căn nhà ở đường Trần Văn Đang, trong đó có K, dân Đà Nẵng, học ĐH Bách Khoa. K là cậu ấm chính hiệu vì lúc ở quê, bố mẹ cậu ấy chưa cho K rờ vô cái gì trong nhà, cứ ngồi trong phòng học toán lý hoá trên lầu, tới giờ ăn thì xuống. Mục đích chính của việc học chính là thi, nên cả nhà dồn sức cho cậu, K thi được hai mấy điểm.
K làm biếng kinh khủng, 1 cái áo đi về mồ hôi ướt đẫm chứ cũng treo cho khô, rồi mai mặc tiếp. Quần lót quần đùi thì góc nào cũng có, nhà tắm cũng có, bếp cũng có. Mền mùng chiếu gối thì chưa thấy giặt bao giờ, ai thấy hôi quá thì giặt giùm. Ăn thì toàn cơm bụi, anh em hùn tiền nấu thì K nói không, vì phải bị phân công nấu 1 bữa. Nên tới giờ ăn cơm, mọi người quây quần lại là K xách xe chạy đi ăn bụi bên ngoài.
Ba mẹ K viết thư gửi vô thôi là gửi. K chẳng trả lời bao giờ, nói làm biếng viết lại. Tắm cũng làm biếng. Đánh răng cũng làm biếng. Người hôi rình và răng đầy bựa mảng bám thức ăn. Cứ ôm cái truyện tranh ngồi miết, tóc dài rũ rượi, vừa đọc vừa nặn mụn, máu me đầy tay, rồi bôi lên tường, bôi vào quần áo. Sau đó thì bố mẹ nó mua cái máy tính gửi vô nên chơi game suốt. K nói ở ngoài quê tau chưa biết nồi cơm điện dùng thế nào hay trong tủ lạnh có cái gì trong đó. Cứ ai dọn ra thì ăn. 100% việc nhà, ba mẹ tau giành làm hết. Mỗi lần trong nhà trọ có tiệc tùng, kêu rửa rau là K không phân biệt được rau thơm và rau muống cái nào ăn sống cái nào phải luộc. Nhờ nấu canh thì nó đổ 1 nồi nước ngập tràn, nấu sôi cũng mất cả tiếng, xong phải đổ bỏ bớt hết 2/3. Làm cái gì cũng vụng về lúng túng, mê chơi game quên uống nước, có lần bị sạn thận vì làm biếng đi tiểu. Bóng đèn hư không biết sửa mặc dù học kỹ sư. Vì không mó tay vào chuyện gì nên làm chút là mỏi, lơ lơ, lén lén bỏ đi nếu phải làm chung cái gì. Bạn học cũng ngại rủ K vô học nhóm hay làm đề tài chung, vì K không có làm hoặc làm qua loa, ảnh hưởng thành tích nên ai cũng sợ, không cho vô nhóm.
Hậu quả của thói cậu ấm này là tính ngáo ngơ bất cẩn. Đi ra khỏi phòng là chưa bao giờ tắt điện tắt quạt hay đóng cửa. Mấy anh lớn tuổi trong phòng có la, nói phải tắt các thiết bị khi ra khỏi nhà chứ, một là tốn tiền điện, hai là cháy nổ bất cứ lúc nào xảy ra. K dạ rồi quên, cứ như tính bất cẩn có trong máu. Tony nhớ lời ông cậu dặn, sợ hãi, nên dọn đi chỗ khác. Đâu 1 tuần sau thì nhà trọ của nó cháy. K ủi đồ đi ăn tiệc với bạn gái. Ủi trên cái mền ( chăn), đang ủi nửa chừng thì điện cúp. K quên rút dây điện ra khỏi ổ cắm, để luôn trên cái mền rồi vọt đi cho kịp. Đâu tiếng sau, có điện lại. Nhà lúc đó khóa cửa đi vắng hết nên cháy bùng lên, rồi lan sang nhà bên cạnh. Nhà bên có 1 bà già chạy không kịp nên chết.
Ba mẹ K nghe tin, bay vô. Trách gia đình bà già quá trời. Nói có cháy thì phải chạy đi chứ ngồi trong đó chi cho chết. Rồi gia đình bà già có bãi nại sao đó, nên K mới thoát tội. Rùi ba mẹ nó vay mượn tùm lum mua cho cái nhà ở riêng để tránh phiền người khác. K tán tỉnh 1 cô bạn cùng trường, xấu hơn Thị Nở, nói chẳng thương yêu gì cái con này nhưng được cái biết hầu hạ tau nên tau giả bộ lúc nào cũng “rằng anh yêu em- ố ồ ồ ố ô”. Thế là con bé đó điên cuồng phục vụ, qua ở chung luôn, giặt đồ cơm bưng nước rót, hầu hạ tắm rửa K như nô lệ nô tì I-sâu-ra. Vừa ra trường thì K đuổi ra con bé này ra khỏi nhà luôn, kiếm con khác. K nói sao tau chả yêu ai mày ạ, coi phim buồn hay kịch buồn không bao giờ khóc. Không có lòng nhân ái, không biết vì sao phải thương người thương động vật yêu thiên nhiên cây cỏ
