Friday, January 16, 2015

Chương trình “Thương lắm tiếng chổi tre”

Có lần, Tony đi về khuya trên đường Trần Hưng Đạo, lúc đó khoảng 2-3h sáng, đường vắng hoe, chỉ có 2 chị lao công cần mẫn quét rác. Hai chị đội 2 cái nón, bịt mặt, trên áo có vạch phản quang. Gần đó là chiếc xe rác cũng màu vàng. Và những ngọn đèn vàng hiu hắt của thành phố, tất cả dường như đã đi ngủ. Rất say, rất sâu…
Nhìn 2 chị, tự dưng lòng Tony dâng lên một cảm xúc khó tả, vừa biết ơn, vừa kính phục. Cả chục triệu dân Sài Gòn đang ngủ vùi trong chăn ấm nệm êm, thì ngoài phố vẫn có những người làm những công việc thầm lặng. Để sáng mai, khi mọi người thức dậy, cả thành phố tinh tươm sạch đẹp như mới.
Giữ được một ngôi nhà nhỏ xíu luôn sạch đã khó, giữ cho một thành phố rộng lớn như tp HCM sạch sẽ thì khó gấp vạn lần. Hàng vạn con phố và biết bao những con người thầm lặng. Hy sinh giấc ngủ, làm việc trong điều kiện vất vả, lại nguy hiểm cận kề khi nửa đêm vẫn có những lái xe say xỉn chạy bạt mạng. Dân càng đông, lượng rác thải càng ngày càng nhiều, và các anh các chị lại càng vất vả.
Sài Gòn mùa này trời lạnh. Nửa đêm nhiệt độ xuống còn 18 độ C, các anh chị vẫn gồng mình làm tốt nhiệm vụ. Tony chợt nhớ bài thơ học thuộc từ bé
“Những đêm hè
Khi ve ve
Đã ngủ
Tôi lắng nghe
Trên đường Trần Phú
Tiếng chổi tre
Xao xác hàng me
Tiếng chổi tre
Đêm hè
Quét rác...
Những đêm đông
Khi cơn dông
Vừa tắt
Tôi đứng trông
Trên đường lặng ngắt
Chị lao công
Như sắt
Như đồng
Chị lao công
Đêm đông
Quét rác...”
Và nhiệm vụ của nhóm tình nguyện TnBS ở Tp HCM trong tháng 1-2 này, là kinh doanh nông sản và sản phẩm khởi nghiệp của CLB con dượng để tặng quà cho các chị trong dịp xuân về. Có thể dư ra chút tiền để tặng vài suất học bổng cho con em các anh chị. Lao động mãi mãi là vinh quang, những đứa trẻ tự hào nhận được học bổng vì “mẹ tôi là một lao công đường phố”.
Mỗi buổi sáng đi trên đường đến trường, đến công sở, đến quán cà phê…chúng ta hãy biết ơn các anh, các chị - những bông hoa thầm lặng giữa đời thường.
Các anh chị lao công thân mến. Tụi em sẽ kinh doanh nông sản, sẽ kiếm tiền để gửi các chị những món quà nhân dịp xuân về. Món quà của nhóm tình nguyện tuy nhỏ, nhưng là một cái nghiêng mình của tụi em, của những công dân thành phố, đến cái nghề cao đẹp mà anh chị đã lựa chọn.
“Nhớ em nghe
Tiếng chổi tre
Chị quét
Những đêm hè
Đêm đông gió rét
Tiếng chổi tre
Sớm tối
Đi về
Giữ sạch lề
Đẹp lối
Em nghe! “