K mất 6 năm mới xong cái bằng kỹ sư, xin việc miết hẻm được. Ba mẹ K lúc đó về hưu nên hết tiền gửi vô. K đi làm bảo vệ cho một công ty, nhưng ngáp lên ngáp xuống. Rùi một bữa nói nhục, đòi nghỉ, vì thằng bạn cùng lớp giờ làm trưởng phòng, tao làm bảo vệ, không chịu được. Tony nói tại mày cả, lúc người ta học ngoại ngữ như điên, đọc sách như điên, giao lưu câu lạc bộ này câu lạc bộ kia, làm dự án khoa hạc này công trình nghiên cứu kia, tham dự hội thảo này hội thảo kia, chơi đá bóng bơi lội này nọ...thì mày lang thang quán cà phê, đánh bi-da, ôm truyện tranh hay chơi game. Ra trường, người ta tham dự phỏng vấn tập đoàn này tập đoàn nọ, tham gia hạc bổng này hạc bổng kia còn mày thì cứ chờ ba mẹ coi xin việc gửi gắm. Giờ trách gì ai. Cái nó nói mệt, kêu mẹ vô bán nhà về quê. Có cha mẹ hầu hạ cho sướng cho nhàn chứ ở đây mệt quá.
Rồi mấy năm sau, 1 lần đi Đà Nẵng, Tony ghé thăm. Ba mẹ K lúc đó già yếu nhưng vẫn đi xin việc cho nó. Cứ dắt đến chỗ này chỗ kia, K đứng ngoài, ông hoặc bà sẽ đi vô thương lượng về lương bổng, điều kiện làm việc. K lẽo đẽo theo như các bé mầm non. Mẹ K nói bác phải vào hỏi cho ra lẽ, chứ lỡ môi trường đó không phù hợp. Bác cũng không muốn ai nói nặng con bác. Nên tối về là ông bà vặn vẹo chuyện cơ quan, bắt nó kể lại hết chuyện gì xảy ra trong ngày. K kể lại rồi hôm sau ông bà sẽ đến nói chuyện phải quấy. Bác ghét cái kiểu đối xử với người làm như thế, không làm được thì bác lấy lương hưu nuôi nó, rau cháo qua ngày.
Bữa ghé thăm, mới hay nó còn 2 đứa em gái nữa, đều là tiểu thư lá ngọc cành vàng, trạc trạc 30 tuổi. Lúc Tony sang thì thấy ông cha đang dọn dẹp lau nhà, rửa xe máy, bà mẹ nấu ăn, còn 3 anh em nó thì đứa ngồi coi laptop, đưa chơi game trên di động, đứa đang dũa móng tay, chân gác lên tường. Rồi ông than bà thở, đấm lưng nói mỏi, cả ngày từ mờ mờ sáng đã phải giặt giũ quần áo, nấu cơm, rồi lau chùi dọn dẹp 3 cái phòng ngủ, 2 bác kiệt sức con ạ. Rút kinh nghiệm, em nó, bác không cho vô Sài Gòn, hạc ngoài ni cũng được. Hạc cho lắm rồi cũng thất nghiệp ngồi đó. Tại nền giáo dục nước mình nó kém quá. Cái mình nói cũng tuỳ thôi bác, cũng lò đào tạo như nó mà con xin việc dễ dàng khi mới ra trường, sau này mở doanh nghiệp nhà máy nè bác. Ông bà không chịu, vẫn đổ là mấy thầy cô dạy dở quá nên cháu K không giỏi được.
Sau đó, K có vợ. Lấy 1 cô kia lớn hơn K mấy tuổi, buôn bán bất động sản rất là giàu có. Cô này cả tuổi trẻ lo làm quá nên cứng tuổi quá rồi mới nhớ phải lấy chồng, bèn kiếm đại 1 XY về cho có người coi nhà coi cửa, có đàn ông trong nhà đêm hôm đỡ sợ. Hàng tháng, cô vợ đưa tiền cà phê nhậu nhẹt, hết tiền thì K ngửa tay xin. K đi làm hành chính văn thư ở công ty thủy sản quen biết với cô vợ, sáng vác ô đi tối vác về, lương không đủ tiền xăng. Vì không độc lập tài chính nên không độc lập được suy nghĩ, cô vợ bắt làm cái gì thì làm theo cái đó, cấm cãi, cãi thì cắt tiền. Nên K sống thân dây leo tầm gửi, còn cô vợ thành cây tùng cây bách. Ra đường gặp kẻ xấu đòi quánh thì nó chạy về méc vợ liền, cô vợ lao ra, gồng đôi tay lực sĩ đập phát bọn xấu chết tươi.
K là hậu quả 1 lối giáo dục không cho lao động chân tay, đặc biệt là các quý tử. Ở Việt Nam, tuyển lao động nữ dễ hơn lao động nam, từ lao động phổ thông đến lao động trí óc. Tony phỏng vấn 10 bạn nữ có thể nhận được 9 bạn vô làm, còn nam thì ngược lại, 10 đứa hết 5-6 đứa ngáo ngơ do cha mẹ không cho làm việc nhà, hình thành thói quen lười biếng và thụ động. Mọi thứ đều có người cung cấp sẵn nên hẻm phải suy nghĩ lo toan gì, vì ít động nên bề mặt não phẳng lì, không có nếp gấp, nói 3 câu thì hết 2 câu vô nghĩa. Toàn hỏi bây chừ em phải làm sao, làm sao và làm sao…
Tạm biệt K. và Đà Nẵng, trên máy bay bay về Sài Gòn, bèn cám cảnh mà làm thơ
“Em hãy là bờ vai vững chãi,
để anh nương tựa vào.
Em hãy là cây tùng cây bách,
để anh bò anh leo,
Anh như dây ti-gôn.
Cứ sáng sáng anh sẽ nở hoa cho em coi,
Nhưng xin đừng ngắt,
Tan nát đời hoa
Vì anh mỏng manh,
Vì anh yếu đuối….”


Popular Posts

Blog Archive

Powered by Blogger.