Thursday, January 15, 2015

Hãy đọc sách

“Nếu anh muốn trò chuyện với những người thành thật của các thế kỷ qua. Thì hãy đọc sách”
Nhà triết học Descarte đã từng khuyên như thế
Sáng hôm nay một mình anh ra bể
Thấy sóng bao la vạm vỡ tận chân trời
Ta có thể lấy điều gì so sánh?
Xin thưa anh: “Tri thức của loài người”
Sáng hôm nay một mình anh lên núi
Thấy ngàn năm mây trắng nõn nà phơi
Mây cuồn cuộn có gì sánh nổi?
Xin thưa anh: “Có kiến thức trên đời”
Nguồn Sống ấy nằm trong trang sách
Từ đời cha truyền lại đến đời con
Lưu giữ mãi một Tình Yêu trong sạch
Sách mở ra vô tận những tâm hồn
Trang sách chứa bao điều mới lạ
Những tinh khôn từ vạn cổ chí kim
Ai giữ sách để người sau được đọc
Để tri âm - tri kỷ biết nhau tìm?
(Lê Minh Quốc)
Hãy mua online hoặc ghé nhà sách, mua một cuốn văn học phương Tây bất kỳ. Tối nay, tắt internet, đọc để biết tư duy Tây sao dám giong buồm đi tận xứ xa xôi để tìm ra châu Mỹ, hay di dân sang châu Úc, New Zealand, vì sao Tây chọn ở chỉ toàn miền đất lạnh, nhưng trù phú? Vì sao có Bill Gates, Mc Zuckerberg, Soros, Warren Buffett, Steve Job…ông nào ông nấy khi phát biểu thì hay ơi là hay. Tiền nhiều ơi là nhiều, mà mình tìm miết không có?
Sách nuôi dưỡng tâm hồn nên là sách văn học. Nhiều bạn chỉ đọc sách dạy làm giàu, chỉ thực dụng đọc sách ấy, thì tâm hồn sẽ nghèo. Tâm hồn nghèo thì câu cú nói ra sẽ nghèo ý nghĩa. Nghèo ý nghĩa thì sao thu hút được người khác, thuyết phục được người khác mua hàng của mình? Dù là hàng hóa sức lao động, phải đọc sách để bán được giá cao…


Wednesday, January 14, 2015

Lời xin lỗi muộn mằn

“Chào dượng. Con gửi lá thư này là lá thứ 5 cho dượng. Con biết dượng một ngày nhận nhiều thư lắm, nhưng dượng sẽ bất ngờ khi đọc thư này.
Con là một người chuyên chém gió trên mạng ảo, tình cờ ngang qua page của dượng, cuốn hút lúc nào không hay, coi miết coi miết gần 10 tiếng đồng hồ mới xong. Đứng dậy, hình ảnh dượng trong con đẹp vô cùng, cái giọng văn chảnh chảnh tưng tửng và gương mặt thanh tú ấy khiến con đem lòng yêu thương điên đảo. Xưa giờ con chưa yêu ai trên mạng như thế. Con quyết định gửi dượng lá thư, bày tỏ tình cảm, không thấy trả lời. Rồi những lá thứ sau cũng bặt vô âm tín. Chờ đợi, chờ đợi…con đem lòng sinh hận. Con quyết tâm làm cho dượng phải biết đến con. Con quyết tạo xì-căng-đan bằng viết một bài phê bình các bài viết của dượng, khổ nỗi chả biết phê bình cái gì. Đọc đoạn đầu định phản bác thì đoạn sau lại thấy yêu. Lúc yêu lúc hận cứ đan xen nhau, nên cuối cùng con viết 1 bài nói dượng “nổ”, học Há Vợt về mà không biết làm báo cáo có số liệu chứng minh, viết như tiểu thuyết thần thoại. Chuyện ở Quế Lâm vô chùa mà có ông sư râu trắng tóc trắng, nhà sư sao có tóc? Chuyện ở Davao gặp cô Quỳnh rơi đĩa chuối, hãy chứng minh là đã đi Davao, vé máy bay đâu, visa nhập cảnh đâu? Chuyện đi hạc ở Há Vợt, bằng cấp đâu, trưng cho coi mới đáng tin cậy. Rồi chuyện kể anh bạn này, anh bạn kia…tên tuổi anh bạn đó đâu, số điện thoại đâu, để độc giả liên hệ xác minh chớ? Con viết xong, dượng biết không, 1 làn sóng những người tò mò và hận tình như con vô like quá trời, bàn tán ỏm tỏi, nhưng chẳng thấy mảy may dượng quan tâm. Sau đó, con mới đọc cái nội quy dượng viết, kiểu dượng ghi rõ là dượng kể chuyện tiếu lâm như bác Ba Phi ngày xưa vào lúc nông nhàn. Con không biết Ba Phi là ai, mới search vô coi hết chuyện bác Ba Phi, mới thấy văn phong của dượng giống bác Ba quá, chỉ khác là chuyện con rắn con rùa con nai…của bác Ba biến thành anh A anh B cô C... Con thấy ân hận, nhưng chuyện đã rồi. Một bài học cho con, lẽ ra nên đọc nội quy trước.
Thôi con xin lỗi dượng. Yêu không được chuyển sang hận cũng là lẽ thường tình. Tình yêu không có tội…”
TnBS: Dượng đọc thư con đến đây thì đã mệt, không đọc nữa, copy đoạn trên rồi xóa mail. “ Em đi xa quá, em đi xa xa anh quá…”. Dượng đang tập bài hát này để biểu diễn trong hội thảo kết thúc vụ Đông Xuân. Dượng dạo này bị bệnh “tiền mãn teen”, hát toàn nhạc trẻ thôi. “Công chúa bong bóng, Không Cảm Xúc, Cơn Mưa Ngang Qua…”…đều đã làu làu đấy nhé. Tết này dượng sẽ tung ra Album “Tiếng hát Tony” để cạnh tranh quyết liệt với Tứ Lệ (Lệ Thu, Lệ Thủy, Lệ Quyên và Lệ Rơi), những giọng ca dượng rất thích. Con nhớ mua Album ủng hộ.


Monday, January 12, 2015

Con cò của mẹ

“Chào dượng. Con tên S, tốt nghiệp ĐH Kiến Trúc và đã đi làm 2 năm. Nghĩ đến những tháng ngày đi học mà con thấy nao lòng. Thời cấp 1 cấp 2 con không biết, chứ từ cấp 3 trở đi, 1 tháng riêng tiền học của con đã là 5 triệu. Sau bao nhiêu năm, giờ con kiếm được có 5 triệu/tháng, coi như tiền đầu tư cho con lỗ nặng.
Từ lớp 1, con đã phải học thêm đêm ngày để vô trường chuyên cấp 2. Rồi phải học bơi, học võ, học đàn, học 2 ngoại ngữ. Cứ 4h chiều, ba con trốn việc ở công ty, ra đứng trước cổng trường, cầm gói xôi và hộp sữa rồi chở con chạy như bay đến các lớp học thêm, 9h30 tối con mới về tới nhà, vô bàn ngồi làm bài tập đến 12h mới được ngủ. Kiệt sức vì học nhưng con phải có thành tích để ba mẹ khoe với bạn bè. Con luyện toán-lý-vẽ từ năm lớp 10, MỤC ĐÍCH DUY NHẤT LÀ để thi ĐH nên con không quan tâm đến các môn khác, cả lớp con ai cũng vậy, đậu ĐH 100% chứ giờ kêu viết đơn xin việc thì thua, phải search trên mạng xuống rồi sửa sửa lại tí chút. Ở trường kiến trúc, tiền dụng cụ học tập cao ngất. Tốt nghiệp ra, ngành xây dựng không còn nhiều công trình nữa, con có việc làm là rất may mắn, bạn bè con thất nghiệp nhiều, chỉ có vài đứa giỏi ngoại ngữ đi làm cho công ty nước ngoài, vài đứa có điều kiện thì đi du học, còn lại thì ất ơ vạ vật. Con không nói được ngoại ngữ nào ra hồn, cũng chẳng thích đàn hát võ thuật gì. Đam mê kiến trúc không có, các công trình vẽ ra cho khách, con còn thấy xấu nữa là. Hồi đó con chọn kiến trúc vì mọi người trong nhà nói là “NGHỀ NÀY DỄ XIN VIỆC, KHÔNG AI NHẬN THÌ ĐI VẼ NHÀ CHO NGƯỜI TA CŨNG SỐNG ĐƯỢC”. Giờ con thấy làm gì cũng phải có đam mê, phải có chút tài năng mới kiếm tiền được dượng ơi. Con chán nản toàn tập, lớp con chỉ các bạn ở tỉnh lên, nghèo nghèo…là điên cuồng làm việc, còn tụi con ở thành phố, giờ sống nhàn nhạt, chán òm, không có gì bứt phá. Con hàng ngày ngoài việc sáng ra quán cà phê ngồi cầm cái laptop, nhận việc tính toán kết cấu cho vài ba công trình, rồi tối đi nhậu với bạn bè. Con 25 tuổi mà bụng bự hơn ba con nữa...”
Đây là một trong rất nhiều thư mà TnBS nhận được. Thế mới biết, nhiều người phấn đấu cả đời, cho con cái lên thành phố “để có điều kiện học tập” rồi ép con học cái này cái kia, đầu tư kinh khủng cho con cái…nhưng không có kết quả. Tuổi thơ cứ mãi kéo dài vì phận làm con cò, con cò đã chán mà lại còn be bé. “Con cò bé bé, nó đậu cành tre, đi không hỏi mẹ, biết đi đường nào?” Đi đường nào hả mẹ, mẹ ơi ?”
Cách đây 2 năm Tony gặp 1 bạn kiến trúc sư y chang, tên H. Bạn nói con xuống Phú Mỹ Hưng làm nhà, thấy bà ô-sin người Philippines lương 1000 USD/tháng, trong khi mình học kinh khủng trong 17 năm, thu nhập có 200-300 USD. Bà ấy làm lương cao gấp 5 lần vì bà ấy biết tiếng Anh. Cái con về. Tức quá. NÓI LÀ LÀM. Nắm chặt tay, mím chặt môi, con DẸP HẾT MỌI LƯỜI BIẾNG cố hữu để LỘT XÁC. Hành trình lột xác từ CÒ thành ĐẠI BÀNG bắt đầu.
Bạn kể “con đăng ký luyện IELTS ở một trung tâm do nhóm sinh viên ĐH Ngoại thương sáng lập, 5h sáng là dậy hít đất, chạy thể dục. Ngoài công việc chuyên môn, con chỉ tập trung học ngoại ngữ và ngoại ngữ... Sau 3 tháng, con thi IELTS được 6.0, và vay tiền mẹ đâu mấy ngàn đô, sang Italia để học thiết kế 1 tháng” (The Florence Institute of Design International, học phí 1 khóa ngắn hạn 1 tháng khoảng 900 Euro). Sau một tháng học, bạn nói tầm nhìn của bạn lên rất nhiều. Bạn về nước. Thiết kế của bạn tự nhiên phóng khoáng hơn, táo bạo hơn. Mạnh dạn đi ra ngoài, bạn mới thấy những công trình kiến trúc của phương Tây sao mà hài hòa quá. Sau đó, nhờ 1 đồng môn trong khóa học này giới thiệu nên bạn đi học tiếp ngành kiến trúc ở một thành phố nhỏ ở nước châu Âu khác, lần này chỉ với 3000 USD trong tay. Hàng ngày ngoài giờ học, bạn đi lang thang trong thành phố, thấy nhà ai xấu xấu hư hỏng gì đó là ghi lại địa chỉ, về nhà viết thư nói để tao sơn lại, sửa lại, làm cảnh quan sân vườn lại cho nha. Từ tháng thứ 2 trở đi là bạn dư dả tiền bạc, đi lang thang nước này nước kia du lịch. Gần đây, nhóm của bạn vừa vẽ một công trình khách sạn ở Úc, bạn vẽ rồi gửi phác thảo qua, khách sửa, khách Ok thì bạn triển khai chi tiết 3D, tính kết cấu, khối lượng...và gửi mail cho khách là xong. Nhóm của bạn 5 người, giá trị bản vẽ 300,000 USD và bạn được chia 1/5. Bạn nói lần đầu tiên trong tài khoản có con số hàng chục ngàn, khi đầu óc mình phóng khoáng lên là tiền tự động vào. Và khi mình có tầm quốc tế, giá trị sức lao động của mình tăng lên rất cao. Bạn nói, nhiều lúc con đang ngồi uống ly Cappuccino 5 Euro (tức gần 150 ngàn đồng) ở Paris, nhớ ly cà phê cục gạch trước trường kiến trúc, có lần con căng thẳng cãi nhau với chị bán hàng sao bữa nay giá ly cà phê lên 12 ngàn, hôm trước chỉ có 10 ngàn thôi, con giận không nhìn mặt chị ấy. Rồi đi phỏng vấn xin việc, bạn cùng lớp chứ vô gặp nhau là “ném cục lơ”, sợ nó giành mất suất việc làm của mình. Hùn hạp nhau mở công ty thì 3 ngày là cãi lộn giải tán vì ai cũng làm theo ý mình, không tôn trọng quy định chung hay tuân theo chỉ huy gì cả.
Tony bèn nói: “Thì mấy đứa thấy đó. Chênh lệch có 2000 đồng mà tụi mày cũng cãi không nhìn mặt nhau. 2000 đồng, ra quốc tế, quy Đô la là chưa tới 10 cents. Đầu óc nhỏ thì tâm hồn nhỏ. Tâm hồn nhỏ thì đời nhỏ. Mình chỉ tồn tại một lần trên trái đất này, thử “bay lên đón mặt trời, đại bàng con hãy vút cao, qua núi đồi...” như lời bài hát “Đại bàng con”, bài hát thiếu nhi nổi tiếng của Nga đi nhé!"
Không rõ vì sao, trong các bài thiếu nhi Phương Tây, các nhạc sĩ thường lấy hình tượng con đại bàng để sáng tác...


Sunday, January 11, 2015

Cặp đôi hoàn hảo

Hôm trước anh Maik người Hà Lan sang Việt Nam chơi, ghé thăm nhà một cô bạn gái quen trên mạng kết bạn. Đi về, Maik nói là tao không ghé nhà cô ấy nữa, vì cô ấy không tôn trọng tao. Maik nói là “cô ấy tiếp tao trong cái garage để xe. Vì ngồi nói chuyện trên ghế salon mà tao thấy 3 chiếc xe máy để cạnh. Phòng khách gì lạ vậy”. Tony mới cười lớn, nhà ống ở Việt Nam nó vậy, nó hẹp quá nên xe phải dắt vô nhà. Nhà 3 người thì 3 chiếc xe máy, để luôn vào phòng khách chứ không phải ga-ra. Đi đâu thì nổ máy từ phòng khách phóng ra đường luôn, còn đi về thì phóng thẳng vào phòng khách. Có nhà phòng ăn còn để xe nữa, dắt vào tận bếp vì sợ mất”. Maik hỏi ủa chiếc xe đi đường mang đầy bụi bặm vi khuẩn, rồi xăng rất hôi, dễ cháy nổ, sao phương tiện giao thông lại để trong phòng khách, nó ngồi suy nghĩ miết không hiểu.
Có đi ra nước ngoài thì mới thấy nhà ống truyền thống xưa nay của mình là vô cùng buồn cười, không đâu nhà cửa có hình dáng ốm tong như vậy. Cái mình gọi là biệt thự thật ra là nhà ở, bề ngang phải rộng tương đương với bề dài, hai bên phải chừa đất để trồng cỏ, lỡ nhà bên cháy nổ thì không liên lụy. Không phải nước giàu, mà các nước lân bang như Mã, Thái, Phi...đều giống vậy. Còn ở TQ thì chung cư hết, nhà riêng chỉ ở ngoại ô rất xa. Rất tiếc là nhiều khu đô thị mới, các thị xã thành phố mới ở ta, đất còn nhiều, nhưng vẫn quy hoạch 5mx20m, vì quen.
Chúng ta mua 1 nền đất rồi cất nhà, giả sử là số 16 đường Nguyễn Thị X. Nhà đó có 2 đứa con, chúng lớn lên, chia gia tài thành 2 miếng 2.5m x 20 m. Số nhà bây giờ là 16A và 16B. Xong thằng A làm ăn không được, cắt đất phía sau bán, phải chừa con hẻm nhỏ 1m để đi vô, thế là nhà 16A chỉ còn 1.5m x 10m, cái nhà trong hẻm kia là 16A/1. Rồi nhà bên trong lại cắt ra bán tiếp, thành 16A/1/1. Hẻm, kiệt, ngõ, ngách… từ đó mà hình thành, ngoằn ngoèo trong lối đi, ngoằn ngoèo trong tư duy của mỗi cư dân đô thị.
Chật chội là thế, ban đêm ngủ phải khóa bên trong mấy cái vì sợ trộm cạy cửa, nên nếu có cháy nổ xảy ra, riêng việc đi tìm chìa để mở khóa cũng đủ chết ngạt. Nhưng bán để đi đến xa xa một chút, rộng rãi một chút thì không ai chịu. Hoặc đập hết để xây chung cư cho văn minh, có chỗ đậu xe hơi thoải mái, thì cũng không ai đồng ý. Người mình với tư duy tiểu nông xưa nay, nên họ cần một miếng đất cắm dùi, sở hữu riêng. Nhà ống kết hợp với xe máy thành một cặp đôi hoàn hảo. Xe buýt không ai đi, xe ô tô mua không có chỗ đậu, chung cư ít ai thích mặc dù nguy cơ cháy nổ của chung cư là ít nhất vì có hệ thống tưới nước tự động khi bị khói. Việc đi xe buýt là an toàn nhất vì một xe buýt chở 50 người, chỉ phụ thuộc vào một anh tài xế, một người được đào tạo bài bản về lái xe, trong khi nếu 50 người kia thả xuống đường, mỗi người 1 chiếc, thì nguy cơ tai nạn tăng lên 50 lần. Vì không phải ai cũng biết lái xe, cũng có khiếu lái xe, cũng tuân thủ luật giao thông. Nhưng cứ ai nói cấm xe máy thì bị phản đối dữ dội, vì nó gây ra sự bất tiện cho họ. Đi từ đầu hẻm đến cuối hẻm cũng cưỡi lên xe phóng đi, thành 1 thói quen khó bỏ trừ khi phải bắt buộc.
Có một bạn trong CLB con dượng có nhà ở phố Hàng Ngang Hàng Dọc gì đấy. Vì là nhà mặt tiền phố cổ, dù chỉ có 50 mét vuông, nhưng được công ty bên cạnh trả giá 1 tỷ đồng/m2, vì họ cần ghép lại để nới rộng chỗ làm việc. Thế là gia đình bạn có 50 tỷ trong tay. Mà không phải tiền ảo, đó là tiền thật, gật đầu là họ qua chồng tiền ngay. Nhà bạn có 2 anh em, mẹ bạn đã hứa chia gia tài, mỗi đứa 25 mét vuông, 25 tỷ, tức hơn 1 triệu đô mỗi đứa. Nên bạn không cần phải nỗ lực làm việc gì cả, làm cho lắm thì cũng đã là triệu phú, đi làm ai nói không hài lòng câu nào là về nghỉ luôn. Sáng sáng, hai anh em nhà bạn ngủ dậy thật trễ, câu đầu tiên hỏi là mẹ ơi, nhà mình hôm nay bao nhiêu tỷ rồi mẹ. Bà mẹ trả lời, hôm nay giá đất lên, mẹ con ta đã có 55 tỷ trong tay rồi đấy. Thế thì đi ăn phở Bát Đàn mẹ nhé-hai anh em reo vang. Hôm sau, 2 cậu lại ngủ dậy và hỏi y chang câu này, bà mẹ buồn rầu báo hôm nay giá đất xuống, nhà ta chỉ còn có 48 tỷ thôi. Thế thì chúng ta hôm nay ăn gì mẹ nhỉ? Bà mẹ trả lời, hôm nay chúng ta sẽ điểm tâm bằng xôi Yến...


Popular Posts

Blog Archive

Powered by Blogger.